Theo dõi trên

Người nuôi heo đã được cơ cấu lại thời hạn trả nợ

07/07/2017, 08:18

BT - Thực hiện tinh thần Công văn 3091, các tổ chức tín dụng tại địa bàn tỉnh đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho các cá nhân, hộ gia đình chăn nuôi heo là 2,4 tỷ đồng, trong đó vì lý do khó khăn trong tiêu thụ là 1,842 tỷ đồng

Dù đã được xã hội chung tay giải cứu giá heo qua việc hình thành các quầy thịt heo bình ổn giá, qua ủng hộ ăn thịt heo nhiều hơn nhưng nhìn chung người chăn nuôi heo trong tỉnh bị thiệt hại không nhỏ trong thời gian qua. Chuyện heo không tiêu thụ được, bà con trong thôn xóm mổ heo ăn quần công, rồi cũng xong. Quyết định không nuôi heo nữa, chuyển sang làm việc khác rồi cũng xong. Nhưng điều đáng lo trước mắt là tiền đâu để trả nợ các tổ chức tín dụng, trong khi tiền lãi nảy sinh từng ngày. Điều đáng ngại hầu như hộ nghèo nào cũng vay tiền Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Bình Thuận để nuôi dăm ba con heo, bằng chứng dư nợ tại đơn vị này lên hơn 30 tỷ đồng nên tình hình khó tiêu thụ trên càng đẩy hộ nghèo rơi vào cảnh nghèo hơn.

         
   

   

   Ảnh    minh hoa.

Trong thời cao điểm thịt heo ế ẩm ấy, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Bình Thuận đã phổ biến Công văn số 3091/NHNN –TD ngày 28/4/2017 về việc tháo gỡ khó khăn cho ngành chăn nuôi heo của Ngân hàng Nhà nước đến các tổ chức tín dụng trong tỉnh giúp tình hình “khó thở” trên dễ chịu hơn. Theo công văn này, các TCTD căn cứ khả năng tài chính và các quy định của pháp luật hiện hành để thực hiện các giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay chăn nuôi heo, sản xuất thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y. Cụ thể, trước tiên cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho phù hợp với khả năng trả nợ của khách hàng; đồng thời, cho vay mới để phục hồi sản xuất kinh doanh đối với khách hàng có dự án, phương án sản xuất kinh doanh khả thi. Bên cạnh đó, có thể miễn giảm lãi vay, lãi quá hạn, ưu tiên thu nợ gốc trước thu lãi sau...

Thống kê của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Bình Thuận cho thấy, ngoài dư nợ chung cho vay chăn nuôi heo của các chi nhánh ngân hàng, dư nợ tương tự thể hiện tại các quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) trên từng địa bàn cho thấy vùng Đức Linh là nơi có dư nợ chăn nuôi heo cao nhất tỉnh. Cụ thể, tại QTDND Đức Tài có dư nợ hơn 4,8 tỷ đồng, QTDND Vũ Hòa 4,3 tỷ đồng, QTDND Đa Kai gần 2,7 tỷ đồng, QTDND Sùng Nhơn gần 2,2 tỷ đồng. Bên cạnh đó, ở các huyện, thị khác cũng có dư nợ nhưng không cao, phần lớn dừng ở dưới 1 tỷ đồng, riêng QTDND Tân Xuân hơn 1,8 tỷ đồng, QTDND La Gi hơn 1 tỷ đồng. Tính chung, dư nợ cho vay chăn nuôi heo trên địa bàn tỉnh đến ngày 20/4/2017 là 638,8 tỷ đồng, chủ yếu là cho cá nhân và hộ gia đình vay. Điều đáng nói, khoảng 80% của dư nợ nằm ở khoản vay ngắn hạn, khoản vay dài hạn chỉ chiếm 141,7 tỷ đồng/638,8 tỷ đồng và thời điểm này, nợ xấu đang ở 2,615 tỷ đồng. Thực hiện tinh thần Công văn 3091, các tổ chức tín dụng tại địa bàn tỉnh đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho các cá nhân, hộ gia đình chăn nuôi heo là 2,4 tỷ đồng, trong đó vì lý do khó khăn trong tiêu thụ là 1,842 tỷ đồng.

Việc thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành chăn nuôi còn đang tiếp tục. Sẽ có nhiều cá nhân, hộ gia đình chăn nuôi heo khác nữa trong tổng số 9.876 khách hàng đang còn dư nợ tại ngân hàng được giúp đỡ. Thực tế cho thấy cái chính vẫn là sự quyết định của chính người chăn nuôi, chứ mọi động thái giúp đỡ đều chỉ mang tính tạm thời, lúc ngặt nghèo.

Hảo Chi



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Người nuôi heo đã được cơ cấu lại thời hạn trả nợ