Theo dõi trên

Kỳ vọng mùa mía “ngọt”

16/02/2017, 08:55 - Lượt đọc: 55

BT- Vì được Nhà máy đường Bình Thuận đầu tư ứng trước 1 ha 20 triệu đồng nên người dân trồng mía ở xã Tân Đức, huyện Hàm Tân đã hồ hởi, phấn khởi tất bật vệ sinh đồng ruộng để xuống giống niên vụ mía 2016-2017. Thời điểm này, người dân đang chăm bón, làm cỏ với hy vọng mùa mía tới sẽ thắng lợi.

Những ngày này, trở về vùng mía Tân Đức, Hàm Tân, một trong những nơi có vùng nguyên liệu mía lớn nhất của tỉnh 3 năm trước, không khó bắt gặp hình ảnh người dân đang cào cỏ, chăm bón cho cây mía khoảng 2 tháng tuổi đang trong giai đoạn phát triển tốt. Trái hẳn với không khí buồn bã của những vụ mía trước, năm nay, bà con nơi đây chăm sóc mía trong không khí rộn ràng và phấn khởi hơn. Tranh thủ lúc nghỉ tay, ông Nguyễn Văn Thái – thôn 3 – xã Tân Đức tươi cười cho biết: “Nhờ vụ mía vừa qua bán được giá, bà con trong xã ai cũng có được nguồn lợi nhuận kha khá, hộ nào thấp nhất cũng đạt khoảng 30 triệu đồng/ha. Từ nguồn thu nhập này cộng với việc Nhà máy đường Bình Thuận đầu tư ứng trước mỗi ha 20 triệu đồng nên nông dân có điều kiện để tái đầu tư cho mùa vụ này, nên ai nấy đều phấn khởi”. Ông Thái cho biết, vụ mía 2016-2017 chắc chắn tiến độ thu mua mía sẽ nhanh hơn những năm trước vì năm nay có tổ hợp tác tự quản, rất thuận tiện trong việc trao đổi thông tin, kinh nghiệm sản xuất và thu mua mía. Hy vọng từ nay đến đó, giá mía sẽ giữ nguyên ở mức 7 triệu đồng/tấn. Sang đầu mùa mưa này, Nhà máy đường Bình Thuận tiếp tục ứng trước cho mỗi ha 4 triệu đồng để đầu tư phân bón. Ông Thái tính toán, nếu như giữ giá ở mức 7 triệu đồng/tấn, thì 1 ha thu khoảng 8 tấn được 56 triệu đồng, trừ chi phí công cán lãi khoảng 30-45 triệu đồng/ha.

Nhớ lại thời điểm 3 năm về trước, xã Tân Đức là một trong những vùng nguyên liệu khá lớn với hơn 1.000 ha mía. Tuy nhiên, thời điểm đó, giá mía khoảng 4 triệu đồng/tấn, mỗi ngày chỉ có vài ba chiếc xe chở mía, thậm chí có ngày không có xe nào. Việc giá mía giảm, các nhà máy thu mua cầm chừng cộng với thuê công chặt từ tỉnh khác đã khiến nông dân bị thua lỗ nặng. Chính vì vậy, người dân đã chuyển diện tích trồng mía sang trồng mì. Thực tế nhiều năm trước đã có nông dân quay lưng với cây mía để chuyển sang các cây trồng khác như cây mì hoặc cây thanh long. Ông Lý Quang Cần – Phó Chủ tịch UBND xã Tân Đức cho biết: Người dân trên địa bàn xã vừa có mùa mía “ngọt” sau nhiều năm lỗ vốn. Do đó, năm nay, diện tích mía tăng hơn 150 ha so với năm trước. Nguyên nhân là do cuối tháng 11/2016, Nhà máy đường Bình Thuận đã xin đầu tư vùng nguyên liệu mía, trạm thu mua và thành lập tổ hợp tác trồng và thu mua mía tại xã Tân Đức. Theo đó, Nhà máy đường Bình Thuận đã mở hội nghị thông báo rộng rãi cho nhân dân xã Tân Đức về chính sách ứng vốn trước cho nhân dân mua giống mía, phân bón, cày đất để sản xuất vụ mía 2016-2017. Sau đó,nhà máy đường Bình Thuận sẽ mua lại nguyên liệu. Nhà máy đường Bình Thuận đặt vấn đề liên kết với nông dân thành lập tổ hợp tác tự quản để thuận tiện trong việc trao đổi thông tin, kinh nghiệm sản xuất và thu mua mía. Hiện nay, nhà máy đang phối hợp với địa phương và người dân trồng mía thành lập tổ tự quản. Trong quá trình vận chuyển nguyên liệu mía, nhà máy phải có chính sách hỗ trợ chính quyền tu sửa, gia cố đường giao thông nông thôn nếu bị hư hỏng trong quá trình vận chuyển.

    
  Năm   nay, thời gian bà con xuống giống mía tương đương với cùng kỳ, giá vật   tư nông nghiệp đầu vụ và giá thuê nhân công đào hộc mía, đặt hom không   có nhiều chênh lệch so với những năm trước. Đây là những điều kiện thuận   lợi giúp người dân an tâm canh tác, đồng thời kỳ vọng sẽ tiếp tục có một   mùa mía “ngọt” tiếp theo trong thời gian tới.

THU HÀ



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kỳ vọng mùa mía “ngọt”