Theo dõi trên

Mô hình quản lý đốm nâu trong mùa mưa

09/08/2017, 08:07 - Lượt đọc: 12

BT- Trong những ngày cao điểm mùa mưa năm 2017, hình ảnh chung tại các vườn thanh long mà chúng tôi chứng kiến là bạt ngàn thanh long vụ mùa đang “dày đặc” bệnh đốm nâu. Tuy nhiên, tại một số vườn đang áp dụng mô hình quản lý đốm nâu, vườn thanh long lại sạch bệnh đến khó tin.

                
Cán bộ kỹ thuật hướng dẫn cách phòng trừ    đốm nâu thanh long.

Mô hình quản lý đốm nâu

Vườn thanh long chúng tôi muốn nhắc đến là của hộ chị Lê Huyền Trân (thôn Phú Thái, xã Hàm Trí, Hàm Thuận Bắc). Hơn 200 trụ thanh long của chị Trân nằm lọt thõm giữa bốn bề thanh long của các hộ lân cận. Điều khiến chúng tôi loại sâu bệnh khác, thì những trụ thanh long của chị Trân vẫn mởn xanh, bung tỏa vô số các chồi non mơn mởn. Giải thích về điều này, chị Trân cho biết, đang áp dụng mô hình quản lý đốm nâu trong mùa mưa do kỹ sư Trần Minh Tân - Phó Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật trực tiếp hướng dẫn. Chủ vườn thanh long cho biết, trước sức tàn phá của bệnh đốm nâu, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng trái nên chị thực hiện mô hình này từ vụ chong đèn năm 2016 đến nay, dưới sự hướng dẫn của đơn vị chuyên môn. Cùng có mặt tại vườn thanh long của chị Trân, kỹ sư Trần Minh Tân chia sẻ: Đây là kết quả của việc tuân thủ theo hướng dẫn của chi cục. Hiện nay vườn đang có 1 lứa chồi đã ngả xuống mà không bị đốm nâu và chủ vườn đang tiến hành già hóa cành non để tránh nguy cơ đốm nâu vào mùa mưa (bấm đầu ngọn cành non khi cành đạt đủ chiều dài).

Kỹ sư Tân chia sẻ, công thức thực hiện mô hình khá đơn giản là phun thuốc định kỳ 1 tuần/lần thuốc trừ nấm bệnh BORDEAUX M25WP cop (4-4-1), liều lượng 3 gói/16 lít nước. Mùa mưa 4-5 ngày phun 1 lần, mùa nắng 7 - 8 ngày phun 1 lần. Ngoài ra, thực hiện bón phân theo quy trình của Công ty Daito Humix: Bón lần 1: Lân phos phorite (1 kg)+ Daito humix Thanh long 1 (1 kg)/1 trụ. Bón lần 2: Daito humix Thanh long 2 (1 kg)/1 trụ, giai đoạn nụ đến hoa nở. Bón lần 3: Daito humix Thanh long 3 (1 kg)/1 trụ: từ sau rút râu đến thu hoạch.

Theo kỹ sư Trần Minh Tân, ngoài hộ chị Trân, hiện mô hình quản lý đốm nâu trong mùa mưa đang được áp dụng tại nhiều hộ ở địa phương như hộ anh Phong (xã Hàm Cường, Hàm Thuận Nam) với 5.000 trụ, anh Tiến (xã Hàm Trí, Hàm Thuận Bắc) với 4.000 trụ và trang trại thanh long Hoàng Hậu quy mô 300 ha, mang lại hiệu quả cao…

 Tăng cường phòng, chống bệnh đốm nâu

Đến đầu tháng 8/2017, diện tích thanh long nhiễm bệnh đốm nâu toàn tỉnh 5.956 ha, trong đó nhiễm nhẹ 4.985 ha, nhiễm trung bình 796 ha và nhiễm nặng 175 ha. Bệnh phát sinh gây hại tại các huyện Hàm Thuận Nam 2.697 ha, Hàm Thuận Bắc 1.586 ha, Bắc Bình 1.327 ha… Đa số các hộ trồng thanh long đã có ý thức trong việc vệ sinh vườn thanh long cũng như việc cắt tỉa, thu gom và xử lý cành, quả thanh long bị bệnh đốm nâu.Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã có khoảng 3.000 ha thanh long được cắt tỉa, với hơn 2.658 tấn cành trái thanh long được thu gom và tiêu hủy. Diện tích vườn thanh long được vệ sinh 10.799 ha. Với diễn biến thời tiết hiện nay, bệnh đốm nâu sẽ tiếp tục gia tăng hàng tuần cả về diện tích nhiễm cũng như mức độ thiệt hại, đặc biệt là tại 2 huyện Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Nam chỉ đạo các địa phương tăng cường kiểm tra, đánh giá tình hình, diễn biến của bệnh đốm nâu, tiếp tục tuyên truyền, phổ biến quy trình phòng chống bệnh đốm nâu đã được Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật  ban hành. Đồng thời, giao chi cục chỉ đạo các Trạm Trồng trọt và bảo vệ thực vật các huyện tăng cường công tác điều tra diễn biến bệnh đốm nâu trên các vườn thanh long, đặc biệt những khu vực nhiễm nặng. Lồng ghép vào các cuộc hội thảo của các công ty phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để tuyên truyền, hướng dẫn cho bà con nông dân thực hiện các biện pháp phòng trừ bệnh tổng hợp, cắt tỉa cành non, cành bệnh và thực hiện vệ sinh vườn thông thoáng để giảm thiệt hại.

Kiều Hằng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mô hình quản lý đốm nâu trong mùa mưa