Theo dõi trên

Người Bình Thuận… ăn thanh long Bình Thuận

24/08/2020, 08:33 - Lượt đọc: 90

BT- Để “giải phóng” số lượng lớn thanh long sau thu hoạch trong vụ mùa đang mất giá, các nhà vườn đã có nhiều cách tiêu thụ khác nhau để tránh lãng phí.

Thời điểm này, nông dân trồng thanh long trong tỉnh đang vào dịp thu hoạch rộ hàng mùa. Sản lượng nhiều, lượng trái bị ảnh hưởng do nấm bệnh khá lớn nên giá bán những ngày qua chỉ khoảng từ 1.000 - 5.000 đồng/kg (tùy loại), nhưng không dễ bán trong thời điểm thị trường tiêu thụ bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Thị trường tiêu thụ thanh long bị rơi vào thế “cung vượt cầu”, khiến sản lượng trái tại vườn tồn đọng. Chính vì vậy, làm thế nào để “giải phóng” lượng lớn thanh long đã chín rộ trên cành được nhiều hộ nông dân tính toán, tránh tình trạng chặt bỏ trái.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, những ngày qua, các khu chợ trên địa bàn TP. Phan Thiết có thêm sự xuất hiện của các điểm bán thanh long nhỏ lẻ. Thanh long ngoài việc trưng bày nhiều hơn tại các sạp hàng trái cây của tiểu thương, còn có sự xuất hiện của những nông dân chính hiệu, chở từng ky nhựa đựng thanh long bằng xe máy, từ các vùng lân cận đến chợ bán. Có mặt tại một góc chợ Phú Thủy (Phan Thiết), chị Lê Thị Liên (xã Hồng Sơn, Hàm Thuận Bắc) đon đả mời khách mua thanh long ruột trắng với giá chỉ 10.000 đồng/3 kg. Chỉ trong vài tiếng đồng hồ, mấy chục ký thanh long vừa thu hoạch của gia đình đã được những người nội trợ trên địa bàn Phan Thiết mua hết. Chị Liên chia sẻ, đây là thanh long vườn nhà, trồng tại xã Hồng Sơn (Hàm Thuận Bắc). Lứa hàng này do giá bán quá rẻ, cộng với trái bị nấm bệnh nên không ai mua. Xót của, nên hàng ngày gia đình thu hoạch, chở vào Phan Thiết bán giá để gỡ lại ít vốn.

Còn chị Nguyễn Thị Mỹ ở Hàm Thuận Nam lại có cách tiêu thụ khác hơn. Sau khi thu hoạch thanh long hàng mùa, chị đóng hàng trong bịch ni-lon khoảng 14 - 15 kg với giá 100.000 đồng, rồi đăng bán công khai trên các trang mạng xã hội, giao hàng tận nhà. Thậm chí, có những khách ở tỉnh khác có nhu cầu mua sẽ được vận chuyển giao hàng qua xe khách.

Một số hộ khác không có ý định bán lẻ, hết thời gian neo cành, thì cắt thanh long để biếu tặng bạn bè, anh em với lời “quảng cáo” đi kèm: “Hàng mùa không xịt thuốc, ngọt lịm”… Cùng với đó, chủ vườn tranh thủ tỉa cành, vệ sinh vườn để dưỡng cây, hạn chế sâu bệnh trong mùa mưa.

Riêng đối với người dân Bình Thuận nói chung và TP. Phan Thiết nói riêng không trồng thanh long, đây là dịp để mỗi gia đình có cơ hội thưởng thức nông sản do chính địa phương mình làm ra với chuẩn ngon, bổ, rẻ. Một số gia đình mua hoặc được tặng nhiều không ăn kịp, sẽ chế biến theo cách truyền thống, đơn giản và hiệu quả của nhà nông, đó là lột vỏ, cho vào ngăn đá vài ngày, sau đó đưa lên ngăn mát để lọc lấy nước để giải khát. Đây là loại nước thanh long nguyên chất, rất tốt cho sức khỏe. Đặc biệt, theo cảm nhận của nhiều người, khi thưởng thức thanh long hàng mùa chín trên cành, dù mẫu mã không đẹp mắt và có đốm nâu ngoài vỏ (do không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật) nhưng không hề ảnh hưởng đến chất lượng trái. Ngược lại, do chín muồi tự nhiên, nên trái thanh long có vị ngọt thanh, rất ngon miệng. Rõ ràng, trong bối cảnh thị trường xuất khẩu và tiêu thụ nội địa trong nước đang gặp khó khăn, thì người dân Bình Thuận ăn thanh long Bình Thuận cũng là một “kênh” tiêu thụ hàng hóa rất tốt.

Dù ít, dù nhiều, nhưng trong thời điểm khó khăn chung, ảnh hưởng của dịch  Covid-19 thì “cái khó ló cái khôn” sẽ giúp nông dân tự tìm cách bươn chải, vượt qua thách thức, trước điệp khúc “được mùa mất giá” của thanh long cứ lặp đi lặp lại như hiện nay.

Đến thời điểm này, Bình Thuận có trên 30.000 ha thanh long, trong đó khoảng 40% đang cho thu hoạch vụ mùa. Những năm qua, thực trạng về sự mất cân đối về tỷ trọng thanh long xuất khẩu sang các thị trường dễ biến thanh long Việt Nam nói chung và thanh long Bình Thuận nói riêng luôn trong thế bị động trong xuất khẩu, dễ bị ép giá. Chính vì vậy, đã đến lúc các đơn vị quản lý Nhà nước, doanh nghiệp và người trồng thanh long cần định vị lại vị trí, vai trò, tái cấu trúc các thị trường. Song song, xây dựng vùng nguyên liệu, đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật của thị trường. Quan trọng nhất là đảm bảo chất lượng hàng hóa, đáp ứng tiêu chuẩn đặt ra của nơi nhập khẩu và phát triển thương hiệu. Đó là điều kiện tối thiểu để tạo nên sức cạnh tranh cho thanh long Bình Thuận.

K.Hằng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp vững mạnh từ “gốc”
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ Bình Thuận luôn quan tâm công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, xem đây là khâu “then chốt” của nhiệm vụ “then chốt”.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Người Bình Thuận… ăn thanh long Bình Thuận