Theo dõi trên

Kinh tế Bình Thuận:

18/01/2021, 08:52

Tiếp đà tăng trưởng, không để bị “đứt gãy” vì đại dịch

BT- Trong đó tập trung thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đồng thời đẩy mạnh cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực và các vùng cũng như tiếp tục đà tăng trưởng, không để bị “đứt gãy” do ảnh hưởng bởi dịch Covid- 19.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, địa phương sẽ khai thác tốt tiềm năng ngành công nghiệp, nhất là đưa công nghiệp năng lượng và chế biến trở thành một trụ cột phát triển kinh tế của Bình Thuận. Ngoài ra còn kêu gọi thu hút đầu tư các dự án công nghiệp phụ trợ cho ngành năng lượng, dự án sản xuất các thiết bị điện, linh kiện điện tử, lắp ráp máy móc, ô tô, xe máy… Thời gian tới, tỉnh tiếp tục triển khai các biện pháp hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp phát triển công nghiệp bảo quản sau thu hoạch và công nghiệp chế biến theo hướng tăng sản phẩm có hàm lượng khoa học - công nghệ, giá trị gia tăng cao.

May mặc xuất khẩu. Ảnh: Ngọc Lân

Với nhiệm vụ được giao, Sở Công Thương sẽ đôn đốc đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng công trình, dự án điện đang triển khai, trong đó tập trung hỗ trợ hoàn thành thi công và đưa vào hoạt động ít nhất 6 nhà máy điện gió. Tiếp nữa là phối hợp hỗ trợ ngành điện, chủ đầu tư triển khai thực hiện các công trình điện 220 kV, 110 kV và lưới điện trung hạ thế trên địa bàn Bình Thuận. Song song đó còn đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng một số cụm công nghiệp như: Tân Bình 1, Nghĩa Hòa, Đông Hà, Nam Hà, Nam Hà 2 để thu hút dự án đầu tư thứ cấp… Với Ban Quản lý các Khu công nghiệp (KCN) tỉnh thì đôn đốc chủ đầu tư triển khai công tác đền bù giải tỏa, đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng các KCN, chuẩn bị và tiến tới khởi công xây dựng KCN Sơn Mỹ 1, Sơn Mỹ 2, KCN Tân Đức, KCN - Đô thị - Dịch vụ Hàm Tân, La Gi phù hợp điều kiện địa phương…

Trong giai đoạn 2021 - 2025, địa phương tập trung cơ cấu lại và phát triển nhanh ngành thương mại, dịch vụ, du lịch gắn kết phát triển các đô thị ven biển, đẩy mạnh phát triển kinh tế biển. Theo đó sở chức năng tiếp tục thực hiện đề án Xây dựng Bình Thuận trở thành Trung tâm du lịch - thể thao biển mang tầm quốc gia, phát triển mạnh loại hình du lịch biển, giải trí, thám hiểm và thể thao. Bên cạnh nâng cao chất lượng các sản phẩm hiện có, ngành du lịch cũng mở rộng liên kết, tạo nhiều sản phẩm mới, hấp dẫn, đẳng cấp và giữ vững hình ảnh điểm đến “An toàn - thân thiện - chất lượng”.

Tới đây, tỉnh sẽ vận động thu hút những tập đoàn, công ty phân phối nước ngoài vào đầu tư kinh doanh loại hình bán buôn, bán lẻ quy mô lớn và hiện đại cũng như tổ chức tốt kênh phân phối vật tư, hàng tiêu dùng. Tiếp tục thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa, mở rộng và khai thác hiệu quả thị trường xuất khẩu truyền thống, thị trường trọng điểm nhằm giải quyết tốt đầu ra cho sản phẩm. Giai đoạn 2021 - 2025, địa phương sẽ tập trung phát huy vai trò của Cảng quốc tế Vĩnh Tân, Cảng hàng không Phan Thiết, đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông (đoạn qua địa bàn Bình Thuận). Từ đó phát triển hệ thống dịch vụ logistics, vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ, đường sắt, đường biển lẫn đường hàng không…

Trên lĩnh vực nông nghiệp sẽ đẩy mạnh tái cơ cấu ngành, ứng dụng công nghệ cao, hình thành các vùng chuyên canh quy mô lớn gắn với liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Trong đó quan tâm triển khai có hiệu quả giải pháp khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Bình Thuận, sản xuất tôm giống công nghệ cao tại khu sản xuất giống thủy sản tập trung Chí Công, xây dựng đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2021 - 2030… Quá trình tổ chức thực hiện nếu thấy cần sửa đổi, bổ sung những nội dung cụ thể trong chương trình hành động thì các sở, ngành, địa phương sẽ chủ động phối hợp Sở Kế hoạch - Đầu tư báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định.

Đ.Quốc



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kinh tế Bình Thuận: