Theo dõi trên

Làm gì để nhân rộng mô hình kinh tế hiệu quả

21/11/2017, 08:14

BT- Xây dựng, nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả được coi là giải pháp hàng đầu để tạo xung lực cho việc thực hiện các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới và cũng là một trong những giải pháp để thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp phát triển bền vững.

                
   Trồng rau sạch trong nhà lưới. Ảnh: Đ.Hòa

Thời gian qua nhiều mô hình khuyến nông, khuyến ngư trên địa bàn tỉnh được triển khai và mang lại hiệu quả như mô hình “3 giảm 3 tăng” trong sản xuất lúa ở Hàm Thuận Bắc; mô hình xen canh trồng lúa và sen lấy gương ở Bắc Bình; mô hình nuôi gà thả vườn tại xã Đông Giang (Hàm Thuận Bắc); mô hình  sản xuất rau an toàn theo liên kết chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm ở Tân Tiến (La Gi);  mô hình luân canh 2 lúa + 1 đậu phộng, 2 lúa + 1 mè (bắp) ở Hàm Thuận Bắc, Tánh Linh; mô hình khảo nghiệm sản xuất một số giống tỏi triển vọng  (tỏi Lý Sơn, tỏi Phan Rang) ở Bắc Bình; mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng theo quy trình GAP ở Phước Lộc, Tân Phước (La Gi);  mô hình bảo vệ, nuôi điệp quạt ở Phước Thể (Tuy Phong) và bảo vệ tái tạo sò lông ở Thuận Quý (Hàm Thuận Nam)…

Cùng với đó là các mô hình kinh tế do doanh nghiệp, người dân tự xây dựng như trồng thanh long leo giàn, trồng dưa lưới trong nhà màng ở khu Lê (Bắc Bình); mô hình sản xuất nấm linh chi và nấm bào ngư của gia đình ông Nguyễn Thành ở Tánh Linh; mô hình nuôi động vật có nguồn gốc hoang dã của ông Đinh Hoàng Tâm ở Tân Thắng (Hàm Tân)…

Hầu hết các mô hình kinh tế nói trên đều mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Tuy nhiên cũng có thể thấy là hầu hết các mô hình chỉ được thực hiện riêng lẻ theo kiểu “mạnh ai nấy làm”, việc phát triển nhân rộng các mô hình để “đại trà hóa”  phục vụ cho sự phát triển kinh tế xã hội một vùng, một cộng đồng còn rất hạn chế. Thực tế cho thấy, khi triển khai mô hình, người sản xuất đều được hỗ trợ về vốn, giống và kỹ thuật, do đó nhiều nông dân tham gia mô hình là để được nhận hỗ trợ, sau khi kết thúc chương trình cũng không tiếp tục bỏ vốn để sản xuất do ngại với quy trình sản xuất mới nghiêm ngặt và chi phí nhiều. Mặt khác, trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ chuyên môn ở cơ sở còn hạn chế, việc tiếp cận với tiến bộ kỹ thuật mới chưa đầy đủ dẫn đến nhiều khó khăn trong công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Nguồn kinh phí thực hiện các mô hình, dự án phát triển sản xuất có hạn, trong khi nhu cầu đòi hỏi của sản xuất không ngừng gia tăng, vì vậy các mô hình, dự án còn dàn trải, thiếu tập trung và chưa đủ mạnh để kích thích phát triển sản xuất hàng hóa với quy mô lớn, tập trung. Đầu ra của sản phẩm không được đảm bảo ổn định nên các mô hình sau khi được nhân rộng, sản phẩm sản xuất dư thừa rơi vào tình trạng “được mùa mất giá”, gây tâm lý chán nản, không an tâm cho người sản xuất để tiếp tục duy trì và nhân rộng mô hình.

Để ngành nông nghiệp tỉnh nhà phát triển nhanh, bền vững trong thời kỳ hội nhập thì các mô hình sản xuất mới, hiệu quả phải được tiếp tục duy trì, phát triển, nhân rộng và phải thực hiện theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ, mô hình ứng dụng công nghệ cao, mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, an toàn sinh học nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao giá trị và hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Trong đó, chú trọng phát triển các đối tượng là sản phẩm hàng hóa chủ lực, sản phẩm đặc thù của tỉnh, của từng địa phương. Tận dụng tốt tiềm năng, lợi thế của từng vùng, địa phương, xây dựng và thực hiện các mô hình chuyển giao kỹ thuật thích ứng với điều kiện khí hậu, thị trường, giúp nông dân nhất là nông dân miền núi, ven biển, vùng đồng bào dân tộc phát triển sản xuất, tạo nguồn cung lương thực, thực phẩm tại chỗ, nâng cao thu nhập, xóa đói nghèo và làm giàu ngay trên chính những ruộng, vườn, đồi, ao, chuồng của họ.

Để những mô hình sản xuất mới được thực hiện có hiệu quả và ngày càng nhân rộng, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ cho cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đòi hỏi  khi xây dựng mô hình cần gắn với thị trường, mối liên kết “4 nhà” (nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà nước). Điều quan trọng phải tôn trọng, lắng nghe ý kiến của người dân, đáp ứng nhu cầu đích thực của người dân, chú ý tính hiệu quả và thiết thực. Bên cạnh đó, địa phương cần tiếp tục tạo điều kiện hỗ trợ cho người dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi cho chuyển dịch cơ cấu kinh tế và nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp. Đối với những mô hình kinh tế hiệu quả do doanh nghiệp, người sản xuất tự tìm tòi, xây dựng thì ngành nông nghiệp, chính quyền địa phương cần tổ chức cho nông dân tham quan, học tập cùng với sự hỗ trợ khác về vốn vay, kỹ thuật, tiêu thụ sản phẩm…để nhân rộng trong cộng đồng dân cư.

THẾ NAM



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Vào mùa sen Đức Linh
Đức Linh mùa này không chỉ có những vườn cây trái trĩu cành với hương thơm trái ngọt, cánh đồng bát ngát lúa chín vàng ươm mà đến với huyện miền núi này người ta còn muốn dạo chơi trên những ao, hồ rộng lớn thưởng ngoạn những đóa sen hồng ngát hương tỏa bay trong gió. Đang vào mùa sen nở nên đây là thời điểm tốt nhất để chúng ta khám phá, thưởng thức hương thơm dịu mát của sen hồng.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Làm gì để nhân rộng mô hình kinh tế hiệu quả