Theo dõi trên

Ngành công nghiệp và dịch vụ mũi nhọn: Cơ cấu lại để tập trung phát triển

29/11/2017, 09:48

BT- Việc cơ cấu lại các ngành công nghiệp có lợi thế và dịch vụ mũi nhọn của Bình Thuận đang được địa phương tiếp tục triển khai để tập trung nguồn lực phát triển xứng tầm.

Ngay trong năm 2017, vấn đề này đã được UBND tỉnh cụ thể hóa bằng việc phê duyệt kế hoạch hành động thực hiện đề án tái cơ cấu ngành công thương phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn Bình Thuận. Còn đối với “ngành công nghiệp không khói” là tập trung triển khai kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị (khóa XII) về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Nghị quyết số 09 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIII) về phát triển du lịch đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030…

                
      
   Ngày càng có nhiều sản phẩm được chế biến    từ nguyên liệu trái thanh long tươi của Bình Thuận.

Trên lĩnh vực công nghiệp, địa phương xác định sẽ tạo điều kiện và đôn đốc nhà đầu tư triển khai các dự án sản xuất điện, qua đó sớm hình thành trung tâm năng lượng mang tầm quốc gia. Ngoài Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân (gồm 5 nhà máy nhiệt điện), hiện Bình Thuận đã trình Bộ Công Thương thẩm định, bổ sung hàng chục dự án điện gió và điện mặt trời vào quy hoạch phát triển điện lực tỉnh. Riêng từ đầu năm 2017 đến nay, trên địa bàn tỉnh tiếp tục có thêm 13 dự án sản xuất năng lượng sạch được chấp thuận chủ trương đầu tư, gồm 6 dự án điện mặt trời và 7 dự án điện gió… Đối với ngành công nghiệp chế biến sâu quặng sa khoáng titan, Bình Thuận cũng chuẩn bị các điều kiện hướng tới hình thành 2 khu vực chế biến có quy mô lớn tại Khu công nghiệp Sông Bình (300 ha), Cụm công nghiệp Thắng Hải (1 và 2 có tổng diện tích 90 ha). Cuối tháng 11/2017 tại Khu công nghiệp Sông Bình thuộc huyện Bắc Bình, dự án Nhà máy nghiền zircon siêu mịn đã được chủ đầu tư khởi công để hướng tới đưa Bình Thuận trở thành trung tâm chế biến sâu titan đứng đầu cả nước. Trước đó theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, địa phương còn có một số dự án được cơ quan thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư là Nhà máy luyện xỉ titan (xã Tân Xuân, huyện Hàm Tân), Nhà máy sản xuất bột màu Đoxit titan (xã Tân Phước, thị xã La Gi), Nhà máy sản xuất xỉ titan (xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình).

Trong ngành công nghiệp của Bình Thuận thì chế biến nông - lâm - thủy sản vẫn được chú trọng thu hút đầu tư, nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế nông lâm thủy sản. Như trong tháng 4 năm nay, dự án xây dựng Khu phức hợp nông nghiệp công nghệ cao chăn nuôi bò và chế biến các sản phẩm từ sữa với tổng vốn đầu tư 3.000 tỷ đồng đã khởi công tại huyện Bắc Bình. Còn thời gian tới, địa phương sẽ tập trung phát triển công nghệ bảo quản sau thu hoạch, đồng thời ưu tiên đẩy mạnh những sản phẩm lợi thế theo hướng giảm dần sản phẩm sơ chế, tăng sản phẩm có hàm lượng khoa học công nghệ và giá trị gia tăng cao trong chế biến nông - lâm - thủy sản. Thêm nữa là tiếp tục kêu gọi những dự án quy mô nhằm phát triển ngành may mặc, giày dép lẫn công nghiệp phụ trợ ngành dệt may, da giày có thể tham gia xuất khẩu mang về hàng trăm triệu USD mỗi năm.

Gần đây, du lịch được tỉnh xác định là ngành kinh tế mũi nhọn và đang nỗ lực triển khai thực hiện đề án “Xây dựng Bình Thuận trở thành trung tâm du lịch - thể thao biển mang tầm quốc gia”. Do vậy địa phương luôn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực này nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng sản phẩm du lịch để góp phần giữ vững thương hiệu, hình ảnh điểm đến an toàn - thân thiện - chất lượng. Mặt khác còn đẩy mạnh các ngành dịch vụ có lợi thế và giá trị gia tăng cao như viễn thông, công nghệ thông tin, bảo hiểm, ngân hàng, tài chính, các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Hướng đến tương lai, mới đây địa phương cũng tính tới việc đề xuất mở rộng Sân bay Phan Thiết một khi lưu lượng hành khách (nhất là khách du lịch nước ngoài), hàng hóa vận chuyển bằng hàng không đến Bình Thuận tăng lên. Với diện tích quỹ đất dự kiến mở rộng thêm hơn 400 ha để bổ sung thêm 1 đường cất hạ cánh dài 3.800m, kéo dài đường cất hạ cánh đã quy hoạch đầu tư từ 3.050m lên thành 3.800m, thì khi đó Sân bay Phan Thiết có thể khai thác hầu hết các loại máy bay tương đương với Sân bay Tân Sơn Nhất hay Sân bay Nội Bài…

QUỐC TÍN



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ngành công nghiệp và dịch vụ mũi nhọn: Cơ cấu lại để tập trung phát triển