Theo dõi trên

Làm gì để đảm bảo lợi ích cho doanh nghiệp và người lao động?

24/10/2016, 08:24

BT- Đảm bảo lợi ích cho doanh nghiệp, bảo vệ quyền lợi chính trị cho người lao động là quan điểm, mục tiêu xuyên suốt của Đảng và Nhà nước. Đối với doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, điều đó được thể hiện đồng bộ, quyết liệt trong lãnh đạo, điều hành và nhiều văn bản chỉ đạo cụ thể, trong đó có Kết luận 80 – KL/TW, ngày 29/7/2010 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) về “Tăng cường công tác xây dựng Đảng, các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài”.

                
      
Xây dựng tổ chức Đảng, đoàn thể trong doanh    nghiệp tư nhân là góp phần đảm bảo lợi ích của chính doanh nghiệp và    quyền lợi chính trị cho người lao động.

 Tại Bình Thuận, Kết luận 80 được các cơ quan, đoàn thể triển khai nghiêm túc, kịp thời. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành công văn chỉ đạo; thành lập Ban chỉ đạo tỉnh về xây dựng Đảng, đoàn thể nhân dân trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước và phân công nhiệm vụ, chỉ tiêu cụ thể, giao địa bàn phụ trách cho từng thành viên. Nhờ vậy, đến nay toàn tỉnh đã nâng số tổ chức cơ sở Đảng tại doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước lên 56 với 814 đảng viên; 262 công đoàn, nghiệp đoàn cơ sở/ 27.644 đoàn viên; 90 chi đoàn/3.779 đoàn viên, 15 chi hội liên hiệp thanh niên/144 hội viên.

Theo đánh giá của Ban Tổ chức Tỉnh ủy: Đa số đảng viên giữ vị trí quản lý trong doanh nghiệp đều thể hiện vai trò hạt nhân chính trị, góp phần tích cực vào sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Đảng viên là người lao động luôn tích cực học tập để nâng cao trình độ, chấp hành tốt quy định của pháp luật. Hoạt động của doanh nghiệp trước và sau khi thành lập tổ chức Đảng, đoàn thể có bước phát triển, người lao động yên tâm làm việc, xây dựng được nhiều phong trào thi đua trong sản xuất, mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp.

Tuy vậy, so với yêu cầu đề ra, kết quả đạt được vẫn còn thấp; chất lượng hoạt động, việc phát huy vai trò của tổ chức Đảng, đoàn thể và đội ngũ đảng viên, đoàn viên, hội viên trong doanh nghiệp tư nhân còn hạn chế. Nguyên nhân của hạn chế được xác định do một số cấp ủy chưa quan tâm đúng mức trong chỉ đạo, kiểm tra, có tư tưởng ngại khó trong vận động, tuyên truyền. Trong khi đó, phần lớn các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ, hoạt động không ổn định, sản xuất theo mùa vụ. Mặt khác, nhận thức của chủ doanh nghiệp về sự cần thiết phải có tổ chức Đảng, đoàn thể chưa cao; một bộ phận công nhân có tư tưởng là “người làm thuê”, sợ mất việc nên không thiết tha phấn đấu vào Đảng.

Tại hội nghị mới đây, đồng chí Dương Văn An – Phó Bí thư Tỉnh ủy đã chỉ đạo nhiều biện pháp, giải pháp quan trọng nhằm nâng cao chất lượng, số lượng tổ chức Đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp tư nhân, trong đó tập trung đổi mới tuyên truyền, kiểm tra, giám sát, nắm tình hình, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Phó Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Trong điều kiện khó khăn thì những tiêu chí đánh giá đối với tổ chức Đảng, đoàn thể chính trị - xã hội trong doanh nghiệp phải linh hoạt. Đồng chí Dương Văn An viện dẫn: “Nếu yêu cầu Đoàn thanh niên của doanh nghiệp tham gia hoạt động nào đó trong giờ làm việc thì tất nhiên sẽ rất khó. Không thể tổ chức mittinh, tuyên truyền rồi yêu cầu đoàn viên trong doanh nghiệp tham gia đảm bảo số lượng, mà phải có cách tiếp cận, phân công nhiệm vụ phù hợp để tạo thuận lợi cho tổ chức Đảng, đoàn thể hoạt động và hướng đến xây dựng tổ chức đó đóng góp tích cực cho sự phát triển của doanh nghiệp như: phát huy sự sáng tạo, tăng năng suất, tăng cường kỷ cương, kỷ luật, nâng cao trình độ... Có như vậy, doanh nghiệp sẽ thấy được vai trò của tổ chức Đảng, đoàn thể đối với doanh nghiệp mình”.

LÊ PHÚC



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Làm gì để đảm bảo lợi ích cho doanh nghiệp và người lao động?