Theo dõi trên

Kiểm soát chặt các cơ sở giết mổ không phép

05/06/2019, 15:22 - Lượt đọc: 90

BTO- Theo Sở Nông nghiệp & PTNT, toàn tỉnh có 269 cơ sở giết mổ nhưng chỉ có 34 cơ sở được cấp phép, số còn lại chưa đủ điều kiện giết mổ. Để các lò giết mổ không phép hoạt động trong bối cảnh dịch tả heo châu Phi lây lan nhanh là một khó khăn rất lớn trong phòng chống dịch bệnh xâm nhiễm.

                
      Phun thuốc sát trùng lò giết mổ xã Tiến lợi (Phan    Thiết).

Để đảm bảo an toàn phòng chống dịch tả heo xâm nhiễm vào tỉnh, ông Phan Văn Tấn – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT kiến nghị giải pháp: UBND các huyện, thị xã, thành phố không cho nhập heo, tổ chức giết mổ đối với những cơ sở không đảm bảo điều kiện.

Trong diễn biến dịch bệnh lây lan nhanh, phức tạp nên tạm ngưng hoạt động các các lò giết mổ không đảm bảo và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Bên cạnh đó, các tổ kiểm tra liên ngành và các xã, phường, thị trấn kiên quyết xử lý đối với các phương tiện vận chuyển heo về cơ sở giết mổ không đúng với địa chỉ cơ sở ghi trong giấy kiểm dịch; tự ý tháo dỡ niêm phong, kẹp chì phương tiện vận chuyển, đánh tráo số lượng heo…Việc tạm ngừng hay giữ lại các cơ sở giết mổ không phép trong bối cảnh này được xem là bài toán nan giải.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Tuấn Phong băn khoăn: Nếu giữ lại các cơ sở giết mổ không phép, việc tiêu thụ thịt heo không rõ nguồn gốc nguy cơ xảy ra dịch bệnh là rất lớn. Nếu tạm ngừng tất cả các cơ sở giết mổ không phép sẽ gây trở ngại cho việc xuất bán heo hơi của các hộ chăn nuôi.

Vì vậy, trước mắt Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương rà soát, kiểm tra lại các cơ sở giết mổ không có giấy phép, các cơ sở giết mổ cấp phép tạm thời, tùy vào nhu cầu sử dụng thịt heo từng vùng để có biện pháp cho tạm ngừng hoặc giảm thực hiện giết mổ.

 Đồng thời, quản lý chặt nguồn lợn nhập vào tỉnh để giết mổ cũng như quy trình khử trùng giết mổ an toàn… Ngoài ra, các địa phương cần tiếp tục hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi, giết mổ các biện pháp phòng, chống dịch, nhất là các cơ sở nhỏ, lẻ phải tuyên truyền giúp người dân hiểu tác hại nếu để dịch bệnh xảy ra.

Mặc dù đến ngày 5/6 dịch tả heo châu Phi vẫn chưa xảy ra tại tỉnh, nhưng không nên chủ quan, lơ là, chuẩn bị sẵn phương án đối phó tình huống khi xảy ra dịch bệnh. Nhất là khi cả nước ghi nhận 52 tỉnh công bố dịch tả lợn châu Phi với hơn 2 triệu con heo bị tiêu hủy.

                
      Phun thuốc sát trùng phương tiện vận chuyển heo.

Bình Thuận là 1 trong số 11 tỉnh chưa phát hiện bệnh này. Tuy nhiên, tỉnh giáp ranh là Đồng Nai có 8 xã thuộc 4 huyện xảy ra dịch; các tỉnh lân cận khác là Khánh Hòa, Bình phước, Đăk Nông,… đã công bố dịch nên khả năng xâm nhiễm vào tỉnh là rất lớn.

Triển khai các biện pháp phòng chống dịch tả heo xâm nhiễm là nhiệm vụ cấp bách, cả hệ thống chính trị vào cuộc. Tất cả các huyện, thị, thành phố thường xuyên phổ biến các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch đến các cơ sở chăn nuôi tập trung, các cơ sở giết mổ và hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.

Đồng thời, đồng loạt ra quân chiến dịch tiêu độc, khử trùng, vệ sinh chuồng trại. 9 chốt kiểm soát động vật bố trí lực lượng trực đầy đủ, trực 24/24 giờ; bố trí đầy đủ vật dụng, thiết bị, hóa chất; thực hiện nghiêm túc việc kiểm tra giấy tờ và phun thuốc khử trùng các phương tiện vận chuyển heohợp pháp, ghi chép đầy đủ các thông tin đối với phương tiện vận chuyển heo ra vào tỉnh... 

Công tác kiểm soát vận chuyển heo tại các chốt kiểm dịch động vật tạm thời là giải pháp tối ưu và then chốt nhất để chống dịch bệnh xâm nhập vào tỉnh hiện nay. 

Thanh Duyên



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kiểm soát chặt các cơ sở giết mổ không phép