Theo dõi trên

Ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào Bình Thuận: Triển khai kế hoạch ứng phó khẩn cấp

05/03/2019, 09:02

BT- Trước tình hình dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đang diễn biến phức tạp, lây lan nhanh tại 7 tỉnh đồng bằng sông Hồng, Bình Thuận đã và đang gấp rút triển khai các biện pháp cấp bách để ứng phó… 

Kiểm soát vận chuyển, mua bán lợn

Tại hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành trong cả nước vào sáng 4/3, Bộ trưởng Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, đến thời điểm này, DTLCP đã xảy ra tại 202 hộ, 64 thôn, 33 xã, 14 huyện của 7 tỉnh, thành phố, khu vực đồng bằng sông Hồng. Tổng số lợn bị mắc bệnh và tiêu hủy 4.231 con, với tổng trọng lượng tiêu hủy hơn 297 tấn. Riêng tại tỉnh Bình Thuận, đến thời điểm này dù chưa xuất hiện ổ dịch, nhưng lại là tỉnh giáp ranh với tỉnh Đồng Nai - thủ phủ chăn nuôi, chế biến lợn ở phía Nam. Đồng thời là địa bàn có nhiều khách du lịch và phương tiện vận chuyển hàng hóa từ các nước, các vùng đang có dịch bệnh. Đây là mối nguy cơ tiềm ẩn làm xuất hiện bệnh DTLCP tại tỉnh.

 Do đó, ngay sau cuộc họp trực tuyến với Chính phủ sáng 4/3, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Tuấn Phong đã chỉ đạo các sở ngành, địa phương cần thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ nghiêm túc, quyết liệt, không được chủ quan. Các địa phương cần phòng ngừa ngay từ đầu để tránh lây lan. Ông Lê Tuấn Phong cho biết, UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương tuyên truyền ngay đến các xã, phường, thôn, khu phố, cơ sở chăn nuôi về tình hình và cách ngăn chặn dịch bệnh. Kiểm soát chặt chẽ vấn đề vận chuyển, mua bán lợn và các sản phẩm từ lợn. Ở cấp huyện, cần thành lập các tổ công tác, thực hiện hướng dẫn người chăn nuôi vệ sinh phòng bệnh. Các huyện giáp ranh các tỉnh bạn gồm Đức Linh, Hàm Tân và Tuy Phong sẽ có 3 chốt kiểm soát tạm thời, thành lập đường dây nóng… 

Sẵn sàng ứng phó

Song song những chỉ đạo quyết liệt, kịp thời, UBND tỉnh đã xây dựng kế hoạch hành động cụ thể. Theo đó, khi chưa phát hiện bệnh, tổ chức kiểm soát, giám sát các phương tiện giao thông đường bộ, đường thủy, khách du lịch từ các nước đã và đang có dịch bệnh mang thịt lợn, kể cả các sản phẩm thịt lợn đã qua chế biến vào tỉnh. Tăng cường chỉ đạo chăn nuôi an toàn sinh học, thực hành chăn nuôi tốt, xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh. Định kỳ tổ chức vệ sinh, khử trùng, tiêu độc tại các khu vực chăn nuôi, các chợ, điểm buôn bán, giết mổ lợn và các sản phẩm của lợn bằng vôi bột hoặc hóa chất. Hàng ngày thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc sau mỗi buổi họp chợ, mỗi ca giết mổ lợn. Hướng dẫn người chăn nuôi, thú y cơ sở tăng cường theo dõi, giám sát đàn lợn, nếu phát hiện lợn bệnh, nghi mắc bệnh DTLCP, lợn chết không rõ nguyên nhân hoặc lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, không rõ nguồn gốc thì cần lấy mẫu (trước khi xử lý tiêu hủy theo quy định của pháp luật) để chẩn đoán, xét nghiệm… Ngược lại, khi phát hiện ổ dịch DTLCP tại Bình Thuận, Ban Chỉ đạo phòng chống bệnh DTLCP của tỉnh sẽ trực tiếp đến ngay các địa phương có dịch, có nguy cơ bị dịch bệnh để kiểm tra, đôn đốc và tổ chức các biện pháp chống dịch…

    
    Bình Thuận hiện có   294.014 con lợn, bao gồm lợn thịt và lợn nái (không tính lợn sữa). Trong   đó, tập trung nhiều ở Hàm Thuận Bắc 24.590 con, Tánh Linh 43.521 con,   Đức Linh 80.000 con và Hàm Tân 82.476 con…

KiỀu HẰng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào Bình Thuận: Triển khai kế hoạch ứng phó khẩn cấp