Theo dõi trên

Mô hình cánh đồng lớn thâm canh ở Tánh Linh

05/03/2020, 09:34 - Lượt đọc: 18

BT- Việc xây dựng mô hình cánh đồng lớn ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ, liên kết tạo đầu ra cho sản phẩm hết sức cần thiết. Tánh Linh là huyện trọng điểm lúa của tỉnh, hiện đang quy hoạch 3.000 ha đất trồng lúa chất lượng cao, từng bước thực hiện các mô hình thí điểm hiệu quả về trồng lúa... 

                
   Cơ giới hóa nông nghiệp và cánh đồng lớn    tại Tánh Linh.

Liên kết tiêu thụ sản phẩm

Lâu nay, sản xuất lúa trong tỉnh nói chung và huyện Tánh Linh nói riêng quy mô chưa đồng bộ, tỷ lệ cơ giới hóa còn thấp. Nhất là chưa có sự gắn kết giữa doanh nghiệp với nông dân trong việc liên kết bao tiêu sản phẩm nên hiệu quả sản xuất lúa chưa cao. Do vậy, việc liên kết nhiều hộ nông dân trên cùng cánh đồng để sản xuất cùng một giống lúa, cùng quy trình canh tác, áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật là một trong những hướng đi tất yếu. Đi đầu là cơ giới hóa để giảm chi phí đầu vào, nâng cao năng suất lao động. Đây cũng là giải pháp thiết thực để tiến tới nền sản xuất lúa hàng hóa.

Những năm qua, ngành nông nghiệp tỉnh đã thực hiện nhiều mô hình cụ thể liên quan đến sản xuất, thâm canh lúa, bước đầu đạt hiệu quả. Cụ thể, mới đây Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã tổng kết mô hình cánh đồng lớn thâm canh và áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa. Mô hình này được thực hiện tại xã Bắc Ruộng, huyện Tánh Linh, với quy mô 72 ha/65 hộ tham gia. Mục tiêu của dự án là xây dựng mô hình cánh đồng lớn thâm canh và áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa, hỗ trợ 1 máy cấy và 10 bình phun thuốc, phân bón bằng động cơ. Xây dựng mô hình liên kết các nhóm hộ nông dân (trong mô hình cánh đồng lớn) thành các tổ chức liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hiệu quả và bền vững.

Tại mô hình này, ông Cáp Kim Thành, đại diện nhóm hộ nông dân tham gia mô hình ký hợp đồng thực hiện. Dự án phối hợp, tư vấn cho nhóm hộ, tìm kiếm sự liên kết sản xuất với các doanh nghiệp trong việc bao tiêu sản phẩm. Kèm theo quy chế hoạt động, đảm bảo tiêu thụ ít nhất 80% sản lượng lúa thu hoạch được qua hợp đồng.

Nâng hiệu quả, chất lượng

Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết: Thông qua sự thống nhất của hộ tham gia mô hình, địa phương chọn giống OM 4900 sản xuất 40 ha, ML202 sản xuất 32 ha, đây là những giống phù hợp với điều kiện sản xuất và tiêu thụ của vùng. Ruộng trong mô hình cấy mật độ thưa nên số chồi và số bông/m2, tuy ít so với ruộng ngoài mô hình nhưng cho bông lúa dài và số hạt chắc nhiều hơn, sinh trưởng và phát triển tốt, tỷ lệ lép ít nên cho năng suất cao hơn ruộng ngoài mô hình. Mô hình liên kết đã giúp nông dân chủ động ký kết được hợp đồng tiêu thụ lúa với Doanh nghiệp Tiêu Văn Tiến ở thị trấn Võ Xu, huyện Đức Linh.

 Đặc biệt, việc sản xuất đồng bộ, liên kết tập trung, đã giúp doanh nghiệp hợp đồng cùng sản xuất, đầu tư và bao tiêu sản phẩm. Cùng với đó, xây dựng được vùng lúa hàng hóa có chất lượng, năng suất cao hơn năng suất lúa đại trà 0,8 tấn, tăng 14,8% và giá lúa bán được cao hơn  200 đồng/kg. Hiệu quả kinh tế trong mô hình cao hơn so với ngoài mô hình khoảng 6,7 triệu đồng/ha.

Theo ông Nguyễn Tám - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh: Mặc dù mô hình đã đạt được một số kết quả, nhưng gặp hạn chế là đa số nông dân còn sản xuất theo lối truyền thống sạ dày, trong khi mô hình áp dụng cấy thưa nên nông dân còn e ngại. Hơn nữa, việc ghi chép nhật ký đồng ruộng, sổ sách theo dõi chưa đầy đủ, do nông dân chưa có thói quen ghi chép. Trong điều kiện nhân rộng mô hình cơ giới hóa còn hạn chế, do kinh phí đầu tư cao, người nông dân khó tiếp cận nguồn vốn vay và giá lúa gạo còn thấp nên nông dân khó tái đầu tư cho sản xuất. Do vậy, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã kiến nghị ngành, các cấp tăng cường tính khả thi các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, như chính sách về cơ giới hóa nông nghiệp. Mặt khác, tạo điều kiện cho nông dân có nhu cầu cơ giới hóa tiếp cận các nguồn vốn đầu tư.

K.HẰng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mô hình cánh đồng lớn thâm canh ở Tánh Linh