Theo dõi trên

Minh bạch, tận tâm, “cò 67” không đất sống

11/10/2017, 08:55

BT- “Cò” tín dụng lâu nay tồn tại như  “quy luật ngầm” kết nối các phi vụ vay, đáo hạn ở một số tổ chức tín dụng. Vì vậy không ít vụ án được đưa ra xét xử liên quan cán bộ ngân hàng. Ở khoản vay tín dụng theo Nghị định 67 của Chính phủ, Bình Thuận đã xuất hiện “cò” (tạm gọi là “cò 67”). Thế nhưng, “cò 67” đã không có đất sống…

Cách đây hơn 2 năm, khi Nghị định 67 ra đời, nhiều ngư dân hăm hở muốn tìm cơ hội vươn ra biển lớn bằng những con tàu công suất lớn với khoản vay ưu đãi của Chính phủ. Tàu lớn bằng vỏ thép, composit tiền được duyệt cho vay từ 10 tỷ đồng đến gần 30 tỷ đồng. Còn tàu vỏ gỗ thấp nhất cũng vài tỷ đồng. Mặc dù công tác tuyên truyền về cho vay theo Nghị định 67 được triển khai khá sâu rộng đến các địa bàn vùng biển, thậm chí mời những ngư dân ở các huyện có biển đến để phổ biến chính sách, nhưng nhận thấy việc ngư dân lâu nay ít tiếp xúc các loại thủ tục hành chính, kèm theo số tiền vay lớn nên một số người “tưởng bở” nhảy vào làm “cò 67”…

Vào một buổi sáng… phòng làm việc của anh Phạm Văn Trịnh - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Bình Thuận, Phó Ban chỉ đạo thực hiện Nghị định 67 của tỉnh, 5 hộ ở Phú Quý, La Gi có tên trong danh sách phê duyệt của tỉnh được vay vốn đóng mới “tàu 67” được mời đến để thẩm định hồ sơ. Thế nhưng khi kiểm tra giấy tờ, anh Trịnh khá bất ngờ vì có 3 trường hợp không trùng tên trong danh sách. Hỏi vì sao các chủ hộ vay không đến thì các trường hợp này bảo là họ làm đại diện cho hộ có tên được phê duyệt vay vốn 67. Với kinh nghiệm và bản lĩnh của người làm ngân hàng nhiều năm, anh Trịnh hoài nghi đây là những “cò 67” nên đề nghị chủ hộ vay phải có mặt. Nhưng vài hôm sau lại có thêm một số người “lạ mặt” đến, lúc này anh từ chối thẳng thừng. Tiến hành kiểm tra bằng nghiệp vụ và tâm sự chân tình của Phó Ban chỉ đạo, những hộ nhờ trung gian đến gặp anh để làm việc thú nhận là họ đang nhờ “cò” làm cho nhanh chứ bản thân rất ngại và chưa quen với các giấy tờ vay vốn cũng như không rành “con chữ”… Hiểu được những khó khăn của ngư dân, anh Trịnh yêu cầu những hộ có tên trong danh sách được tỉnh phê duyệt phải đến gặp trực tiếp, khi đi mang theo giấy chứng minh nhân dân để làm việc, không qua trung gian để tránh khoản tiền “cò”. Mặt khác anh thông báo rõ những hộ còn ngại làm các thủ tục anh sẽ hướng dẫn tận tình, và thông tin cho các hộ vay vốn biết Ban chỉ đạo Nghị định 67 có đường dây nóng, các hộ vay vốn được gọi để tư vấn các thủ tục hoặc phản ánh những việc còn gút mắc, anh Trịnh còn cho số điện thoại cá nhân để các hộ vay có thể gọi bất kỳ lúc nào cấp bách.

Nhiều lần gặp gỡ các chủ “tàu 67”, khi đem chuyện “cò 67” trao đổi, mấy chủ tàu không ngại tâm sự họ “xém” mất cả trăm triệu đồng vào tay “cò” bởi “cái sự ngại” thủ tục hành chính của mình. Theo tính toán của các chủ “tàu 67”, mỗi hợp đồng trọn gói “cò 67” ra giá thu từ 0,5 - 1%, nếu vay từ 10 - 20 tỷ đồng thì mất từ 50 - 100 triệu đồng. Hội nghị Trung ương 5 khóa XII ra Nghị quyết số 10 đề cập nội dung về “Tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn lực” trong đó có nêu: “…tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân tiếp cận các nguồn lực một cách minh bạch, bình đẳng theo cơ chế thị trường…tiếp cận vốn ngân hàng”… Việc công khai minh bạch các thủ tục hành chính trong vay vốn theo Nghị định 67, kèm theo sự nhiệt tâm hướng dẫn, chỉ đạo, đặc biệt là sự liêm khiết của người lãnh đạo cực kỳ quan trọng đối với tổ chức Đảng và chính quyền, đưa Nghị quyết Trung ương 5 vào cuộc sống, cụ thể ở đây là triển khai Nghị định 67 của Chính phủ đến ngư dân của tập thể Ban chỉ đạo thực hiện 67 của Bình Thuận đã phát huy hiệu quả, làm lợi cho ngư dân. Nhờ đó đến nay, Bình Thuận là tỉnh đứng trong tốp đầu toàn quốc về giải ngân vốn theo Nghị định 67…

Trần Thi



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư về chống khai thác IUU
BTO- Ban Bí thư Trung ương Đảng vừa tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW, ngày 10/4/2024 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) và phát triển thủy sản bền vững. Đồng chí Trương Thị Mai - Thường trực Ban Bí thư khóa XIII, Trưởng ban Tổ chức Trung ương chủ trì hội nghị.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Minh bạch, tận tâm, “cò 67” không đất sống