Theo dõi trên

Người “truyền lửa” cho nông dân thu tiền tỷ

27/05/2020, 08:50

Kỳ 1: Hành trình cây nếp

 BT- Dù quản lý hàng ngàn hộ dân trồng nếp mới, mỗi vụ giao dịch hàng trăm tỷ đồng, nhưng anh vẫn bình dân và chân chất như nông dân. Chính điểm này của anh đã tạo được lòng tin và truyền cảm hứng đến nhiều người...

                
      Anh Nghĩa kiểm tra chất lượng nếp tại ruộng.

 Cây nếp về Đức Linh...

Năm 2016, cánh đồng Đức Chính (nay thuộc xã Nam Chính), khởi đầu cho ý tưởng thử nghiệm trồng giống nếp IR4625 của HTX Nông nghiệp Công Thành Đức Linh nhập từ Trại giống tỉnh Long An. Vụ đông xuân 2016, 8 thành viên trồng 20 ha, giống nếp gieo xuống ruộng, không chỉ người trồng mà nông dân trong vùng theo dõi từng ngày để xem cây nếp phát triển thế nào, vì mô hình quá mới. 110 ngày sau, khi chiếc máy gặt liên hợp vừa cắt những bông nếp đầu tiên, thì đã có hàng trăm nông dân đến xem, ai cũng tò mò vì giống nếp mới liệu có khả thi hơn làm lúa bình thường.

Đó là câu hỏi giải thích vì sao không cần hội thảo, không tổ chức tuyên truyền nhưng nông dân vẫn tập trung “đông như hội” để xem gặt nếp. Ha nếp  đầu tiên thu 8 tấn, ha thứ 2 thu 8,5 tấn... kết quả 20 ha năng suất bình quân 8,3 tấn/ha, giá bán nếp tại ruộng cao hơn lúa dân làm từ 500.000  - 700.000 đồng/tấn. Thành công từ 20 ha nếp trên cánh đồng Đức Chính đã tạo nên những “âm hưởng” tốt cho HTX Nông nghiệp Công Thành Đức Linh. Bởi đây là tâm huyết của đôi vợ chồng trẻ Nguyễn Trọng Nghĩa và Đặng Thị Mỹ Duyên.

Nói về Nghĩa, anh sinh năm 1984, dân Nam Chính nòi, từ nhỏ đã gắn bó với đồng ruộng quê hương, nên hơn ai hết anh hiểu những cơ cực của người làm lúa. Lúa làm 3 vụ nhưng thường chỉ “ăn trọn vẹn” được vụ đông xuân, bởi 2 vụ hè thu và vụ mùa thường hay bị ảnh hưởng thời tiết, nhất là bão, lụt nên lúa phải gieo đi gieo lại nhiều lần, hoặc khi gần thu hoạch thì gặp mưa bão làm gãy ngã lúa. Thậm chí khi đang gặt gặp mưa lớn nên hạt lúa giảm chất lượng là sẽ bị tư thương ép giá đến không còn lãi...

Sống với cây lúa từ nhỏ, khi lấy chị Duyên - vợ anh cũng là dân sống trong vùng lúa xuất khẩu ở Long An, chị học quản trị kinh doanh  nên cũng muốn “làm cái gì đó về cây lúa ở nơi mình làm dâu”. Cả 2 vợ chồng có những suy nghĩ, cảm nhận khá tương đồng về... cây lúa. Nói vậy để biết qua những bàn bạc, trao đổi với nhau, 2 vợ chồng anh quyết định làm điều mới mẻ ngay trên cánh đồng mình sinh sống bao năm nay. Và đó là việc đem giống nếp IR4625 từ Trại giống Long An về thử nghiệm và bước đầu đã cho những bông nếp nặng trĩu ươm vàng...

Cao khoảng 1m75, người to khỏe, khuôn mặt góc cạnh, mũi cao, trán rộng, đôi mắt sáng và nước da ngăm đen, như toát lên nét “chịu cày” cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng về cách dám nghĩ dám làm của Nghĩa. Anh không chỉ nghĩ riêng cho mình mà còn ước muốn bà con nông dân ở quê làm sao bớt vất vả và làm được những hạt lúa, hạt nếp xuất khẩu có giá trị như dân làm lúa ở miền Tây. Và ước muốn ấy đang thành hiện thực từ giống nếp IR4625 đang được gieo từ đồng ruộng Đức Chính, Nam Chính... Khi 20 ha nếp vừa gặt xong, nhiều nông dân đi xem gặt thấy được tiềm năng hạt nếp đã đăng ký “tươi” với Nghĩa đặt giống cho vụ tới. Nghĩa kể: Không chỉ vài chục hộ, mà năm 2017 có đến 500 hộ nông dân đặt giống để làm trên 400 ha ở các cánh đồng Nam Chính, Đức Tài. Năm 2018 là 750 ha với  900 hộ làm thêm cánh đồng Sùng Nhơn, Mê Pu. Năm 2019 tăng lên 2.500 hộ làm 1.800 ha. Vụ đông xuân 2020 không chỉ nông dân Đức Linh làm mà nông dân ở Tánh Linh cũng tham gia  làm 2.200 ha với trên 3.000 nông dân. Vì sao diện tích làm nếp tăng và nông dân tham gia làm ngày càng đông?

 Thu lãi hàng ngàn USD từ nếp

Anh Đặng Văn Bình (42 tuổi), quê ở Ba Tri, Bến Tre ra định cư  ở xã Nam Chính năm 2009. Anh kể: “Tôi là nông dân chính hiệu, vì làm lúa từ nhỏ nên khi nghe anh Nghĩa thành lập HTX, tôi đăng ký tham gia ngay. Tôi tự hào vì là 1 trong 8 thành viên đầu tiên của HTX Nông nghiệp Công Thành Đức Linh. Năm 2016, tôi làm 6 ha nếp IR4625 lợi nhuận cao hơn làm lúa thường, vì nếp được mua với giá cao hơn, dù các công đoạn sản xuất như lúa, hơn nữa nếp được ký hợp đồng bao tiêu nên nông dân rất yên tâm...”.

Cách đây vài ngày khi tôi về cánh đồng lớn Đức Tài vừa đúng lúc anh Bình thu hoạch xong 12 ha nếp vụ đông xuân. Ngồi nhâm nhi cùng anh ly trà nóng trong căn nhà cấp 4, được làm ngay trên ruộng của mình, nghe anh kể chuyện đời, chuyện làm lúa với giọng miền Tây đặc sệt trong niềm vui vì thắng lớn, khi chuyển từ làm lúa thường sang làm nếp. Theo anh Bình, vụ đông xuân 2020 anh làm 12 ha nếp, năng suất đạt 8,5 tấn/ha, giá bán 6,3 triệu đồng/tấn. Tổng thu gần 700 triệu đồng, trừ chi phí anh còn lãi gần 400 triệu đồng, dù lúc bán thời điểm giá không cao... Anh cười sảng khoái: “Làm 12 ha nếp 3 vụ/năm doanh thu khoảng hơn 1,2 tỷ đồng, lời nhẹ gần 600 triệu đồng là quá đạt rồi, mong gì hơn nữa…”. Tôi đang mắt tròn mắt dẹt nhìn anh khi anh công bố lợi nhuận thì anh lại nhìn tôi nói: “Ở Đức Linh, nhiều người làm nếp còn lãi hơn tôi chứ, anh ngạc nhiên làm gì...”. Nghe tới đây tôi chỉ biết cười trừ...

Tôi hỏi: Anh đúc kết được gì khi làm nếp?

Không đắn đo suy nghĩ, anh Bình trả lời ngắn gọn. Thứ nhất, làm nếp đầu tiên có lợi thế là được HTX Nông nghiệp Công Thành Đức Linh cung cấp giống nếp đảm bảo chất lượng, được ứng trước giống, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, được hướng dẫn quy trình sản xuất chất lượng cao để nếp xuất khẩu. Thứ hai là bao tiêu sản phẩm, đây là yếu tố “sống còn” với nông dân vì làm lúa rất phụ thuộc vào tư thương, hầu như “điệp khúc” được mùa mất giá luôn xảy ra, nông dân luôn bị ép. Thứ ba là giá nếp luôn cao hơn giá lúa, đặc biệt với HTX Nông nghiệp Công Thành Đức Linh là công khai giá mua cạnh tranh nên nông dân hưởng lợi “kép”...

Trên những cánh đồng Đức Tài, Nam Chính, Võ Xu, Mê Pu còn nhiều người làm nếp thu lãi vài trăm triệu đồng/năm nhưng ít ai biết, kể cả anh Nghĩa - Giám đốc HTX Nông nghiệp Công Thành Đức Linh khi ngồi nói chuyện với tôi, anh cũng không nhớ nổi. Anh tâm sự: Có nhiều người làm đạt như anh Bình lắm nhưng nói đến thu nhập ai cũng ngại. Trên đường từ ruộng anh Bình trở về, tôi và anh Nghĩa gặp anh Đặng Hùng Hải. Anh Hải ở thôn 7, Nam Chính, là thành viên HTX và làm nếp từ năm 2016. Anh Nghĩa hỏi Hải: Vụ này lời bao nhiêu bạn? Hơn 150 triệu đồng chứ mấy! Lại khiêm tốn quá rồi, Nghĩa thắc mắc:  5 ha của bạn nếp đạt trên 8,5 tấn/ha mà sao nói lời có chừng đó? Tại tui bán khi nếp giá 6,2 triệu đồng/tấn nên mới lời ít hơn người khác - Hải trả lời. Vậy tổng kết 3 vụ năm nay bạn lời bao nhiêu? Khoảng 300 triệu đồng... Bên cạnh anh Bình, anh Hải ở Đức Tài, Nam Chính có thu lãi khủng từ làm nếp thì về cánh đồng Võ Xu, Mê Pu còn có ông Sáu, ông Thiện cũng có thu nhập “một chín, một mười” như anh Bình, nhưng không ai nói vì... ngại. “Mình làm chưa bằng ai nên hẹn năm tới làm nhiều hơn, lợi nhuận cao hơn rồi nói nhe”... ông Sáu ở Võ Xu tế nhị trả lời.                  

Phóng sự: Trần Thi

Kỳ 2: Hương nếp vươn xa...



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Sức lan tỏa từ phong trào thi đua “Dân vận khéo”
Thực hiện lời dạy của Bác: “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp đã có nhiều đổi mới trong công tác dân vận ở cơ sở. Từ đó, xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo trên các lĩnh vực, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của tỉnh.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Người “truyền lửa” cho nông dân thu tiền tỷ