Theo dõi trên

Người “truyền lửa” cho nông dân thu tiền tỷ

28/05/2020, 09:43

Kỳ 2: Hương nếp vươn xa...

BT- Hạt nếp gieo trồng ở Đức Linh có hương thơm quyến rũ nông dân đến lạ. Mà nói vậy vẫn chưa đủ bởi những ngày tôi theo chân Nghĩa ra đồng tham quan lúc nếp chín, đã nghe được mùi thơm ngào ngạt từ những đám ruộng nếp trĩu bông vàng rực, hương nếp chín dìu dịu lan tỏa không chỉ trên cánh đồng, mà còn theo gió bay về làng quê đang xây dựng nông thôn mới Nam Chính.

                
      
         Nếp HTX Nông nghiệp Công Thành Đức Linh tham gia Hội chợ Thương mại    Bình Thuận.

Đặc trưng nếp Đức Linh

Và đến nay, hương nếp đã lan sang huyện Tánh Linh khi nông dân các xã Huy Khiêm, Bắc Ruộng, Gia An, Đồng Kho, Lạc Tánh “bắt mùi” được hương nếp... nên đăng ký với Nghĩa để làm. Cụ thể: Huy Khiêm làm 10 ha, Nghị Đức 50 ha, Bắc Ruộng 50 ha, Gia An 150 ha và Lạc Tánh 450 ha. Chưa dừng lại ở huyện lân cận Tánh Linh, hương nếp còn đang “bay xa” ra Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình và ra đến đồng ruộng An Xuân (Ninh Thuận)... Trong các buổi gặp với người làm nếp, bà con nói vui: “Không chỉ nông dân chúng tôi ghiền hương nếp vì lợi nhuận mà người dân các nước thích ăn nếp cũng nghiện nếp của HTX Nông nghiệp Công Thành Đức Linh, nên nếp mình làm ra luôn được ưa chuộng và cháy hàng...”. Cái lý này nghe ra cũng hay, khi tôi hỏi Nghĩa vì sao nếp làm ở Bình Thuận luôn khan hàng. Nghĩa thật thà trả lời: Mình chỉ nghe cô Út Hạnh - Giám đốc Công ty TNHH MTV Công Thành Út Hạnh ở Long An, chuyên xuất khẩu gạo, nếp cho hay là nếp vùng mình ăn ngon hơn các vùng khác, có mùi thơm hơn nên khi xuất khẩu khách hàng yêu cầu hạt nếp mình nhiều hơn...”. Có lẽ hạt nếp vùng Bình Thuận nhờ thời tiết tốt và thổ nhưỡng phù hợp nên tạo ra chất lượng hạt nếp tốt hơn các vùng khác chăng?

Đem thắc mắc này lần nữa tôi hỏi chị Út Hạnh, chị không trả lời vội mà thông báo tin vui là trong đại dịch Covid - 19, hồi tháng 4, Bộ Công Thương chỉ cấp phép cho 42 công ty trong nước được xuất khẩu gạo, nếp trong đó có Công ty Út Hạnh mà Út Hạnh mua toàn bộ nếp từ HTX Nông nghiệp Công Thành Đức Linh nên câu trả lời rất rõ ràng là nếp từ “lò” sản xuất này đạt hơn nhiều vùng khác... Ở HTX Nông nghiệp Công Thành Đức Linh, hiện nay cung ứng 3 loại giống nếp là OM84, IR4625 (Long An) và giống 97 (Hà Nội). 3 loại nếp đáp ứng được tiêu chuẩn xuất khẩu nhưng theo anh Nghĩa, giống nếp IR4625 vẫn được ưa chuộng và được nông dân sản xuất đại trà hơn. HTX Nông nghiệp Công Thành Đức Linh đang là đơn vị chủ lực với quy trình khép kín từ cung cấp giống, tạm ứng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (nếu nông dân cần), có kỹ sư hướng dẫn quy trình sản xuất và cuối cùng là bao tiêu sản phẩm tại chân ruộng. Sau đó xuất bán cho Công ty TNHH MTV Công Thành Út Hạnh ở Long An, để xay xát, đóng gói và xuất khẩu sang các nước trong khu vực như Hàn Quốc, Indonesia, Malaysia... Trong cuộc trò chuyện với chị Út Hạnh, dù dành nhiều lời khen về hạt nếp của HTX Nông nghiệp Công Thành Đức Linh, nhưng chị vẫn tâm tư vì nông dân chưa áp dụng triệt để quy trình sản xuất. Nếp thường có thời gian từ gieo trồng đến khi thu hoạch là 110 ngày, nhưng đa phần nông dân chỉ làm 105 ngày, tức lúc ấy hạt nếp chín chưa đều nên vẫn còn 5% tấm. Vì vậy, chất lượng vẫn chưa đạt tới độ “đỉnh”...

Liên kết 4 nhà, lợi ích thiết thực

Với Nghĩa, anh đang có dự định sẽ sản xuất nếp thương phẩm theo quy trình khép kín nếp sạch: Tất cả các nguồn từ giống, phân bón, đóng gói đều được kiểm duyệt. Dự kiến khoảng vài tháng nữa hạt nếp Cô Duyên (của HTX Nông nghiệp Công Thành Đức Linh) sẽ có mặt trên thị trường... Ông Nguyễn Văn Húy - Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Đức Linh, cho biết: “HTX Nông nghiệp Công Thành Đức Linh là một trong những HTX hoạt động thành công về nông nghiệp, mô hình trồng nếp, kinh doanh sản phẩm nếp đã đem lại lợi ích thiết thực cho HTX và người nông dân. Việc kết nối liên kết giữa “4 nhà” gồm nông dân, doanh nghiệp và nhà khoa học dưới sự hỗ trợ của Nhà nước đang tạo nên hiệu quả cao mà nhiều HTX khác cần tham khảo, áp dụng... Với HTX Nông nghiệp Công Thành Đức Linh bên cạnh tìm được “đầu vào” nguồn giống và “đầu ra” thị trường nội địa, xuất khẩu tốt còn có nét khác biệt là HTX mạnh dạn đầu tư đội ngũ kỹ sư nông nghiệp để giúp nông dân. Đây là cách làm hay trong bước xã hội hóa nông nghiệp, không phải “dựa” nhiều vào Nhà nước như một số mô hình khác...”.

Đem cây nếp về Đức Linh, mô hình mới từ việc dám nghĩ, dám làm và đặt lợi ích của nông dân lên hàng đầu đã tạo được hiệu ứng tốt cho xã hội. Dù bận rộn điều hành HTX, nhưng anh Nghĩa sẵn sàng lắng nghe những tâm tư của nông dân trong vùng để hoàn thiện hơn các bước hoạt động. Với người nông dân, nhiều mô hình làm lúa chất lượng cao, lãi 1 ha 30 triệu đồng đã thấy “sướng”, nhưng làm nếp lãi gấp 1,5 lần và quan trọng hơn là thị trường (bao tiêu) được đảm bảo thì không phải... bàn gì thêm. Nếp mới từ mô hình HTX Nông nghiệp Công Thành Đức Linh do vợ chồng Nghĩa sáng tạo cùng sự trợ giúp của chính quyền Đức Linh đang lan tỏa hương thơm trên những cánh đồng Bình Thuận, là bước đột phá góp phần làm cho nông dân tăng thu nhập, ngành nông nghiệp có thêm những sản phẩm phong phú, đa dạng đáp ứng được thị trường trong nước và xuất khẩu...

Phóng sự: Trần Thi



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
La Gi: Chú trọng xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh
Để lãnh đạo, chỉ đạo có hiệu quả việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh trên địa bàn, Ban Thường vụ Thị ủy La Gi xác định, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh là nhiệm vụ then chốt và có tính quyết định.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Người “truyền lửa” cho nông dân thu tiền tỷ