Theo dõi trên

“Mệnh lệnh”… giữ rừng

22/08/2019, 10:11

Bài 2: Một ngày trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Tà Cú

BT- Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Tà Cú nằm trên địa bàn Hàm Thuận Nam, là một trong hai khu rừng đặc dụng hiện đang thực hiện nhiệm vụ bảo vệ hệ sinh thái rừng tự nhiên, đa dạng sinh học và động thực vật hoang dã quý hiếm của tỉnh Bình Thuận. Tuy nhiên, thời gian qua, nơi đây diễn ra tình trạng khai thác, lấn chiếm đất lâm nghiệp hết sức phức tạp…

                
   Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Hùng gặp gỡ    người dân sản xuất trong rừng Tà Cú.

Vào rừng mùa mưa

Một ngày cuối tuần, mưa khá nặng hạt trong khu vực Bưng Thị, thuộc địa phận Khu BTTN Tà Cú. Ngọn núi nằm sừng sững, nơi được mẹ thiên nhiên ban tặng những tài nguyên, thế mạnh, đủ cả rừng và biển. Tôi theo chân đoàn công tác của Tỉnh ủy, do đích thân Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Hùng dẫn đầu. Xe chạy quanh khu vực rừng, len lỏi những con đường mòn vào tận sâu bên trong. Nhìn một cách tổng quan, có thể thấy khu bảo tồn còn khá đa dạng, có nhiều gốc cây cổ thụ, sinh thái rừng vẫn xanh mát. Nhưng tại các vùng đệm, rất nhiều vườn thanh long, hoa màu của các hộ dân đang xen canh kiểu “da beo”. Chuyến công tác lần này, Bí thư Tỉnh ủy với bộ trang phục giản dị, nón cối đội đầu, đến trực tiếp gặp gỡ một số hộ dân đang sinh sống và sản xuất trong khu vực rẫy cũ. Ông Nguyễn Văn Hải (thôn Hiệp Nhơn,  xã Tân Thuận) không dám tin, lãnh đạo tỉnh lại trực tiếp vào tận khu rẫy sâu trong núi - nơi gia đình ông đang có đất sản xuất tại tiểu khu 300, địa giới hành chính xã Hàm Minh từ năm 1972 đến nay. Vẻ khắc khổ, nếp nhăn của tuổi già hằn lên gương mặt. Tiếp chuyện với lãnh đạo tỉnh trong căn chòi nhỏ, ông Hải chỉ tay về phía bờ rẫy, không nhớ chính xác mình có bao nhiêu đất sản xuất trong khu vực này. Chỉ biết rằng, gia đình ông có 8 nhân khẩu, với 6 người con, đều đã được chia đất để sản xuất. Riêng vợ chồng ông đang sống dựa vào 600 trụ thanh long ngay tại đây.

Còn vợ chồng ông Dương Văn Đông (SN 1955) tại xã Tân Thành, Hàm Thuận Nam có với nhau những 8 người con. Ông bà sống trong rừng này đã từ rất lâu, quản lý khoảng 6 ha đất để trồng thanh long, bầu, bí…Gặp lãnh đạo tỉnh, ông Đông kể: Trước đây ông là bộ đội, sống và gắn bó với rừng lâu đến nỗi giờ không thể bỏ rừng. Ông Đông đã nhiều lần chứng kiến những kẻ xấu vào phá rừng, đều bị ông phản đối, ra sức bảo vệ. Tuy vậy, chỉ có cây rựa trong tay, không có công cụ hỗ trợ, bảo vệ nên lắm phen cũng “lực bất tòng tâm”. Ông còn thấy bất an cho những cán bộ quản lý rừng trong khu vực, ngày đêm canh trực, quản lý, nhưng dụng cụ thô sơ, sẽ vô cùng bất lợi và nguy hiểm, không đủ điều kiện bảo vệ bản thân và đối phó với đối tượng xấu…

Hỏi thăm tận tình về đời sống, quá trình sản xuất của bà con trên địa bàn, Bí thư Tỉnh ủy thấu hiểu khó khăn trong sản xuất nông nghiệp, thiếu vốn sản xuất và vấn đề giữ rừng. Nắm chặt bàn tay của những người dân sinh sống trong rừng, lãnh đạo tỉnh chia sẻ và động viên bà con và bày tỏ mong muốn cuộc sống người dân ổn định, phát triển. Nhưng nhất định phải gắn với việc bảo tồn rừng, không được tác động xấu. Bà con cần phối hợp với chính quyền, lực lượng kiểm lâm để bảo vệ, phát triển rừng. Ông Đông và một số hộ dân ở đây đều thể hiện ý thức bảo vệ rừng, mong muốn được góp công sức để giữ gìn khu bảo tồn. Bởi đó còn là “mệnh lệnh” từ trái tim và trách nhiệm của người dân yêu rừng. 

Lãnh đạo phải gắn với kiểm tra

Khu BTTN Tà Cú nằm trên ranh giới hành chính các xã Hàm Cường, Hàm Minh, Thuận Quý, Tân Thành, Tân Thuận và thị trấn Thuận Nam, huyện Hàm Thuận Nam. Nhiều hộ dân ở các xã lân cận sinh sống và sản xuất trong khu vực rẫy cũ, thuộc Khu BTTN từ trước khi thành lập dự án. Theo UBND huyện Hàm Thuận Nam, tổng diện tích các hộ dân sản xuất trong lâm phần Ban quản lý (BQL) Khu BTTN Tà Cú là 776,103 ha. Trong giai đoạn 2016 - 2018, BQL Khu BTTN Tà Cú đã phát hiện 28 trường hợp lấn, chiếm đất lâm nghiệp với diện tích trên 10 ha. Qua đó, các xã phối hợp với BQL Khu BTTN Tà Cú quyết định xử lý vi phạm hành chính 23 trường hợp và buộc các đối tượng lấn, chiếm đất phải khôi phục lại hiện trạng ban đầu với diện tích 9,38 ha. Cũng trong giai đoạn này, BQL Khu BTTN Tà Cú ghi nhận 112 trường hợp người dân trồng cây thanh long trên diện tích 52,77 ha nằm trong Khu BTTN Tà Cú.

Theo ông Đinh Văn Tư - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Hàm Thuận Nam: Thời gian qua, đơn vị đã chỉ đạo kiểm lâm địa bàn các xã, nhất là các xã giáp ranh khu BTTN Tà Cú tham mưu Chủ tịch UBND xã phối hợp chặt chẽ với chủ rừng để thống kê, rà soát, lập danh sách các hộ dân đang canh tác nông nghiệp giáp ranh với rừng. Đồng thời, cho các hộ dân làm cam đoan, cam kết giữ nguyên hiện trạng, không phá rừng, cơi nới thêm diện tích.

Ông Nguyễn Minh - Bí thư Huyện ủy Hàm Thuận Nam nêu quan điểm: Lãnh đạo phải thường xuyên gắn với việc kiểm tra. Phải quyết liệt, quyết tâm bảo vệ rừng. Hàng tháng, lãnh đạo huyện là người trực tiếp tuần tra, kiểm tra để nắm bắt tình hình. Qua đó, có chỉ đạo sâu sát hơn, kịp thời chia sẻ với anh em bảo vệ rừng, thường xuyên làm việc với các đơn vị liên quan về bảo vệ rừng trên địa bàn. Theo ông Minh, mọi trường hợp vi phạm phải được phát hiện, kiểm tra, xử lý kịp thời và có biện pháp ngăn chặn ngay từ đầu. Nếu để xảy ra vi phạm mà không có biện pháp quản lý, bảo vệ rừng thì chủ rừng phải chịu trách nhiệm. 

    
      Ngày 26/10/1996, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định xác định lập   Khu BTTN Tà Cú trên cơ sở khu rừng sến do Hạt Kiểm lâm Rừng Sến quản lý,   với tổng diện tích 17.823 ha. Trong đó, bao gồm cả khu dân cư, đường   giao thông, nhà ở, đất nông nghiệp có trong vùng dự án. Cuối năm 1996,   Bộ Nông nghiệp và PTNT xác định tổng diện tích khu bảo tổn thiên nhiên   Tà Cú là 11.866 ha và vùng đệm 5.957 ha.

KiỀu HẰng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết:
Hôm nay đưa vào hoạt động 2 trạm dừng chân tạm thời
BTO-Thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính Phủ và Bộ Giao thông vận tải về việc xây dựng tạm trạm dừng chân trên tuyến cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết, Ban quản lý dự án 7 đã tiến hành thi công 2 trạm dừng nghỉ tạm trên cả hai chiều đường cao tốc, đưa vào hoạt động phục vụ tài xế, người tham gia giao thông vào dịp lễ 30/4 và 1/5.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
“Mệnh lệnh”… giữ rừng