Theo dõi trên

Nhà đóng gói thanh long theo dự án QSEAP - vì sao khai thác chưa hiệu quả?

22/08/2017, 08:14

Bài 1: Lãng phí các hạng mục đầu tư

BT- “Có bột mới gột nên hồ”, song ở 2 huyện Hàm Thuận Nam và Hàm Thuận Bắc, câu chuyện “bột” nhiều, thậm chí rất nhiều, lại chẳng thể gột nổi hồ khi dự án QSEAP đã “rót” hàng chục tỷ đồng đầu tư hạ tầng kỹ thuật với mong muốn sản lượng thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP được tiêu thụ ngày càng nhiều. Đến nay, phần lớn nhiều hạng mục đầu tư không phát huy hiệu quả, còn nông dân lại không được hưởng lợi từ dự án.

                
      
Nhà đóng gói ở xã Hàm Mỹ do HTX nông nghiệp    Mỹ Hưng tiếp quản, nay lại được trưng dụng để cho thuê sân bãi.

Là một trong 16 tỉnh, thành phố trên cả nước được chọn triển khai dự án “Nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học” (QSEAP), Bình Thuận kỳ vọng sẽ nâng cao chất lượng và diện tích thanh long theo theo tiêu chuẩn VietGAP, đáp ứng nhu cầu thị trường. Vậy mà sau nhiều năm triển khai, những gì dự án mong đợi như giúp nông dân tăng thu nhập, cải thiện đời sống, ngành nông nghiệp phát triển bền vững, thật sự chưa phát huy hiệu quả.

Một trong những hạng mục mà dự án này đầu tư là 5 nhà “sơ chế, đóng gói, bảo quản thanh long” nằm rải đều ở 2 huyện Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc, nơi có diện tích thanh long nhiều nhất tỉnh. Thế nhưng sau khi nghiệm thu đến nay, hầu hết các nhà đóng gói đều không phát huy hiệu quả như mục đích ban đầu. Chúng tôi đến nhà đóng gói, sơ chế thanh long thuộc thôn Nà Bồi – thị trấn Ma Lâm (Hàm Thuận Bắc). Mặc dù đang vào vụ mùa nhưng nhà đóng gói này trong tình trạng “vườn không nhà trống”, đóng cửa im lìm. Theo tìm hiểu, công trình này trị giá gần 8,4 tỷ đồng, hoàn thành từ đầu năm 2016 nhưng đến nay chưa một ngày đi vào hoạt động. 2 nhà đóng gói khác tại xã Hàm Minh và xã Hàm Mỹ (huyện Hàm Thuận Nam) cũng trong tình cảnh tương tự, cửa đóng then cài hơn cả năm nay, chưa qua một lần sử dụng. Hàng chục tỷ đồng đã được đầu tư để xây dựng các nhà đóng gói với quy mô bề thế, máy móc hiện đại nhưng các HTX, tổ hợp tác tiếp nhận chưa phát huy hiệu quả, gây lãng phí rất lớn. Trong đó, nhà đóng gói ở xã Hàm Mỹ do HTX nông nghiệp Mỹ Hưng tiếp quản, nay lại được trưng dụng để cho thuê sân bãi, tổ chức liên hoan, sinh nhật, cưới hỏi… Giám đốc HTX nông nghiệp Mỹ Hưng - Trương Văn Mười chia sẻ: “Chúng tôi tiếp quản nhà đóng gói này từ tháng 3/2016, tưởng rằng bà con xã viên sẽ được hưởng lợi từ dự án này, được thu mua, đóng gói thanh long nhanh chóng, tiện lợi hơn. Tuy nhiên, khi các đối tác đến làm việc đều lắc đầu từ chối vì đoạn đường từ quốc lộ 1A vào nhà đóng gói hơn 1 km chỉ rộng 2,5m đường bê tông, xe container, xe tải lớn không tài nào vào được. Trong khi đó, ngoài quốc lộ 1A, rất nhiều nhà đóng gói, sơ chế thanh long tư nhân mọc lên, thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa, nên chúng tôi không thể cạnh tranh được”. Đó chính là lý do gần 1 năm rưỡi nay, nhà đóng gói không thể hoạt động và được trưng dụng làm sân bãi cho thuê.

Riêng nhà đóng gói HTX dịch vụ thanh long hữu cơ Phú Hội  - thôn Phú Nhang - xã Hàm Hiệp (Hàm Thuận Bắc) được cho có hoạt động, thì lại được “hợp thức hóa” bởi một doanh nghiệp khác trên danh nghĩa cho thuê. Khi chúng tôi đến, nhà đóng gói, sơ chế này đang hoạt động khá nhộn nhịp vì đây là thời điểm vụ mùa. Tuy nhiên, theo phản ánh của dân địa phương thì chẳng có xã viên nào có mặt trong đó. Trong các cuộc họp tiếp xúc cử tri, người dân xã Hàm Hiệp cũng bức xúc về vấn đề này. Phó Chủ tịch UBND xã Hàm Hiệp – Nguyễn Văn Cường cho biết: “Chúng tôi cũng nắm thông tin trên qua các buổi tiếp xúc cử tri, chứ chưa nhận đơn phản ánh từ các xã viên. Việc HTX dịch vụ thanh long hữu cơ Phú Hội đang sử dụng nhà đóng gói ra sao, hoạt động hay cho thuê, hoặc bổ sung ngành nghề thì Phòng Tài chính – Kế hoạch huyện và Trung tâm Nghiên cứu phát triển cây thanh long trực tiếp quản lý. Chúng tôi cũng đang đề xuất các ngành chức năng phối hợp kiểm tra để làm rõ những ý kiến không hay tại địa phương”. Còn nhà đóng gói của HTX an toàn Hàm Đức - xã Hàm Đức thì đang hoạt động cầm chừng.

Giải thích việc các nhà đóng gói chưa thể hoạt động sau khi bàn giao, bà Đào Thị Kim Dung  - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển cây thanh long chia sẻ: “Thời điểm cuối 2015, đầu 2016 thị trường thanh long điêu đứng, giá thanh long rớt thê thảm, nên các đơn vị tiếp quản nhà đóng gói không thể hoạt động được cũng là điều dễ hiểu”... 

    
    Dự án   QSEAP có tổng trị giá trên 110,4 triệu USD, trong đó vốn vay ưu đãi ADB   95 triệu USD, vốn đối ứng trong nước 15,4 triệu USD được triển khai từ   2009 – 2015 tại 16 tỉnh, thành phố. Mục tiêu nhằm giúp Việt Nam phát   triển bền vững ngành sản xuất rau, quả, chè, góp phần tạo thu nhập và   việc làm; cải thiện sinh kế và chất lượng cuộc sống của người dân.

Điều tra: Minh Vân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhà đóng gói thanh long theo dự án QSEAP - vì sao khai thác chưa hiệu quả?