Theo dõi trên

Nhiều khó khăn trong phát triển thủy lợi

28/02/2018, 09:20

BT- Những năm gần đây, nhìn chung hạ tầng thủy lợi trên địa bàn tỉnh đã được tỉnh quan tâm đẩy mạnh đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng hơn 70 hệ thống thủy lợi để phục vụ sản xuất của người dân tại các địa phương. Trong đó có những công trình hồ chứa lớn như: Hồ Sông Quao (Hàm Thuận Bắc), dung tích 73 triệu m3; hồ Cà Giây (Bắc Bình) 36,9 triệu m3; hồ Lòng Sông (Tuy Phong) 37,1 triệu m3, hồ Sông Móng (Hàm Thuận Nam) 37,1 triệu m3… Tổng năng lực phục vụ tưới của các hệ thống thủy lợi được xây dựng trên 70.000 ha. Các công trình thủy lợi đã góp phần quyết định vào việc phát triển nông nghiệp và nông thôn trên địa bàn tỉnh. Hệ thống thủy lợi đã được kết nối các vùng sản xuất, đưa diện tích gieo trồng được tưới từ 53.000 ha (năm 2005) lên trên 110.000 ha (năm 2016).  Nhờ tập trung đẩy mạnh đầu tư hệ thống thủy lợi nên tỉnh đã cơ bản khắc phục được tình trạng khô hạn, thiếu nước, đảm bảo diện tích đất sản xuất được tưới.

Các công trình thủy lợi hiện có trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã góp phần tạo nền tảng cơ bản và động lực để thúc đẩy các ngành kinh tế phát triển, đáp ứng được mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là diện tích sản xuất nông nghiệp, sản lượng lương thực vượt các chỉ tiêu đặt ra. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn rất nhiều khó khăn, thách thức trong phát triển thủy lợi của tỉnh, bởi Bình Thuận là tỉnh có khó khăn về nguồn nước (phân bố nguồn nước không đồng đều theo không gian và thời gian). Các công trình thủy lợi hiện có tuy nhiều nhưng phần lớn là đập dâng và ao bàu nhỏ, ít có khả năng điều tiết dòng chảy. Hàng năm vào mùa khô khi sông, suối khô cạn thì đa số các công trình này cũng không còn nước. Không có công trình điều tiết quy mô lớn tại các lưu vực sông sau khi có các công trình thủy điện đã được đầu tư chuyển nước về hạ lưu thuộc địa phận của tỉnh, nên việc cấp nước chưa được chủ động và hạn chế chia sẻ nguồn nước giữa các công trình, các lưu vực khó khăn về nguồn nước.

Ngoài ra kinh phí đầu tư hàng năm cho thủy lợi còn hạn chế nên một số công trình đầu tư xây dựng chưa đúng tiến độ, ảnh hưởng đến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; nhiều công trình đã xuống cấp nhưng nguồn kinh phí không đáp ứng đủ yều cầu duy tu sửa chữa dẫn đến năng lực tưới của công trình không đảm bảo như thiết kế. Đầu tư còn dàn trải, kéo dài, nhiều công trình dở dang, tăng vốn, chưa phát huy hiệu quả...Trang thiết bị phục vụ cho quản lý công trình còn hạn chế và thô sơ. Việc vận hành các công thủy lợi chủ yếu dựa trên kinh nghiệm nên hiệu quả sử dụng nước thấp, năng suất lao động của cán bộ quản lý vận hành không cao. Đặc biệt là trang thiết bị đo đạc thủy văn và quy trình vận hành dự báo lũ tại các công trình chưa được đầu tư xây dựng nên hiệu quả cắt lũ của các hồ chứa còn rất hạn chế. Đặc biệt, khả năng cung cấp tài chính cho việc phát triển các dự án thủy lợi hiện nay và trong nhiều năm tới còn nhiều khó khăn. Vì vậy, việc lựa chọn tối ưu đầu tư cho các công trình thủy lợi từ nay đến năm 2020 nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội là một vấn đề thách thức và quyết tâm của tỉnh.

    
      Trong giai đoạn đến năm 2020, Bình Thuận dự kiến đầu tư hoàn thành 20   tuyến kênh nối mạng gồm nâng cấp 9 kênh hiện trạng, đầu tư mới 11 tuyến   kênh, trong đó có 5 tuyến kênh đã phê duyệt dự án và 6 tuyến kênh quy   hoạch mới,  đầu tư chuyển tiếp 3 công trình và đầu tư mới 15 công trình   tạo nguồn, dự kiến nguồn đầu tư khoảng 13.148 tỷ đồng.

H.Trinh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhiều khó khăn trong phát triển thủy lợi