Theo dõi trên

Liên kết để phát triển mô hình hoa, cây kiểng

28/08/2019, 13:39

BT- Theo định kỳ 1 lần/tháng, 10 thành viên tham gia tổ hội “hoa và cây cảnh” (xã Hàm Hiệp, Hàm Thuận Bắc) gặp gỡ nhau, tìm giải pháp phát triển hoa, cây kiểng thành vùng chuyên canh, theo hướng “hạ giá thành nâng chất lượng”.

Ông Nguyễn Văn Thức (thôn Phú Nhang): Liên kết, giảm các khâu trung gian

Với diện tích hơn 3.500 m2 trồng hoa phong lan Mokara cắt cành, ngoài việc bán lan cắt cành cho thu nhập bình quân khoảng 250.000 đồng/ngày, nhân giống cây con là yếu tố quan trọng. Bởi chi phí ban đầu cho cây giống chiếm 70% tổng chi phí, chưa kể sản phẩm đầu vào và bán ra qua nhiều lớp thương lái. Để giảm giá thành cây giống cho người sản xuất hoặc mở rộng diện tích là bài toán khó. Trong khi, phần lớn nhu cầu tiêu thụ hoa lan Mokara tại các cửa hàng hoa tươi, khách sạn, khu du lịch trong tỉnh và nhiều nơi khác đều phải mua hoa từ TP. Hồ Chí Minh.

Song song đó, tổ sản xuất được hình thành ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước, mang lại hiệu quả thực tế, làm thay đổi thói quen sản xuất của người nông dân. Chính hình thành tổ liên kết trong sản xuất sẽ đẩy sản phẩm tới tay người tiêu dùng, giảm thông qua khâu trung gian (thương lái). Từ đó, người nông dân mạnh dạn đầu tư  và mở rộng sản xuất. Và sự thành lập mô hình tổ sản xuất “hoa và cây cảnh” tại xã Hàm Hiệp cũng học tập từ các tỉnh bạn.

Anh Lê Khắc Vi (thôn Xuân Điền): Cùng chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc

  Các loại hoa kiểng, cây cảnh như mai vàng, hoa lan các loại, hoa sứ và các loại cây khác theo kiểu dáng bon sai… lâu nay vẫn được duy trì và phát triển tại xã Hàm Hiệp. Chẳng hạn, mai vàng Phú Hội nổi tiếng dáng đẹp, hoa lâu tàn được nhiều người lựa chọn. Mỗi thành viên của tổ hội “hoa và cây cảnh” sở hữu khoảng vài trăm cây mai; độ tuổi 10 – 20 năm. Nếu trồng mai ngoài đất, mai sẽ nở sớm khi gặp cơn mưa trái mùa. Mai được trồng  trong chậu dễ điều chỉnh lượng nước tưới, tránh tình trạng nở sớm dù khi cơn mưa trái mùa đến; chủ yếu phòng trừ sâu ăn lá. Để khai thác lợi thế từng loại hoa, hướng tới xây dựng vùng chuyên canh về hoa và cây cảnh, các thành viên của tổ cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc, phòng chống dịch bệnh, ứng dụng kỹ thuật tiên tiến để sản xuất có hiệu quả hơn, góp phần tăng thu nhập cho người trồng.

Ông Thái Ngọc Âu (thôn Xuân Điền):  Hạ giá thành, nâng chất lượng sản xuất

 Sau 8 tháng ươm mầm, sứ Thái ghép ra hoa. Bên cạnh hoa đẹp nhiều cánh, bộ rễ nhiều tầng và hình dáng độc lạ nâng cao giá trị chậu sứ. Thụ phấn cho sứ kết trái là khó nhất. Vì vậy, chậu sứ giống bố mẹ được trồng trong nhà lưới đảm bảo thụ phấn thành công. Khi thụ phấn gặp phải trời mưa, hoa sứ sẽ thối, không kết trái được. Nếu thụ phấn thành công, mỗi hạt giống, giá bán 3.000 đồng/hạt. Giá bán sứ có hoa cũng tùy loại, dao động từ 60.000 – 100.000 đồng/cây. Cây sứ trồng càng lâu năm, rễ càng phình to gắn với hình dáng độc đáo, giá có thể vài triệu đồng mỗi cây. Nhìn chung, thị trường hoa và cây kiểng có xu hướng phát triển, trong đó có cây sứ Thái ghép. Tuy nhiên, hoa cây kiểng tại tỉnh trồng theo quy mô nhỏ lẻ, chưa đáp ứng nhu cầu khách hàng về giá cả, thị hiếu. Với định kỳ mỗi tháng, các thành viên tổ sẽ gặp gỡ nhau, tìm giải pháp phát triển hoa kiểng theo hướng “hạ giá thành nâng chất lượng”; đồng thời động viên các thành viên là thanh niên nông dân trẻ khởi nghiệp.

Trang hiẾu - Ảnh: N.LÂN



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư về chống khai thác IUU
BTO- Ban Bí thư Trung ương Đảng vừa tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW, ngày 10/4/2024 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) và phát triển thủy sản bền vững. Đồng chí Trương Thị Mai - Thường trực Ban Bí thư khóa XIII, Trưởng ban Tổ chức Trung ương chủ trì hội nghị.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Liên kết để phát triển mô hình hoa, cây kiểng