Theo dõi trên

Lãi suất giảm, vốn vay tăng trưởng

23/01/2017, 08:59

BT- Năm 2017, các ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh huy động vốn, mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn chất lượng tín dụng và thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân ngày càng tiếp cận tốt vốn ngân hàng, đảm bảo cung ứng vốn cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương..

                
Tàu công suất lớn đánh bắt xa bờ được đóng    từ nguồn vốn vay ngân hàng. Ảnh:T.N

Định hướng tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và địa phương về phát triển kinh tế  - xã hội, các đơn vị trong ngành trên địa bàn đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, chủ động tiếp cận khách hàng để quảng bá, tư vấn sử dụng  các sản phẩm dịch vụ ngân hàng, hướng dẫn khách hàng hoàn tất thủ tục để vay vốn, thụ hưởng các chính sách tín dụng của ngành và địa phương, trong đó hoàn thiện hồ sơ chứng minh mục đích vay vốn theo quy định  để cá nhân, hộ gia đình được miễn lệ phí chứng thực hợp đồng thế chấp tài sản và lệ phí đăng ký giao dịch bảo đảm khi vay vốn phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55; đồng thời tiếp tục thực hiện các giải pháp tiền tệ, tiết kiệm chi phí hoạt động để có điều kiện miễn, giảm lãi vay cho khách hàng, nhất là khách hàng gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh. Theo đó đã giảm được mặt bằng lãi suất cho vay (0,2 - 0,5%/năm). Đến 31/12/2016, vốn huy động đạt 25.410 tỷ đồng, tăng 19,31% so đầu năm trước; tổng dư nợ cho vay trên địa bàn đạt 32.330 tỷ đồng, tăng 20,51% so năm trước, vượt kế hoạch đề ra từ đầu năm, tăng cao hơn dư nợ toàn quốc (toàn quốc tăng khoảng 18,71%).

Để góp phần phát triển kinh tế thủy sản, cải thiện đời sống bà con ngư dân và góp phần bảo vệ vùng biển đảo, các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn đã cho vay lĩnh vực thủy sản với dư nợ 2.918 tỷ đồng/17.808 khách hàng. Trong đó riêng chính sách phát triển thủy sản theo Nghị định 67, các TCTD trên địa bàn đã quan tâm bám sát địa bàn, hướng dẫn khách hàng hoàn tất thủ tục vay vốn. Đến 31/12/2016, đã tiếp cận 166/179 tàu được UBND tỉnh phê duyệt, đã nhận 97 hồ sơ của khách hàng có nhu cầu vay đóng tàu theo Nghị định 67, trong đó đã ký hợp đồng tín dụng với 74 hồ sơ, đang xử lý 22 hồ sơ, từ chối cho vay 1 hồ sơ do cung cấp thông tin vay vốn không đúng. Tổng số tiền cam kết cho vay theo hợp đồng tín dụng là 519,4 tỷ đồng, đã giải ngân 450,6 tỷ đồng, đứng vị trí thứ 6 (có thời điểm đứng thứ 2, 3) trong số 26 tỉnh giải ngân cho vay theo NĐ 67. Dư nợ đến 31/12/2016 đạt 450,4 tỷ đồng (cho vay đóng mới tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ là 203 tỷ đồng và cho vay đóng mới tàu khai thác hải sản xa bờ là 236,5 tỷ đồng, cho vay nâng cấp tàu 10,9 tỷ đồng). Đến nay, Bình Thuận đã có 65 chiếc tàu hoàn thành đi vào hoạt động sản xuất gồm 52 chiếc của Phú Quý, 8 chiếc của La Gi, 4 chiếc của Phan Thiết và 1 chiếc của Tuy Phong; với 60 tàu vỏ gỗ, 5 tàu vỏ thép.  

Ngoài ra, để giúp bà con ngư dân yên tâm bám biển, trong năm 2016 thực hiện chủ trương hỗ trợ máy thông tin liên lạc của ngành ngân hàng, NHNN tỉnh đã phối hợp Ban chỉ đạo 67 tỉnh thực hiện đăng ký nhận gói hỗ trợ máy thông tin liên lạc cho ngư dân Bình Thuận và đã được phân bổ 50 máy VX-1700 (hiện Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Bình Thuận đang trong quá trình liên lạc, phối hợp với đơn vị tài trợ để đưa máy đến với ngư dân). Chính sách cho vay hỗ trợ nhà ở trên địa bàn có chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT tỉnh và chi nhánh Ngân hàng Đầu tư & Phát triển đã phát sinh cho vay. Đến 31/12/2016, dư nợ cho vay hỗ trợ nhà ở (gói 30.000 tỷ đồng) là 45.491 triệu đồng/ 112 khách hàng, trong đó dư nợ cho vay mua nhà ở xã hội là 2.567 triệu đồng/16 khách hàng, dư nợ cho vay để xây dựng mới, cải tạo và sửa chữa nhà ở là 42.924 triệu đồng/96 khách hàng. Chương trình cho vay phát triển cây thanh long với dư nợ đạt 3.513 tỷ đồng/ 33.641 khách hàng. Dư nợ cho vay thu mua lúa gạo xuất khẩu đạt 157,7 tỷ đồng. Cho vay hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp theo Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14/11/2013 đạt 20,2 tỷ đồng/73 khách hàng giúp nông dân đầu tư máy móc, thiết bị phục vụ cho sản xuất, chế biến và bảo quản sản phẩm nông nghiệp.

Bên cạnh tín dụng của các ngân hàng thương mại, tín dụng cho các đối tượng chính sách cũng được Ngân hàng Chính sách xã hội quan tâm cho vay theo 12 chương trình tín dụng ưu đãi với dư nợ đạt 2.080 tỷ đồng/ 125.762 khách hàng. Đồng thời, các TCTD trên địa bàn cũng quan tâm cho vay đối với đồng bào dân tộc thiểu số với dư nợ đạt 693 tỷ đồng (trong đó dư nợ cho vay đồng bào dân tộc Chăm đạt 495 tỷ đồng). Cùng với việc mở rộng tín dụng, các TCTD tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh; trong năm 2016 dư nợ đã được gia hạn và điều chỉnh kỳ hạn nợ là 91,5 tỷ đồng/336 khách hàng, dư nợ điều chỉnh giảm lãi suất các hợp đồng tín dụng cũ về mức lãi suất hiện hành của đơn vị là 4.154 tỷ đồng/7.816 khách hàng, miễn giảm lãi 3,98 tỷ đồng/43 khách hàng. Đồng thời thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh trong việc hỗ trợ người dân giải quyết các khó khăn do nắng hạn vụ đông xuân trên địa bàn, các TCTD đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ với dư nợ đạt 35,97 tỷ đồng/ 107 khách hàng (1 doanh nghiệp và 106 hộ dân) gặp khó khăn do hạn hán, chưa có trường hợp khách hàng nào đề nghị khoanh nợ, xóa nợ…                      

TRẦN THI



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lãi suất giảm, vốn vay tăng trưởng