Theo dõi trên

Lan tỏa  “hồn quê” Bình Thuận

24/01/2017, 07:57 - Lượt đọc: 6

 BT- Đến dịp Tết Đinh Dậu 2017, “nước mắm Nữ Hoàng” - sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của Bình Thuận lẫn khu vực phía Nam mới xuất hiện trên thị trường. Bởi Công ty CP Nước mắm Phan Thiết cho biết số lượng của dòng sản phẩm này khá khiêm tốn, tối đa chỉ đáp ứng khoảng 15.000 lít/năm. Đạt tới 45 độ đạm, nước mắm Nữ Hoàng được đóng chai nhỏ có thể tích 50ml với mỗi xách 10 chai (tức 0,5 lít/xách), dự kiến chừng 30.000 xách sẽ đến tay người tiêu dùng. Theo ông Lê Trần Phú Đức - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty CP Nước mắm Phan Thiết, nguyên liệu chế biến nước mắm Nữ Hoàng hoàn toàn từ nguyên liệu cá cơm than đánh bắt trên vùng biển Bình Thuận. Việc sản xuất theo phương pháp truyền thống là phơi ngoài nắng cũng mất nhiều thời gian, phải kéo dài đến 12 tháng nhưng bù lại luôn đảm bảo chất lượng tuyệt hảo và có mùi vị đặc trưng của nước mắm địa phương. Thế nên, nước mắm Nữ Hoàng đang được người tiêu dùng tin tưởng, chờ đón và là món quà ý nghĩa của người Bình Thuận gởi trao...

                
Các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu    biểu Bình Thuận năm 2016. Ảnh: Q.T

 Cũng được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu Bình Thuận và khu vực phía Nam năm 2016, song “siro thanh long đậm đặc Ngọc Uyên” có vẻ thuần chất quê hơn. Bởi nguyên liệu làm ra sản phẩm là thanh long ruột đỏ chỉ được trồng tại vườn thực nghiệm ở thôn Dân Bình, xã Hàm Kiệm, huyện Hàm Thuận Nam theo tiêu chuẩn VietGAP. Bà Hồ Thị Bạch Hoàng - chủ cơ sở sản xuất Ngọc Uyên cho biết: Có thể kiểu dáng mẫu mã chưa được thiết kế bắt mắt, nhưng thị trường tiêu thụ sắp tới khá sáng sủa. Vừa qua tham gia Hội chợ Kinh tế thương mại biên giới Trung - Việt tại Hà Khẩu (Vân Nam, Trung Quốc), siro thanh long đậm đặc Ngọc Uyên đã được các đối tác quan tâm. Đặc biệt đây còn là sản phẩm có xuất xứ từ “vương quốc thanh long của Việt Nam” với nhiều công dụng về bổ dưỡng, tăng sức đề kháng, giúp giảm quá trình lão hóa và cả trong pha chế các loại nước giải khát, chế biến bánh, mứt, kẹo… Bấy nhiêu đó thôi đã khiến khách hàng Trung Quốc chú ý lựa chọn, chấp nhận mức giá bán lẻ tại thị trường đông dân nhất thế giới khoảng 20 nhân dân tệ/chai 500ml, tương đương 66.000 - 70.000 đồng/chai.

Từ loại trái cây lợi thế, gần đây thanh long được nhiều doanh nghiệp đầu tư sản xuất hàng loạt sản phẩm công nghiệp nông thôn, góp phần tiêu thụ một phần sản lượng và gia tăng giá trị cho đặc sản Bình Thuận. Công ty TNHH Nước ép Phúc Hà (xã Hải Ninh, huyện Bắc Bình) đã thành công với thanh long đỏ lên men nguyên chất từ 100% trái thanh long ruột đỏ ở vùng đất nắng gió nơi đây. Doanh nghiệp này giới thiệu: Việc ra đời sản phẩm “thanh long đỏ lên men” không chỉ đáp ứng nhu cầu thức uống bổ dưỡng cho sức khỏe, mà còn đem đến cho cơ thể các chất chống các gốc ôxy hóa. HTX Thanh long Hàm Đức (Hàm Thuận Bắc) tập trung cho sản phẩm “rượu vang thanh long đỏ”, được ủ theo phương pháp lên men truyền thống. Khi thưởng thức, người dùng có thể cảm nhận mùi hương nồng nàn mà vẫn giữ được vị chua nhẹ pha lẫn ngọt thanh đặc trưng của trái thanh long. Cũng từ nguồn nguyên liệu kết tinh trên vùng đất thiếu mưa thừa nắng này, nhiều sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu Bình Thuận đã dần tìm được chỗ đứng trên thị trường trong lẫn ngoài nước. Như “thanh long sấy khô” của HTX Phan Long (xã Phong Nẫm, TP. Phan Thiết) đã xuất sang thị trường Hàn Quốc, hoặc “thanh long sấy dẻo” của Công ty TNHH TM DV XNK Bé Dũng (xã Mương Mán, huyện Hàm Thuận Nam) được người tiêu dùng ưa chuộng…

                
Nước mắm Nữ Hoàng là quà tặng ý nghĩa vào    dịp tết đến xuân về. Ảnh: Q.T

Trong lần bình chọn mới đây, toàn tỉnh có 28 sản phẩm thuộc lĩnh vực chế biến nông lâm thủy sản, thực phẩm và thủ công mỹ nghệ được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2016. Và với nỗ lực nâng cao chất lượng, khẳng định uy tín thương hiệu nên đa số sản phẩm được xem là đặc sản địa phương đã dần tìm chỗ đứng trên thị trường, để từ đó “hồn quê” Bình Thuận lan tỏa không ngừng đến mọi vùng miền Tổ quốc, vượt cả ra ngoài biên giới quốc gia. Có thể kể đến “muối Việt Nhật” (Công ty CP Muối & Xây dựng Bình Thuận) hiện có mặt tại thị trường Nhật Bản, “rượu vang thanh long đỏ” (HTX Thanh long Hàm Đức) xuất sang Campuchia, “nước mắm Thiên Hồng 300N” (Công ty TNHH Giao nhận TM - DV Thiên Hồng) đã được thị trường châu Âu chấp nhận. Thực tế cũng cho thấy, nhiều sản phẩm sản xuất từ nguyên liệu sẵn có ở những vùng quê Bình Thuận như “mỹ phẩm Vĩnh Tân” (chiết xuất từ cây trôm Tuy Phong), “đũa buông Thái Nguyên” (từ cây lá buông Tánh Linh), “bánh rế khoai lang” (từ khoai lang ruột trắng và tím)… ngày càng trở nên gần gũi trong đời sống thường nhật của nhiều gia đình.

Quả thực, Bình Thuận chúng ta có rất nhiều nguyên liệu đặc trưng được các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chế biến khá đa dạng và “nâng cấp” thành sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Đây chính là cơ sở để địa phương kỳ vọng trong năm mới 2017, những sản phẩm có thương hiệu “made in Bình Thuận” sẽ tiếp tục khẳng định lợi thế riêng có, tăng khả năng cạnh tranh và thành công trong mở rộng thị trường tiêu thụ nội địa lẫn ở nước ngoài…

Quốc Tín



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lan tỏa  “hồn quê” Bình Thuận