Theo dõi trên

Lời nhắn từ thiên nhiên

22/01/2017, 10:58

BT- Cách “chôn nước” trong kênh là kiểu tích nước đặc biệt, kiểu của vòi bạch tuộc, kiểm soát và cung cấp nước đến mọi ngóc ngách của tầng nước ngầm theo thời gian.

                
Tuyến kênh chuyển nước lên Khu Lê nằm men    theo chân đồi.

 Tín hiệu xám

Chưa bao giờ thời tiết Bình Thuận lại phân chia 2 trạng thái tiêu cực rõ rệt nắng lắm, mưa nhiều như năm nay. Những tháng đầu của năm, hạn lan ra diện rộng khiến mực nước ngầm giảm trầm trọng, người dân khoan giếng ở nhiều vùng trong tỉnh đã đối mặt với kết cục không có nước, dù có khoan sâu đến 70 - 80m. Chắc chắn ai cũng cảm nhận biến đổi khí hậu đã ở xung quanh, khi dòng chảy trên các sông suối trong vùng vào mùa hạn lẫn mùa mưa hay cả năm đều có sự thay đổi nhiều so với trước, đến mắt thường cũng cảm nhận được. Vì thế, kịch bản biến đổi khí hậu sẽ diễn biến theo hướng sau năm 2020, mực nước ngầm sẽ giảm đáng kể do ảnh hưởng của hoạt động khai thác và suy giảm lượng nước cung cấp cho dòng chảy ngầm trong mùa khô là chuyện không còn xa vời. Điều đáng ngại, kịch bản ấy cho thấy phần phía Bắc của Nam Trung bộ và Đông Nam bộ (thuộc hệ thống sông Đồng Nai), dòng chảy trong năm sẽ giảm mạnh từ 4 - 9%, dòng chảy mùa lũ giảm từ 2,5 - 8%, còn dòng chảy mùa cạn càng suy giảm mạnh phổ biến từ 2 - 12%. Theo đó, tỷ lệ tăng lượng bốc thoát hơi nước tiềm năng cao nhất từ 10 - 22%, tác động trực tiếp đến sự suy giảm nước ngầm tương ứng. Những tín hiệu trên khiến các cơ quan có liên quan phải cảnh báo các tỉnh, thành cần thực hiện đồng loạt các biện pháp thích ứng để phát triển bền vững nguồn tài nguyên nước, trong đó chú ý giữ gìn tầng nước ngầm trong đất. Và một trong các giải pháp quan trọng phải thực hiện là rà soát, xây dựng các hồ thủy lợi, thủy điện; hệ thống đê điều… có tính đến biến đổi khí hậu.

 Kiểu tích nước “vòi bạch tuộc”

Việc có tính đến biến đổi khí hậu đó đến bây giờ mới làm thì có vẻ đã trễ. Tại Bình Thuận, từ mấy năm trước đã tính đến con đường chôn nước trong lòng kênh. Đến thời điểm này, khi hàng loạt công trình thủy lợi đã ít nhiều cho thấy dáng dấp trên thực tế, người ta phát hiện hầu hết các tuyến kênh của chúng đều được bố trí ở trên cao so với vùng sản xuất. Phía Bắc tỉnh lẫn phía Nam tỉnh, những tuyến kênh dẫn nước như Lòng Sông - Đá Bạc, Cà Giây - Úy Thay - Đá Giá,  Sông Lũy - Khu Lê, Biển Lạc - Hàm Tân…  đều nằm ven theo chân đồi, còn thấp dưới kia là những cánh đồng đã có sẵn hoặc những vùng đất sẽ khai hoang cho sản xuất trong nay mai. Ở ví trí cao, nước có sẵn trong kênh đất vào mùa mưa hay nước được cố ý xả tích lại nhiều hơn trong mùa khô trước khi dứt phiên tưới sẽ ngấm xuống đất, bổ sung nước cho mạch ngầm từng ngày theo cách tự nhiên nhất, không tốn tiền cũng chẳng mất công. Trong bối cảnh này, nhiều người nhận rõ mặt tích cực của kênh đất và cách “chôn nước” trong kênh là kiểu tích nước đặc biệt, kiểu của vòi bạch tuộc, kiểm soát và cung cấp nước đến mọi ngóc ngách của tầng nước ngầm theo thời gian. Cứ âm thầm như thế cho đến một ngày, người ta nhận ra cảnh quan hai bên bờ kênh được thay sắc xanh.

 Nước của công nghệ cao

Hình ảnh trên vừa là thực tế đang diễn ra ở một số huyện vừa là kịch bản của những năm sau này ở tỉnh, khi các công trình thủy lợi hoàn thành. Phía Bắc tỉnh đang chuẩn bị xây hồ Sông Lũy, công trình thủy lợi lớn nhất này sẽ là nơi tích nước và chia nước theo hệ thống kênh về tưới các vùng đồng ở khắp 3 huyện Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình, Tuy Phong, giữ cho toàn vùng không bị hạn vào mùa khô nữa. Phía Nam tỉnh trước mắt có hồ Biển Lạc tích nước và về lâu dài có thể xây hồ La Ngà 3 cũng cùng nhiệm vụ tích nước mùa mưa để có nước tưới trong mùa khô toàn vùng. Tất cả nhằm giảm thiệt hại từ biến đổi khí hậu. 

                
Tuyến kênh nằm trên vùng đất cao ở xã Sông    Phan - Hàm Tân. Ảnh: B.N

Ứng phó biến đổi khí hậu bằng cách tích nước theo hệ thống thủy lợi, tích nước theo kiểu ẩn trong kênh, trong ao hồ nhà dân là điều quyết định nhưng quan trọng hơn là cách dùng nước tiết kiệm. Đã đến lúc phải lựa chọn giữa sử dụng nguồn nước tiết kiệm và hợp lý thay vì sử dụng kiểu cũ lãng phí để khỏi phải lao đao do hạn hán, nhiễm mặn. Vì thế, cũng đã đến thời điểm phải áp dụng phổ biến các biện pháp tưới tiêu khoa học và tiết kiệm nước trong ngành nông nghiệp, như tưới phun, tưới nhỏ giọt… song song với cây trồng cạn sử dụng ít nước. Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được xới lên trong thời gian qua phần lớn là vì lẽ đó. Từ sản phẩm sạch, kỹ thuật sản xuất hiện đại… chỉ để hướng đến dùng nước tiết kiệm. Qua đó, cho thấy lời nhắn gởi của tự nhiên với mục đích cuối cùng là bảo vệ cuộc sống xanh.

Bích Nghị



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lời nhắn từ thiên nhiên