Theo dõi trên

Mủ trôm “tuột” giá, nông dân ngưng thu hoạch

07/01/2019, 10:14 - Lượt đọc: 1,056

BT- Tại thời điểm này, sản lượng mủ trôm giảm, và giá bán mủ cũng giảm mạnh, khiến cho người trồng cây trôm tại thôn Lò To, xã Hàm Cần (Hàm Thuận Nam) nhiều lo lắng.

                
Chị Nguyễn Thị Kiều Thanh (thôn Lò To) đang    vệ sinh sau khi đục lỗ cây trôm.

 Nếu giá mủ trôm khô của các năm trước là 100.000 - 120.000 đồng/kg, thì giá mủ hiện nay chỉ còn 60.000 - 70.000 đồng/kg; giảm 41,7% so các năm trước. Thông thường, 4 kg mủ tươi được 1 - 1,5kg mủ khô. Với trời nắng gắt, người trồng phơi 3 - 4 nắng sẽ thu được mủ khô. Nếu nắng yếu, số ngày phơi kéo dài thêm, mủ mới khô. Theo đó, giá mủ tươi cũng chỉ 15.000 - 20.000 đồng/kg, giảm trung bình khoảng 40% so với trước (30.000 đồng/kg).

Chị Nguyễn Thị Kiều Thanh chia sẻ: Sau 5 năm trồng, vườn trôm 2 ha của chị cho thu hoạch tốt về sản lượng lẫn giá. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm thu lợi được vài chục triệu đồng/ ha. Để cây trôm tiết nhiều mủ, chị bôi thuốc kích thích trước 1 tuần khai thác. Tuy nhiên giá mủ năm 2018 đến nay “lao dốc”; thấp hơn 1/2 giá của năm trước. Vì vậy, chị khai thác cầm chừng, phơi khô và dự trữ chờ giá lên. Tại thời điểm này, thương lái có thể không thu mua mủ khô có lẫn tạp chất, nếu có, giá càng thấp hơn nữa.

         
      Giá mủ    năm 2018 đến nay “lao dốc”, thấp hơn 1/2 giá của năm trước. Vì vậy,    chị khai thác cầm chừng, phơi khô và dự trữ chờ giá lên.

Tương tự, ông Nguyễn Văn S. người cùng thôn với chị Thanh cũng cất trữ mủ trôm sau khi phơi khô và đang đợi giá lên. Ông S. nói thêm “Với những hộ khó khăn hơn, thì đành bán giá thấp và nhiều hộ bán mủ tươi cho thương lái. Nếu trồng 1 ha cây trôm, sau 5 -7 ngày đục lỗ, thu hoạch khoảng 1 tạ mủ tươi.” Mủ trôm cho sản lượng cao vào mùa nắng (tháng 11 năm trước tới tháng 5 năm sau). Vào mùa nắng, lượng mủ thu hoạch nhiều và đảm bảo chất lượng. Còn thu hoạch vào mùa mưa thì phải lấy mủ trong ngày bởi mủ trôm khi gặp nước sẽ bị nở, trở vàng. Thương lái không mua.

Theo ông Trần Văn Ngàn (trưởng thôn Lò To), thôn Lo To là vùng đất khô cằn, tìm cây trồng phù hợp rất khó. Người dân nhận thấy cây trôm không kén đất, có thể phát triển bình thường trên nền đất khô cằn sỏi đá và có giá trị kính tế. Trong bối cảnh ấy, người dân mạnh dạn trồng cây trôm, nhờ cây trôm nhiều gia đình thoát nghèo. Tổng diện tích trôm của thôn hiện nay khoảng 30 ha. Nhưng sau một thời gian, giá mủ lại “tuột” sâu, khiến người trồng lo lắng.

Không riêng gì trong tỉnh trồng trôm với diện tích hàng trăm ha mà các tỉnh bạn cũng trồng trôm như Ninh Thuận, Bình Dương, Tây Ninh… Tại thời điểm này, giá mủ trôm tại Vĩnh Hảo (Tuy Phong), Hàm Cần (Hàm Thuận Nam) rớt giá mạnh. Có thể nói rằng, do đầu ra mủ trôm hiện nay chưa ổn định, giá “trồi sụt”, chưa thể đánh giá cao cây trôm có hiệu quả kinh tế. Dự báo rằng diện tích trồng cây trôm tăng mạnh trong khi nguồn tiêu thụ vẫn không tăng. Hầu hết, người trồng mủ trôm bán cho thương lái và mặc cho thương lái áp giá. Để người nông dân yên tâm với cây trôm, cây trôm phát triển bền vững, thì phải tạo chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu dùng, quan tâm cải thiện giống tạo năng suất mủ cao, ứng dụng công nghệ chế biến, tìm thị trường xuất khẩu…

Trang Minh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mủ trôm “tuột” giá, nông dân ngưng thu hoạch