Theo dõi trên

Kỹ thuật gieo khô và tưới tiết kiệm nước

06/12/2018, 09:47

Từ chuyện hạn hán giữa vụ hè thu

BT- Vụ hè thu năm nay ở Tuy Phong bắt đầu từ ngày 10/5 và đến ngày 30/5 là kết thúc. Khi bước vào sản xuất, tổng lượng nước trên các hồ là 22,7 triệu m3, trong đó hồ Lòng Sông là 15 triệu m3 và Phan Dũng gần 7,7 triệu m3. Kết thúc đợt gieo cấy, tổng lượng nước của 2 hồ còn lại 16,9 triệu m3. Như vậy, tổng lượng nước đã sử dụng 5,8 triệu m3, nếu trừ đi lượng nước hao hụt do bốc hơi và một phần nước tưới cây thanh long vùng Cây Cà thì lượng nước dành cho việc cày gieo 2.000 ha lúa hè thu xấp xỉ 5 triệu m3 nước với mức bình quân 2.500 m3/ha.

Với một nơi khan hiếm nguồn nước như Tuy Phong, nhất là trong mùa khô thì lượng nước này vô cùng quý giá. Cần biết rằng với cây lúa, trong mỗi đợt tưới bình thường với độ ngập 5 cm thì cũng chỉ cần 500 m3/ha và trong một vụ lúa chỉ cần tưới từ 10 đến 12 lần là đảm bảo năng suất và sản lượng cây trồng. So sánh một cách đơn giản ta có thể thấy với một lượng nước dùng cho một lần cày gieo như trên, có thể dùng để tưới cho cây lúa được 4 - 5 lần.

Tìm hiểu kỹ hơn, tình hình thực tế cho thấy việc gieo sạ nước khiến một bộ phận nông dân có phần chủ quan, ỷ lại vào nguồn nước của hồ thủy lợi nên việc gieo trồng không đúng tiến độ, dẫn đến nguồn nước càng hao tốn nhiều hơn dự kiến. Đến ngày 3/7/2018, khi bước vào chống hạn, lượng nước của hồ Lòng Sông chỉ còn 6,1 triệu m3 và hồ Phan Dũng là 3,4 triệu m3. Dẫn đến trong vòng hơn một tháng sau khi gieo, lượng nước các hồ đã giảm 7,4 triệu m3. Nếu chỉ để tưới thì lượng nước hồ sẽ không hao tốn đến mức đó.

Do vậy đến ngày 3/7/2018, khi cây lúa gieo đợt đầu tiên bắt đầu vào độ tuổi đón đòng thì toàn huyện bắt đầu xảy ra tình trạng hạn hán. Nước hồ cung cấp không đủ, nông dân phải sử dụng nước các giếng bơm để cứu lúa. Các hồ phải sử dụng cả phần dung tích chết để cứu cho số diện tích không có nguồn nước giếng bơm.

 Nghĩ về phương thức gieo khô  truyền thống 

Từ đợt hạn hán vừa xảy ra, vấn đề đặt ra cho công tác tưới vụ hè thu ở Tuy Phong là cần tính toán thận trọng trong việc bố trí kế hoạch sản xuất, cũng như có những  biện pháp triệt để tiết kiệm nguồn nước nhằm tránh lâm vào cảnh bị động đối phó, dễ gây thiệt hại lớn đến sản xuất cũng như việc bảo đảm an toàn nguồn cấp nước sinh hoạt cho huyện. Một trong những biện pháp tiết kiệm nước có thể áp dụng trong sản xuất lúa ở Tuy Phong đó là kỹ thuật gieo khô.

Có hai cách gieo khô. Cách thứ nhất gieo vùi gởi giống, thường dùng cho giống lúa địa phương dài ngày trước đây. Người nông dân tận dụng thời gian mùa khô nắng nóng kéo dài để thực hiện. Trước khi gieo, đất được cày và phơi thật khô, sau đó rải giống và bừa kỹ (gởi giống). Hạt giống vùi sâu dưới đất và chỉ mọc khi trời bắt đầu có mưa. Cho đến khi đập thủy lợi có nước nguồn ổn định, nông dân mỗi việc theo nước vào ruộng và chăm sóc lúa cho đến ngày thu hoạch. Cách này bây giờ hầu như không còn ai sử dụng. Cách thứ hai là gieo vùi có độ ẩm. Cách này được áp dụng cho loại giống lúa ngắn ngày hiện nay. Do thiếu nguồn nước cung cấp nên trước đây nông dân Tuy Phong thường tận dụng lượng nước của những cơn mưa hiếm hoi hoặc lượng nước ít ỏi của đập thủy lợi (nếu có) vào đầu mùa mưa để gieo. Chỉ cần đất trong ruộng có độ ẩm sâu từ 10 đến 15 cm, đất không quá ướt (nếu quá ướt thì phải phơi cho giảm bớt độ ẩm). Khi xới đất lên phải tơi xốp, bóp vỡ mịn và không dính tay là đạt yêu cầu. Nông dân dùng máy xới đất, gieo giống và sau đó bừa kỹ. Một tuần sau cây lúa sẽ mọc đều. Trong thời gian này ruộng rất cần nắng phơi khô đất để chống cỏ mọc và thông thoáng, giúp cho mầm lúa vươn lên nên không cần tưới. Từ 12 đến 15 ngày sau khi gieo, cây lúa mới cần đến nước. Trong trường hợp hồ đập thời gian này chưa có nước thì cây lúa vẫn có khả năng chống chịu hạn lên đến 30 ngày hoặc hơn. Cây lúa dù bị héo khô, thậm chí úa vàng nhưng chỉ cần có đủ nước thì chỉ sau một đêm sẽ phục hồi. Chính nhờ kỹ thuật gieo khô nên dù nằm trong vùng khô hạn và khi chưa có công trình thủy lợi lớn thì hàng chục năm trước đây, nông dân Tuy Phong vẫn sản xuất được vụ hè thu kịp thời vụ và cho năng suất cao.

Tuy Phong là nơi nắng nhiều mưa ít. Từ khi có hồ chứa nước thì việc sản xuất đã chủ động hơn. Khi lượng nước trong hồ tương đối khá, vụ hè thu thường được tiến hành khoảng một tháng trước khi mùa mưa bắt đầu, rất thích hợp cho kỹ thuật gieo khô. Kỹ thuật gieo khô giúp cải tạo đất, giảm lượng phân bón, không cần phải dùng thuốc diệt cỏ, cây lúa khỏe, chịu hạn tốt, ít sâu bệnh và cho năng suất cao. Kỹ thuật gieo khô cũng giúp cho việc cày gieo nhanh chóng và dễ dàng, giảm đi nhiều công lao động cho nông dân.

Điều đặc biệt, kỹ thuật gieo khô giúp tiết kiệm một lượng nước rất lớn so với việc gieo nước. Nếu như việc gieo nước phải cần từ 2.500 - 3.000 m3/ha, thì lượng nước dành cho việc gieo khô sẽ ít hơn rất nhiều (có thể từ 80 - 90%), nếu thực hiện tốt khâu dẫn nước vào ruộng và cày gieo kịp thời.

Sự ích lợi của kỹ thuật gieo khô ai cũng thấy, nhưng để thực hiện cần sự phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ, chặt chẽ giữa việc cấp nước, dẫn nước và cày gieo. Nhà nước cần tuyên truyền, giải thích cho người nông dân thấy được lợi ích và sự cần thiết của việc gieo khô. Cần làm cho người nông dân hiểu nguồn nước tiết kiệm được cũng chỉ nhằm để phục vụ tốt hơn cho sản xuất và sinh hoạt cho nông dân trên địa bàn. Nông dân khi hiểu rõ lợi ích của việc gieo khô, sẽ tích cực hưởng ứng và phối hợp thì kế hoạch gieo khô vụ hè thu sẽ thành công.

MAI QUANG



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Cân đối nguồn nước để sản xuất vụ hè thu thuận lợi
Sau khi các địa phương cơ bản kết thúc vụ đông xuân, ngành nông nghiệp tỉnh đã triển khai kế hoạch sản xuất vụ hè thu năm 2024 chặt chẽ, với khung thời vụ gieo trồng từ nay đến giữa tháng 6. Hiện Bình Thuận đang đứng trước thực trạng thiếu hụt nguồn nước do hạn hán, vì vậy các địa phương cần nắm chắc diễn biến thời tiết, nguồn nước để có phương án bố trí sản xuất.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kỹ thuật gieo khô và tưới tiết kiệm nước