Theo dõi trên

Kinh nghiệm dân gian: “Khắc tinh” của sâu bệnh trên cây trồng

03/03/2017, 08:18

BT- Việc ngày càng nhiều người  sử dụng các hóa chất, thuốc trừ sâu trong trồng trọt  không chỉ  làm ô nhiễm môi trường mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe của một bộ phận trong cộng đồng. Đã đến lúc người trồng trọt nên quay về với những bài thuốc dân gian, nhưng rất hiệu quả trong việc đẩy lùi sâu bệnh trên cây trồng.

                
      
Sản xuất nông nghiệp phụ thuộc nhiều vào    thuốc BVTV là điều không nên có. Trong ảnh: Phun thuốc trừ sâu tại    Tánh Linh.

Lượng lớn thuốc trừ sâu

 Một cuộc điều tra  mới đây cho thấy: Tại huyện Tánh Linh, người trồng lúa phải sử dụng bình quân 4 lần thuốc trừ sâu để phòng trừ các loại sâu bệnh với khoảng 1 lít thuốc/ha/năm. Tổng diện tích lúa gieo trồng là khoảng 23.000 ha, tương ứng khoảng 23.000 lít thuốc/năm. Với cây cao su,  thường phát sinh các loại bệnh như: phấn trắng, nấm hồng, bệnh vàng rụng lá… hàng năm mỗi ha cao su cần khoảng 3 lít thuốc bảo vệ thực vật thì với trên 6.000 ha cao su như hiện nay, lượng thuốc phòng trừ bệnh riêng cho cao su đã là 18.000 lít. Trên diện tích rau, củ, quả, cây trồng ngắn ngày khác cũng phải sử dụng nhiều loại thuốc phòng trừ khác nhau, nồng  độ khác nhau... Vì thế, tổng lượng thuốc bảo vệ thực vật  dùng cho các loại cây trồng tại huyện Tánh Linh ước khoảng 180 - 200 tấn/năm dưới dạng nước hoặc dạng bột.

 Theo các chuyên gia, trong tổng số lượng thuốc bảo vệ cây trồng thì có khoảng 20% được hấp thụ qua cây trồng, 15% bốc hơi, số còn lại ngấm mạch nước, đất gây thoái hóa đất, ô nhiễm môi trường… cũng như ảnh hưởng lớn tới sức khỏe con người. Không riêng gì huyện Tánh Linh sử dụng lượng lớn thuốc trừ sâu bệnh… các tỉnh, thành khác cũng dùng cách này để bảo vệ mùa màng.

 Kinh nghiệm Thừa Thiên - Huế

Cách đây vài năm, dự án JICA phối hợp Trường Đại học Nông Lâm Huế hướng dẫn số hộ dân thôn Khe Su (huyện Phú Lộc – Huế) ứng dụng cách phòng trừ sâu bệnh dân gian bằng một số thực phẩm đơn giản sẵn có, giá thành rẻ, không sử dụng nhà lưới, hướng tới nông nghiệp sạch bền vững. Đó là xay nhuyễn 1 kg ớt, gừng, tỏi ngâm trong 1 lít rượu hay cồn 90°, bịt kín miệng bình trong 15 ngày. Cứ 200 ml dung dịch pha 12 lít nước, kết hợp cám gạo xay nhuyễn, phun được 1 sào cây trồng. Nồng độ cay sẽ xua đuổi, tiêu diệt được các loài sâu bọ. Cám gạo tạo sự kết dính ớt, gừng tỏi trên lá cây lâu ngày hơn; hiệu quả là sau mỗi lần phun, năng suất cây trồng tăng khá so với lúc chưa phun. Dần dần, nhiều nông dân ở các tỉnh  như: Nghệ An, Hưng Yên, Bình Phước… cũng ứng dụng phương pháp này. Có nông dân  nghiên cứu kết hợp thêm vỏ cam, bồ kết, thuốc lá… tùy thuộc dung lượng, cũng như cách ủ mà cho ra sản phẩm mục đích diệt sâu bọ hoặc dưỡng rau…

Theo các nông dân tại các tỉnh trên, loại thuốc trừ sâu nguồn gốc thực phẩm (ớt, gừng, tỏi…) khả năng diệt trừ 80 - 90% sâu hại trên các loại cây như lúa, rau màu, cây ăn quả… không ảnh hưởng đến thiên địch. Thuốc này tác động đến côn trùng gây hại xua đuổi, ngăn sự lột xác của côn trùng cũng như ngăn cản sự đẻ trứng là giảm khả năng sinh sản. Đặc biệt, không làm ô nhiễm môi trường, an toàn cho người trồng và sản phẩm, không làm tăng giá thành sản phẩm.  

Nghĩ đến Bình Thuận

Có thể nói rằng, dư lượng hóa chất độc hại trong thực phẩm đã  ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Với việc nông dân quay lại dùng thuốc trừ sâu từ cây cỏ, thực phẩm như nói trên, ức chế quá trình phát triển của sâu bệnh được coi là một xu hướng sản xuất sạch. Một khi chất lượng rau, củ, quả an toàn thì người tiêu dùng sẽ có sản phẩm sạch, môi trường không ô nhiễm. Những vùng trồng rau, củ, quả, lúa… tại Bình Thuận nên nghiên cứu, phổ biến cách làm trên để người nông dân thay vì lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong trồng trọt, áp dụng biện pháp an toàn sinh học cho cây trồng, góp phần cung cấp cho thị trường nông sản sạch, an toàn bền vững.                      

Trang Hiếu



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kinh nghiệm dân gian: “Khắc tinh” của sâu bệnh trên cây trồng