Theo dõi trên

Năng lượng cho tái sinh

28/07/2021, 11:19 - Lượt đọc: 54

Bài 2: Những “mảnh ghép” năng lượng xanh

BT- Giá mua điện của Chính phủ đã dự báo không còn hấp dẫn, giá thiết bị xây dựng nhà máy đang tăng trở lại nhưng việc thu hút đầu tư điện gió, điện mặt trời tại tỉnh vẫn tiếp tục, khi hiện có đến 74 dự án đề nghị bổ sung Quy hoạch điện VIII…

Điện mặt trời ở Tuy Phong (ảnh tư liệu). Ảnh: Ngọc Lân

Bắt kịp xu thế lớn

Những tháng đầu năm 2021, các ngư dân ở tỉnh có nghe về chính sách hỗ trợ, bồi thường trên biển. Đó là phương án hỗ trợ, bồi thường cho người dân trong khu vực khảo sát và triển khai dự án điện gió Thăng Long Wind (ngoài khơi mũi Kê Gà), do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì lập và đề xuất đã được Chủ tịch UBND tỉnh thống nhất tại Công văn số 478, ban hành tháng 2/2021. Cụ thể, bồi thường cội chà bị cắt tua với mức 7,5 triệu đồng/ tua chà; hỗ trợ thu nhập cho chủ tàu mức 3 triệu đồng/ngày/tàu và cả người lao động trên tàu đó mức 300.000 đồng/ngày… Tập đoàn năng lượng Enterprize Energy (EE) đến từ 3 quốc gia: Anh Quốc, Nhật Bản và Singapore, chủ đầu tư dự án Thăng Long Wind chịu mọi chi phí chi trả cho người dân theo thỏa thuận.

Điều đáng chú ý, phương án này chỉ áp dụng trong giai đoạn khảo sát dự án theo chủ trương của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 621/2019. Đến giai đoạn triển khai và thi công dự án, ngư dân sẽ được bồi thường và hỗ trợ theo phương án khác. Đây là lần đầu tiên, ngư dân tiếp cận chuyện đền bù, hỗ trợ trên biển nên trước đó, tập đoàn đã tổ chức nhiều buổi gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với ngư dân để  lấy ý kiến đóng góp cũng như thông tin về dự án. Hiện Tập đoàn EE đang tiến hành đồng loạt các hoạt động khảo sát như đo gió, khảo sát từ trên không, khảo sát địa chất đáy biển để chuẩn bị trình hồ sơ xin cấp quyết định chủ trương đầu tư và giấy phép đầu tư sau khi Quy hoạch điện VIII được phê duyệt. Theo đó, giai đoạn 1 của dự án với 600 MW sẽ phát điện vào năm 2025 và toàn bộ dự án 3.400MW vào năm 2030.

Trong khi đó, điện gió ngoài khơi La Gàn có công suất 3.500 MW của 1 tập đoàn đầu tư Đan Mạch cũng đã được triển khai các hoạt động ký kết với các đối tác suốt từ đầu năm đến nay, bất chấp dịch bệnh đang hoành hành. Như vào tháng 2/2021, công ty đã ký 4 biên bản ghi nhớ về cung cấp nền móng và các dịch vụ bến cảng. Sang tháng 5/2021 ký kết 2 hợp đồng để khảo sát và nghiên cứu địa chất tại vùng dự án ở ngoài khơi biển Tuy Phong. Rồi hôm 15/7 mới đây, lại ký kết hợp đồng khảo sát địa chấn ngoài khơi nhằm bảo đảm cho việc thiết kế cấu trúc các móng trụ ngoài khơi và cáp ngầm của dự án. Tất cả như lời của Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam phát biểu tại lễ ký kết, rằng dự án điện gió ngoài khơi La Gàn đã thể hiện sự cam kết, thái độ nghiêm túc và sự sẵn sàng đầu tư lớn cả về mặt tài chính và kỹ thuật để có thể xúc tiến dự án ngay khi nhận được giấy phép từ Chính phủ.

Sự quyết liệt lẫn mong ngóng ấy của các nhà đầu tư nước ngoài xuất phát từ lý do rất rõ là hiện tại, phát triển điện gió ngoài khơi đang là xu thế lớn của thế giới. Hơn thế, Việt Nam là 1 trong 5 nước được thế giới công nhận có nhiều tiềm năng phát triển điện gió ngoài khơi. Và vùng biển Bình Thuận vốn tập hợp nhiều thế mạnh cho phát triển điện gió hơn các nơi khác như tốc độ gió mạnh phù hợp; số giờ gió cao và ổn định; mặt bằng đáy biển ở nhiều khu vực rất thuận lợi cho xây dựng trạm biến áp ngoài khơi, các đường dây truyền tải điện ngoài khơi… đã thành trung tâm thu hút các tập đoàn có tiếng trong lĩnh vực đầu tư điện gió trên thế giới tìm đến, xây dựng những dự án có giá trị hàng chục tỷ đô la, mà chủ đầu tư 2 dự án nêu trên là ví dụ.

 Trung tâm năng lượng

Có thêm điện gió ngoài khơi sắp tới, đề án “Trung tâm năng lượng tỉnh Bình Thuận” vốn được UBND tỉnh phê duyệt, ban hành vào tháng 4/2016 bỗng trở nên đa sắc hơn, xứng tầm hơn với từ “mang tầm quốc gia”. Đây là nhấn mạnh của Bộ Chính trị tại Kết luận 76/KL-TW ngày 28/11/2013 về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ XII, nhiệm kỳ 2010-2015 và một số chủ trương phát triển tỉnh Bình Thuận đến năm 2020. Cụ thể: “Phấn đấu đến năm 2020, Bình Thuận cơ bản trở thành 1 tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, có cơ cấu kinh tế phù hợp: Công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp. Là trung tâm năng lượng, trung tâm chế biến quặng sa khoáng titan, trung tâm du lịch - thể thao biển mang tầm quốc gia”.

Nhắc đến đầu tiên là trung tâm năng lượng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Huỳnh Văn Tí nhớ lại: “Trước đó, trên cơ sở nghiên cứu những căn cứ khoa học kết hợp với điều kiện, tiềm năng của địa phương; với quan điểm biến điều bất lợi thừa nắng, thừa gió của 1 tỉnh khô hạn thành một lợi thế phát triển điện gió, điện mặt trời, cùng với các loại hình khác như thủy điện, nhiệt điện, điện khí… xây dựng tỉnh Bình Thuận trở thành Trung tâm năng lượng mang tầm quốc gia. Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XII) đề xuất ý tưởng đó và đã được Bộ Chính trị thống nhất chủ trương. Kết luận 76 được ban hành đã đáp ứng mong mỏi ấy của Bình Thuận và liền sau đó, Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 106/KH-TU ngày 31/3/2014 triển khai thực hiện kết luận, trong đó xây dựng đề án sớm hình thành Trung tâm năng lượng mang tầm quốc gia”.

Trong đề án “Trung tâm năng lượng tỉnh Bình Thuận” được UBND tỉnh phê duyệt vào tháng 4/2016 tại Quyết định số 1061 có mục tiêu là giữ vai trò chủ đạo trong việc cung cấp năng lượng điện ổn định cho khu vực, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng cho toàn quốc với việc phát triển đa dạng các nguồn năng lượng, chú ý điện gió, điện mặt trời. Đề án này cùng với Quy hoạch phát triển điện gió, điện mặt trời giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn 2030 của Bình Thuận đã được Bộ Công Thương phê duyệt năm 2012 như là sự chuẩn bị trước để đón đầu từng làn sóng đầu tư…

 Hình thành nhanh

Làn sóng đầu tiên là điện mặt trời. Khi Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành với nội dung các dự án điện mặt trời vận hành, hòa lưới điện từ ngày 1/6/2017 đến 30/6/2019 sẽ được EVN mua với giá ưu đãi 9,35 cent/kWh, trong vòng 20 năm thì các nhà đầu tư bắt đầu đổ về Bình Thuận lập dự án hầu như kín hết các vùng đất vốn xưa nay xếp vào loại hoang hóa, giá trị sản xuất không cao. Khi đến mốc 30/6/2019, toàn tỉnh có 20 dự án với hơn 763 MW hòa lưới quốc gia. Bên cạnh đó còn chục dự án khác đang dừng ở từng giai đoạn khác nhau. Tiếp đến là chính sách khuyến khích đầu tư điện gió theo Quyết định 39/2018/QĐ-TTg, áp dụng với các nhà máy phát điện lên lưới quốc gia đến ngày 31/10/2021 cũng góp phần đưa số dự án điện gió ở Bình Thuận lên hơn 20 dự án và nếu không có trở ngại thì sau tháng 10 tới có thêm khoảng 200MW hòa lưới. Cùng với Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân, các nhà máy điện gió, điện mặt trời hòa lưới quốc gia đã góp phần đưa Bình Thuận đến thời điểm này trở thành tỉnh phát triển mạnh mẽ về công nghiệp năng lượng, từng bước trở thành trung tâm năng lượng lớn của cả nước với công suất khoảng 7.000MW. Đồng thời, chính chúng như những mảnh ghép lớn dần sắc xanh trong bức tranh năng lượng tại tỉnh, khi nhiệt điện than, thủy điện sẽ dần thu hẹp, vì trở ngại nguyên liệu.

Tuy nhiên, sự xuất hiện dồn dập của các dự án trên đã kéo theo tình trạng quá tải hệ thống truyền tải, nổi bật nhất là tại Tuy Phong khiến phải cắt giảm lượng lớn điện sạch mà khi phân tích lý do, EVN cho rằng việc đầu tư đường dây đã không theo kịp. Cộng thêm trong bối cảnh giá mua điện của Chính phủ sắp tới đã dự báo không còn hấp dẫn, giá thiết bị xây dựng nhà máy đang tăng trở lại, thế nhưng việc thu hút đầu tư điện gió, điện mặt trời tại tỉnh vẫn tiếp tục. Bằng chứng, tháng 2/2021, UBND tỉnh có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương bổ sung vào Quy hoạch điện VIII đến 74 dự án. Vì sao?

Bích Nghị



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Năng lượng cho tái sinh