Theo dõi trên

“Mệnh lệnh”… giữ rừng

21/08/2019, 09:31

BT- Trước thực trạng nhức nhối về phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp đã và đang xảy ra dai dẳng, phức tạp, “mệnh lệnh” phải giữ rừng không chỉ đến từ  cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, mà còn là trách nhiệm cao cả từ trái tim của những người dân yêu và gắn bó với rừng…

Bài 1: Thiên tai hay nhân tai?

Theo Chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XIII), thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh, đánh giá: Tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái pháp luật, nhất là rừng tự nhiên ở các khu vực giáp ranh giữa tỉnh ta với tỉnh bạn vẫn tiếp tục diễn ra phức tạp...

                
   Rừng Tà Cú bị tàn phá.

Hậu quả của mất rừng

Tháng 7, mùa mưa ngâu đã đến trên từng ngóc ngách, kẽ lá. Trời âm u, mưa rả rích, có nhiều khi như trút giận, đổ từ thượng nguồn xuống các sông, suối, khiến cho nhiều công trình, nhà cửa, tài sản, diện tích nông nghiệp của nhân dân bị chìm, cuốn trong mưa lũ. Đó là nỗi ám ảnh của không chỉ người dân Bình Thuận, mà là nỗi lo chung của cả nước, mỗi khi lũ từ nguồn đổ về. Thời tiết ngày càng diễn biến phức tạp. Tại Bình Thuận, chuỗi ngày nắng hạn kéo dài, gây khô hạn khắp mọi nơi. Mất rừng - phần vì bị cháy, phần bị tàn phá. Nguồn nước thượng nguồn không được giữ lại, khiến người dân thiếu nước sinh hoạt, sản xuất. Đó là thiên tai, hay nhân tai? Chắc là cả hai. Bởi “rừng vàng - biển bạc”. Tài nguyên và lợi nhuận từ rừng quá dồi dào, nên nhiều năm qua, biết bao diện tích rừng đã “không cánh mà bay”, những cây rừng hàng chục năm tuổi bị chặt hạ, khai thác trái phép mà chưa thể giải quyết triệt để.

Nổi cộm nhất ở Bình Thuận thời gian qua là những vụ khai thác, lấn chiếm đất lâm nghiệp, trong đó có 2 khu Bảo tồn thiên nhiên Tà Cú và Núi Ông… Mặc dù lực lượng chức năng đã nỗ lực, bám trụ địa bàn để canh giữ, nhưng các đối tượng xấu vẫn manh động, phá rừng tại các điểm rừng giáp ranh… 

“Nóng” việc phá và lấn chiếm tài nguyên rừng

Ông Trần Ngọc Tân - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho hay: Từ đầu năm 2019 đến nay, tuy số vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp có giảm, nhưng tình hình phá rừng, khai thác gỗ, lấn chiếm đất rừng vẫn còn diễn biến rất phức tạp và xảy ra ở nhiều nơi. Đó không chỉ ở các khu vực giáp ranh với tỉnh Lâm Đồng mà ngay cả trong vùng nội tỉnh như Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Tánh Linh. Đáng chú ý là diện tích rừng đặc dụng của Khu BTTN Tà Cú thiệt hại lớn với 4,443 ha, chiếm 44,29% diện tích bị phá trong 7 tháng. Hành vi lấn, chiếm đất rừng trái pháp luật tăng cả về số vụ và mức độ thiệt hại.

Nhất là gần đây, nổi lên tình hình khai thác gỗ trái phép từ lâm phần Ban quản lý rừng phòng hộ (BQL RPH) Trị An, giáp ranh với huyện Đạ Huoai - Lâm Đồng và lấn, chiếm đất rừng tại BQL RPH La Ngà tại khu vực tượng Đức mẹ Tà Pao. Ngoài ra, tại lâm phần BQL Khu BTTN Tà Cú, tình trạng phá rừng, lấn, chiếm đất rừng tại xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam cũng diễn ra hết sức phức tạp. Tại các huyện phía Bắc, nhiều đối tượng thường thuê mướn số đông người từ Lâm Đồng, lợi dụng vào đêm tối, trời mưa để tổ chức vào khu vực rừng Cà Cấu, xã Phan Lâm để chặt phá, lấn chiếm đất rừng. Đứng trước tình hình này, các lực lượng chức năng phải tập trung chỉ đạo để ngăn chặn, tránh kéo dài trở thành điểm nóng.

Giữ rừng cần đi đôi với trồng rừng, mới mong bù đắp lại những diện tích đã bị tàn phá. Tuy nhiên, thực tế đánh giá của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, tiến độ trồng rừng tập trung thời gian qua vẫn còn thấp. Đáng chú ý là diện tích trồng rừng chỉ tập trung ở đối tượng là rừng sản xuất của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bình Thuận, các tổ chức ngoàinhà nước và các gia đình, cá nhân. Mặt khác, đề án thí điểm trồng các loài cây bản địa để khôi phục lại rừng tại phân khu phục hồi sinh thái của Khu BTTN Núi Ông đã được UBND tỉnh phê duyệt nhưng chậm thực hiện… Tất cả những điểm hạn chế này, phần nào ảnh hưởng đến công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh.

    
      Tính đến năm 2019, diện tích rừng và đất lâm nghiệp chiếm 47,4% diện   tích tự nhiên của toàn tỉnh. Trong đó diện tích rừng tự nhiên 272.928,27   ha, diện tích đất có rừng trong quy hoạch lâm nghiệp 307.784,13 ha, diện   tích chưa có rừng 39.837,53 ha, diện tích đất có rừng ngoài quy hoạch   (bao gồm đất an ninh quốc phòng) 22.724,58 ha.

KiỀu HẰng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
“Mệnh lệnh”… giữ rừng