Theo dõi trên

Kinh tế nước nào sẽ đứng vững sau dịch Covid-19?

09/04/2020, 10:19

BTO- Khi các nước trên thế giới đang gồng mình trong cuộc chiến với đại dịch toàn cầu Covid-19 theo nhiều cách khác nhau, thì các chuyên gia kinh tế cũng bắt tay vào việc đánh giá mức độ và cách thức phục hồi kinh tế của mỗi nước, một khi đại dịch này được khống chế, và nước nào sẽ có sự phục hồi tốt nhất.

 Đại dịch Covid-19 đã đưa vào nền kinh tế toàn cầu một lượng lớn rủi ro chưa có tiền lệ, khi ngày càng có thêm nhiều quốc gia phải chống chọi với sự lây nhiễm, thực hiện hàng loạt chiến lược giãn cách xã hội và cố gắng can thiệp sớm tài khóa để ổn định thị trường.

 Nhìn lại chỉ số FM Global Resilience Index 2019 (tạm dịch là chỉ số bền vững) do Công ty bảo hiểm FM Global thực hiện, xếp hạng khả năng phục hồi của môi trường kinh doanh ở 130 quốc gia, dựa vào những yếu tố như: sự ổn định chính trị, quản trị doanh nghiệp, môi trường rủi ro, sự minh bạch trong chuỗi cung ứng hậu cần. Khi kết nối bảng xếp hạng này với những ứng phó ban đầu của mỗi nước khi bùng phát dịch Covid-19, các chuyên gia đã xác định được những quốc gia có khả năng duy trì tốt sự ổn định và có thể phục hồi sau khủng hoảng.

1.     Đan mạch:

 Là nước xếp thứ 2 trong bảng xếp hạng FM Global Resilient Index, Đan Mạch đạt điểm cao nhờ hệ thống giám sátchuỗi cung ứng và mức độ tham nhũng trong chính phủ thấp. Nước này cũng đã nhanh chóng thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội để ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2, như đóng cửa trường học và các doanh nghiệp tư nhân không thiết yếutừ ngày 11/3, đồng thời đóng cửa biên giới để hạn chế người nước ngoài nhập cảnh từ ngày 14/3, dù chỉ mới có vài ca dương tính. Biện pháp này đến nay đã được chứng minh là có hiệu quả, khi số ca cúm mùa đã giảm 70% so năm ngoái. Mặt khác, văn hóa đại chúng Đan Mạch có xu hướng tin tưởng vào chính quyền và mong muốn sát cánh cùng nhau vì một mục tiêu chung, cũng đã có tác động tích cực trong việc thực hiện có hiệu quả cácbiện pháp giãn cách xã hội. Cụm từ “samfundssind” (tạm dịch theo tiếng Đan Mạch là ý thức công dânhay trách nhiệm công dân) đã trở thành một thuật ngữ mới được truyền tải trên cả các phương tiện truyền thông xã hội và truyền thống, và hầu hết mọi người đều cảm thấy có bổn phận hy sinh vì sức khỏe cộng đồng.

Ngày 14/3, đất nước Bắc Âu này đã tung ra các gói hỗ trợ tài chính, trong đó có việc thay doanh nghiệp trả lương cho người lao động. Cụ thể, Chính phủ trả 90% lương cho những người làm việc theo giờ, và 75% cho người lao động bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng từ dịch Covid-19 trong vòng 3 tháng tới.

Biện pháp này đang được ca ngợi là mô hình để các nước khác học hỏi. Về cơ bản, đây là cách đóng băng tạm thời nền kinh tế cho đến khi cơn bão lắng xuống. Nhưng mô hình này dự kiến tiêu tốn khoảng 13% tổng GDP của Đan Mạch.

2.     Singapore

Nhờ kinh tế vững mạnh, rủi ro chính trị thấp, hệ thống hạ tầng tốt và mức độ tham nhũng thấp, Singapore được xếp thứ 21 trong bảng xếp hạng về khả năng phục hồi tổng thể. Quốc đảo Đông Nam Á này cũng là một trong những nước hành động nhanh chóng trong việc ứng phó với đại dịch Covid-19. Người dân cũng hoàn toàn tin tưởng vào chính quyền, không hề tỏ ra lo lắng và sẵn sàng tuân thủ mọi biện pháp phòng chống mà chính phủ đặt ra.

Là một quốc gia nhỏ bé, Singapore phụ thuộc nhiều vào sự phục hồi ở phần còn lại của thế giới để có sự hồi phục thành công nhất, nhưng người dân ở đây nhìn chung rất tin tưởng vào sức mạnh của tương lai. Áp dụng công nghệ vào công việc (làm việc tại nhà)  là một trong những sức mạnh giúp người dân Singapore nhanh chóng vượt qua khủng hoảng. Để giúp kiểm soát nguồn lây lan của virus, Chính phủ Singapore đã phát triển ứng dụng trên thiết bị di động Trace Together để người dân tải và sử dụng.

3.     Mỹ

Dựa vào đặc điểm địa lý, chỉ số FM Global Resilience Index của Mỹ được chia làm 3 khu vực riêng biệt là miền Tây, miền Trung và miền Đông, với xếp hạng lần lượt là 9, 11 và 22/130, nhờ vào môi trường kinh doanh có mức rủi ro thấp và chuỗi cung ứng mạnh.

Khống chế virus lây lan được coi là thách thức đối vớinhững khu vực đô thị lớn như New York. Tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ đã tăng lên mức cao nhất trong lịch sử, do lệnh đóng cửa bắt buộc ở hơn một nửa số tiểu bang, làm ảnh hưởng đến các nhà hàng, nhân viên bán lẻ và nhiều lĩnh vực kinh tế khác vốn phụ thuộc nhiều vào việc di chuyển.

Tuy nhiên, chính quyền Washington đã nhanh chóng thông qua các biện pháp kích thích nhằm ổn định kinh tế, và các biện pháp giãn cách xã hội đang được áp dụng trên khắp nước Mỹ, với kỳ vọng giảm bớt tác động của dịch bệnh và giúp phục hồi kinh tế nhanh hơn.

Các thể chế tài chính như Goldman Sachs và Morgan Stanley dự báo về sự suy thoái và phục hồi kinh tế Mỹ theo hình chữ V, với những tác động tiêu cực ngay tức thì chưa từng thấy, nhưng lại phục hồi khá nhanh ở những quý sau trong năm. Trong khi đó, các nhà tư vấn như McKinsey thì có cái nhìn sâu sắc hơn nhưng vẫn lạc quan về sự phục hồi dựa trên việc thực hiện thành công các biện pháp y tế công cộng như cách ly tại chỗ, hay sự can thiệp về chính sách như gói kích thích 2 ngàn tỷ USD vừa công bố. Mỹ có vai trò quan trọng đối với kinh tế thế giới khi đóng góp gần ¼ tổng GDP toàn cầu. Nên sự phục hồi của kinh tế thế giới phụ thuộc rất nhiều vào cách nước Mỹ ứng phó với khủng hoảng.

Theo Giáo sư kinh tế Eric Sims từ Đại học Notre Dame, nói chung kinh tế Mỹ đang ở thế dễ phục hồi hơn sau những cú sốc lớn so với phần còn lại của thế giới. Dân số có độ tuổi trung bình trẻ hơn so với nhiều nước khác, do vậy có tính cơ động cao hơn, và những hạn chế ở thị trường lao động thường nhẹ hơn, nên tạo điều kiện tốt hơn cho việc phân bổ lại thị trường lao động. Để tăng cường khả năng phục hồi kinh tế, chính quyền liên bang đã đề xuất chia nước Mỹ ra nhiều khu vực, và những nơi ít bị ảnh hưởng sẽ được phép hoạt động kinh tế trở lại bình thường.

4.     Rwanda

 Nhờ vào những cải thiện gần đây trong lĩnh vực quản trị doanh nghiệp, Rwanda đã đạt được những bước tiến ngoạn mục trong chỉ số FM Global Resilience Index toàn diện năm 2019, khi tăng 35 bậc (từ 107 lên 72), cao thứ tư ở khu vực châu Phi. Riêng chỉ số quản trị doanh nghiệp của nước này đã tăng 50 bậc (từ 79 lên 29) và được ví như một Singapore của châu Phi. Và điều quan trọng nhất, Rwanda đang có nhiều thuận lợi để phục hồi sau các dạng khủng hoảng, vì nước này đã ngăn chặn thành công sự lây lan của virus Ebola, khi dịch bệnh này bùng phát ở nước láng giềng CH dân chủ Congo hồi năm ngoái. Với sự kết hợp giữa chăm sóc sức khỏe toàn diện với việc triển khai các thiết bị y tế tự động và kiểm tra thân nhiệt ở ngay khu vực biên giới, Rwanda đã phòng ngừa được sự lây lan và duy trì sự ổn định để vượt qua dịch bệnh, đặc biệt khi so sánh với nhiều nước khác trong khu vực.Dù vậy, ngành du lịch Rwanda được dự báo sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, do nước này  là một trong những địa điểm tổ chức các hội nghị và triển lãm quốc tế.

 5.New Zealand

 Xếp thứ 12/130 về khả năng phục hồi toàn diện, New Zealand đặc biệt có lợi thế lớn trong lĩnh vực quản trị doanh nghiệp và chuỗi cung ứng. Quốc đảo này cũng đã kịp thời áp dụng các biện pháp ứng phó với đại dịch toàn cầu Covid-19 từ rất sớm, như đóng cửa biên giới đối với khách du lịch quốc tế từ ngày 19/3, và áp dụng lệnh cách ly đối với các hoạt động kinh doanh không cần thiết từ ngày 25/3. Các biện pháp này đã phát huy hiệu quả khi nhiều chuyên gia dịch tễ dự báo New Zealand có thể sẽ là một trong số ít quốc gia bình thường còn lại. Tính đến ngày 8/4, New Zealand chỉ có một trường hợp tử vong trong tổng số 1.160 ca nhiễm Covid-19.

Du lịch và xuất khẩu là hai lĩnh vực kinh tế chủ lực nên New Zealand sẽ đối mặt với những khó khăn trong thời gian tới, nhưng điều này không hẳn là xấu, vì nhìn chung nước này đang có điều kiện rất tốt để phục hồi kinh tế, với mức nợ công thấp và khả năng ban hành các chính sách nới lỏng định lượng để duy trì lãi suất ở mức thấp. Quan trọng nhất, New Zealand vẫn đang là một quốc gia có độ tin cậy khá cao, và đây chính là nền tảng vững chắc để phục hồi từ cú sốc về y tế và kinh tế lớn nhất trong lịch sử.

 P.Lan (Theo BBC)



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kinh tế nước nào sẽ đứng vững sau dịch Covid-19?