Theo dõi trên

Mùa bấc khô ở Tuy Phong

25/10/2018, 08:31

 BT- Vì sao mùa mưa này ở Tuy Phong lại diễn ra chậm và hiếm mưa, rõ nhất là đến lúc này, khi bấc đã thổi được khoảng 20 ngày nhưng trời chưa đem mưa về nhiều như mọi khi?

                
Đầu tháng 10, Tuy Phong mới có mưa để sản    xuất vụ mùa.

Bằng lăng nở vào tháng 10

Cơn mưa vào cuối tuần trước lúc nhặt thưa, lúc sầm sập nhưng kéo dài được một ngày khiến ai ở Tuy Phong cũng mừng rất nhiều, cũng nhớ rất rõ. Vì từ đầu năm đến giờ, trời nơi này chỉ gom chút mây, mưa được 3 cơn mà cơn mưa nào cũng chỉ kéo dài 1 - 2 tiếng ngắn ngủi. Chỉ cơn mưa này dài mới đủ sức xua đi cảm giác nóng bức, oi nồng nhiều ngày, nhiều tháng trước đó, cả không gian bỗng chợt thoáng mát. Bọn trẻ ùa đi tắm mưa, bất chấp người lớn la rầy sợ bị cảm, vì dù là tháng 10 nhưng đây giống như là cơn mưa đầu mùa. Nhà anh Phạm Văn Tài ở thôn Vĩnh Hanh, xã Phú Lạc, nơi anh có thể thấy toàn cảnh cánh đồng, trong đó có 1 ha lúa vụ mùa mới gieo hơn 10 ngày qua của gia đình đang chìm trong cơn mưa vàng. Ở tuổi 45, chưa phải là già để có nhiều thời gian chứng kiến nhưng anh khẳng định gần 40 năm qua chưa từng thấy thời tiết năm nào như năm nay. Hết ngày này đến ngày khác, tháng nọ đến tháng kia, trời Tuy Phong cứ trong veo, chót vót trên cao với nắng và gió rát. Tháng 5, 6 dương lịch, mọi năm trời đã sấm chớp rớt mưa. Năm nay, chờ sang tháng 7, tháng 8 rồi đầu tháng 9, trời vẫn chưa mưa. Sau khi thu hoạch vụ hè thu được 6,5 tấn lúa, anh loay hoay làm việc vặt chờ mưa. Tính ra năm nay, mưa trễ tới 2 - 3 tháng so với bình thường, lại toàn vùng chứ không phải mất mưa cục bộ như ở Vĩnh Hảo, Vĩnh Tân những năm 2012 - 2014. Vì thế, nông dân nháo nhào lên, lo tranh thủ kiếm việc làm ngắn hạn như làm công ở vườn thanh long, ở cơ sở chế biến cá cơm… và chờ mỗi trời mưa thì quay về làm lúa.

Thời gian đó, nước trong hồ Lòng Sông có nhưng huyện không cho sản xuất theo kiểu gieo vùi đón mưa. Sự giằng co ấy khiến những nông dân như anh Tài nóng ruột, nên lúc rảnh lại chạy xe ra cầu Đại Hòa xem có xả lũ không. Biết là ngớ ngẩn nhưng anh biện minh rằng biết đâu trời không mưa đồng nhưng có thể mưa nguồn. Không có dấu vết xả lũ! Lạ quá, chưa có năm nào từ khi hồ Lòng Sông được xây dựng lại không có xả lũ như năm nay. Và khi anh ra cầu Đại Hòa lần thứ 3 thì ngày hôm sau, trời gom mây mưa được một trận dài khoảng 2 giờ đồng hồ. Đó là thời điểm vào cuối tháng 9. Những ngày sau đó, là 1 - 2 cơn mưa khác, không lớn nhưng báo hiệu trời bắt đầu mưa nên huyện mới phát lệnh mở nước hồ Lòng Sông cho sản xuất vụ mùa, chậm hơn lịch sản xuất chung toàn tỉnh khoảng 1 tháng trời. Những ngày ở dưới đồng, bà con làm đất, sạ lúa vụ mùa, thì trên dãy núi Tàu sừng sững kia, hoa bằng lăng nở tím khắp, cứ như sự bùng phát do chờ đợi. Chưa bao giờ, hoa bằng lăng lại nở vào tháng 10 như thế. Khung cảnh đó chỉ thường có vào tháng 5, tháng 6 hàng năm. Cũng dễ hiểu, vì đây là loài hoa nở khi trời bắt đầu mưa và sớm tàn sau đó. Điều khó hiểu là vì sao mùa mưa này ở Tuy Phong lại chậm và hiếm mưa, rõ nhất là đến lúc này, khi bấc đã thổi được khoảng 20 ngày nhưng trời chưa đem mưa về nhiều như mọi khi? 

Tiết kiệm nước vụ mưa?

Ông Ba Được, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Long Điền 1, nơi mà vụ mùa này có đến 300 ha lúa, 50 ha thanh long, than thở theo kiểu của người già am hiểu thời tiết nơi mình sinh sống. “Thời tiết đảo lộn hết cô ơi! Ai đời đã vào đầu bấc thường là thuận mưa nhưng chỉ có cơn mưa đặc biệt 1 ngày trời vừa rồi. Nhưng lại là mưa đồng, chỉ làm mát cây cỏ, không gian. Trên nguồn chưa có mưa nên nước ở 2 hồ thủy lợi không tăng nhiều. Vụ mưa này là lần đầu, HTX phải chỉ đạo tưới tiết kiệm nước”. Tiết kiệm nước trong vụ mùa này cũng là quyết định của Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi chi nhánh Tuy Phong. Dù lạ đời, trái khoáy nhưng đó là thực tế hiện nay, vì vụ mùa này không phải như vụ mùa năm ngoái, khi mới tháng 5, nước 3 hồ Phan Dũng, Lòng Sông, Đá Bạc đã tràn bờ, phải xả lũ liên tục; do đó chuyện tưới cứ tung tẩy, vì nước vụ mưa mà. “Nếu vụ mùa này mà không tiết kiệm nước thì sẽ gây ảnh hưởng nặng nề trước mắt cho nông nghiệp, vì nguyên tắc phải ưu tiên nước cho sinh hoạt. Tính giả thiết trời không mưa nguồn, nước 2 hồ hiện còn 23 triệu khối, bình quân 1 tháng sử dụng 8 triệu khối. Một vụ mùa kéo dài 3 tháng 10 ngày thì lượng nước có được hiện tại là suýt soát” - ông Nguyễn Văn Tấn, Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi - chi nhánh Tuy Phong làm phép tính đơn giản như thế.

Và chuyện thiếu nước vào mùa mưa đâu chỉ là nỗi lo trong lĩnh vực nông nghiệp không thôi. Những người tôi gặp tình cờ ở Tuy Phong vào thời gian này hình như nói gì cũng liên quan đến nước. Không ít nhà dân đã lo sắm thùng trữ nước sinh hoạt, phòng khi bị cúp nước luân phiên, dù thời gian qua, chỉ có một số vùng ở trên cao bị thiếu nước sinh hoạt cục bộ. Rồi các trường học tưởng như không liên quan gì nhiều đến chuyện thiếu nước nhưng thực tế, phần lớn các trường trong huyện đang lúng túng, khi triển khai việc xây dựng hồ bơi ngay tại trường theo chủ trương chung của Sở Giáo dục và Đào tạo. Bởi nhà đầu tư nào cũng tính rất kỹ những trở ngại liên quan, từng chi phí cụ thể, mà hồ bơi có chi phí về nước không phải ít, khi một lần thay nước cần khoảng 250 khối nước… Và điều mà hình như ai cũng nhắc đến là lo ngại bãi tro, xỉ của Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân trong mùa bấc này, một mùa mà theo dự báo là diễn biến khó lường khi thiếu mưa, thừa nắng gió. Có người lo sợ, bi quan nhưng có nhiều người hy vọng rằng, gần đến lúc chính nguồn tro, xỉ này sẽ tạo thêm công ăn việc làm cho người dân. Vì tuần trước (16/10), Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã có cuộc họp với các bộ, ngành về xử lý vấn đề tro xỉ tại Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân. Bên cạnh những thủ tục mà các bộ ngành phải nhanh chóng giải quyết, Phó thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công Thương chỉ đạo, chủ đầu tư các Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2, Vĩnh Tân 1, Vĩnh Tân 4 khẩn trương hoàn thành xây dựng và phê duyệt đề án xử lý, tiêu thụ tro, xỉ thạch cao, báo cáo kết quả trước ngày 20/10. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án vận chuyển tro xỉ theo đường biển từ Cảng tổng hợp Vĩnh Tân. Song song đó, bộ này cũng được yêu cầu gấp rút kiểm tra, đôn đốc và xử lý nghiêm các vi phạm gây ô nhiễm, báo cáo Thủ tướng kết quả trong tháng 10/2018.

Có khi nào Tuy Phong xảy ra cảnh hạn trong mùa mưa không? Không ai trả lời điều đó, nhưng với những ai sống ở mảnh đất với khí hậu khắc nghiệt này, cứ như chạm vào tiềm thức hạn. Nhưng hạn của ngày xưa, chỉ là thiếu nước uống, không sản xuất. Còn hạn bây giờ kéo theo nhiều hệ lụy khác khiến mùa bấc này, không chỉ mỗi dân Tuy Phong lo.

Bích Nghị



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mùa bấc khô ở Tuy Phong