Theo dõi trên

Những chuyện bất thường của Công ty Tuấn Cát Lợi ở Đa Mi

30/05/2018, 09:13

BT- Thời gian gần đây, tình hình các công ty trục lợi tài nguyên khoáng sản và rừng diễn ra ở một số địa phương có địa hình hiểm trở, xa trung tâm huyện và tỉnh gây bức xúc dư luận. Tại xã Đa Mi (Hàm Thuận Bắc), tài nguyên khoáng sản và rừng của Nhà nước đang bị bòn rút, tàn phá một cách công khai. Trong chuyên đề này, Phóng viên Báo Bình Thuận sẽ đề cập đến những chuyện “bất thường” liên quan đến Công ty Tuấn Cát Lợi, cũng như trách nhiệm của chính quyền địa phương.

Kỳ 1: Công ty... hút cát lậu

Được cấp phép khai thác cát ở Di Linh (Lâm Đồng), nhưng doanh nghiệp lập lờ, với chiêu bài quá cảnh, rồi ngang nhiên hút cát lậu trên hồ thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi (HT-ĐM), thuộc địa phận Bình Thuận một cách công khai. 

  Chuyện vui và chuyện buồn!  

Chúng tôi về xã vùng cao Đa Mi vào những ngày đầu hè, khi những cơn mưa đầu mùa đến sớm, đã giúp Đa Mi phủ thêm một màu xanh mướt lên những vườn cây ăn trái trĩu quả. Thời tiết dù chuyển sang hè, nhưng khác hẳn dưới xuôi, Đa Mi vẫn giữ được không khí mát mẻ đặc trưng, là nơi duy nhất của Bình Thuận có được như Bảo Lộc hay Di Linh của tỉnh Lâm Đồng, nhờ ưu thế độ cao. Đa Mi mùa này thì rộn ràng khỏi phải nói, nơi “vương quốc trái cây Đa Tro” đang vào đầu vụ, người trồng, kẻ mua, người bán làm cho không khí nơi đây sôi động hẳn.

                
Sà lan của Công ty Tuấn Cát Lợi hút cát    trên lòng hồ Hàm Thuận thuộc xã Đa Mi

Tuy nhiên, xen lẫn vào những chuyện vui của nông dân khi vụ mùa trái cây đang đến, còn là sự lo lắng của không ít hộ dân về tình trạng khai thác cát lậu trên lòng hồ HT-ĐM gây sạt lở, có nguy cơ ảnh hưởng đến vườn cây ăn trái và cả đập thủy điện; đồng thời có doanh nghiệp xin chủ trương lấy đất rừng làm “dự án trồng cây ăn quả”, trong đó có cả vườn cây ăn trái, vườn cà phê vốn đã hình thành, là nguồn sống lâu nay của các hộ dân. Đang thực hiện 2 việc ấy là Công ty TNHH Tuấn Cát Lợi, có trụ sở tại xã Lộc Nam, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng (địa phương giáp ranh với xã Đa Mi).

 Công khai bòn rút tài nguyên!

Nhà máy thủy điện HT-ĐM là một tổ hợp thủy điện nằm trên sông La Ngà, được đặt trên địa phận tỉnh Bình Thuận, có công suất 300 MW với 2 tổ máy. Tuy nhiên hồ chứa của nhà máy nằm trên 2 tỉnh Lâm Đồng và Bình Thuận, với diện tích mặt hồ ở mực nước dâng bình thường khoảng 25,2 km2. Theo điều tra của chúng tôi, Công ty Tuấn Cát Lợi chỉ được cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng cấp phép khai thác cát trên lòng hồ ở địa phận huyện Di Linh (Lâm Đồng) cách Đa Mi khoảng 10km đường thủy. Thế nhưng 2 năm nay, công ty lập lờ tổ chức khai thác công khai ngay trên khu vực lòng hồ thuộc xã Đa Mi. Hàng ngày, công ty này sử dụng sà lan loại lớn chạy hút cát ngay trên khu vực gần đập. Sau đó đưa vào ngay phía sau lưng UBND xã Đa Mi để tiến hành xúc rửa, tập kết thành đống, rồi cho xe ben vận chuyển đi theo quốc lộ 55 về hướng huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng) tiêu thụ.

                
Sạt lở đất đồi lòng hồ do việc hút cát gây    ra

Sáng 24/5, chúng tôi đã có mặt tại hồ HT-ĐM trong vai khách du lịch đi câu cá, thuê một xuồng máy ra hồ để chứng kiến và ghi nhận toàn bộ hành vi hút cát lậu của sà lan, cũng như việc tiến hành xúc rửa cát của công ty này. Tại hiện trường, hơn chục công nhân đang làm việc tích cực với sà lan, xe xúc kobel chuyên dụng. Ngoài ra, công ty đang tiếp tục đóng thêm 1 chiếc sà lan loại lớn, chuẩn bị hạ thủy đưa vào hút cát. Việc hút cát của Công ty Tuấn Cát Lợi diễn ra đã gây sạt lở một diện tích khá lớn, tạo ra những hàm ếch ăn sâu vào chân đất dưới mặt nước của các đồi ven lòng hồ, mà mỗi khi nước rút có thể nhìn thấy rõ. Không chỉ có sạt lở, mà còn có nguy cơ đe dọa, ảnh hưởng đến an toàn thân đập thủy điện cách đó không xa. Dù chưa thống kê được trữ lượng cụ thể, nhưng việc hút cát lậu trên địa bàn Bình Thuận của công ty diễn ra trong một thời gian dài như thế, với phương tiện sà lan và trữ lượng cát lòng hồ dồi dào, cho thấy tài nguyên của Nhà nước đã thất thoát không nhỏ, “chạy” vào túi của công ty này.    

 Lãnh đạo địa phương và Tuấn Cát Lợi nói gì?

Trao đổi với chúng tôi về việc khai thác cát của Công ty Tuấn Cát Lợi, cũng như giấy phép hoạt động, ông Trần Văn Mười, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hàm Thuận Bắc khẳng định: “UBND tỉnh Bình Thuận không hề cấp phép hoạt động khai thác cát trên lòng hồ cho công ty. Công ty này chỉ được phía Lâm Đồng cho khai thác cát trong lòng hồ thuộc địa bàn của họ. Trước đây, cũng có phản ánh, đích thân tôi cùng anh Nguyễn Ngọc Thạch, Phó Chủ tịch UBND huyện trực tiếp đi kiểm tra, yêu cầu công ty chấp hành nghiêm địa bàn cho phép được khai thác. Đồng thời, yêu cầu Ban quản lý lòng hồ HT-ĐM phối hợp, tăng cường công tác quản lý, giám sát để tránh tái diễn vi phạm, vì họ có phương tiện thủy tuần tra cơ động hơn chúng tôi. Nếu Công ty Tuấn Cát Lợi cho khai thác cát trên địa phận thuộc xã Đa Mi, thì đó là hành vi vi phạm”.

                
Bãi tập kết cát phía dưới lòng hồ sau lưng    UBND xã Đa Mi

Về phía thủy điện, ông Đỗ Minh Lộc, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi cho biết: Công ty chỉ quản lý việc sử dụng mặt nước để phát điện, chứ không có chức năng cấp phép khai thác khoáng sản, nếu có kế hoạch nạo vét, thì chúng tôi cũng phải xin phép địa phương khu vực có kế hoạch nạo vét. Còn ông Huỳnh Anh Vũ, Chủ tịch UBND xã Đa Mi thừa nhận: “Công ty Tuấn Cát Lợi chỉ xin địa phương làm bãi tập kết cát và “quá cảnh” qua địa bàn xã Đa Mi, sau khi khai thác ở khu vực Di Linh. Việc quá cảnh này cũng gây ra luồng dư luận không tốt tại địa phương”. Ông Vũ cũng khẳng định, nếu công ty khai thác trên địa phận xã Đa Mi là hoàn toàn bất hợp pháp. Để làm rõ vấn đề, chúng tôi đã liên hệ với ông Đỗ Tuấn Anh, Giám đốc Công ty Tuấn Cát Lợi, vị này cho biết: “Chúng tôi có giấy phép khai thác ở lòng hồ do tỉnh Lâm Đồng cấp, việc qua địa bàn Bình Thuận chỉ là quá cảnh”. Tuy nhiên, khi chúng tôi đặt vấn đề ở địa bàn Bình Thuận có được cấp phép hay không, thì vị này không xác nhận và đề nghị cần thiết gặp trực tiếp sẽ rõ.   

Rõ ràng, với những gì người dân phản ánh cùng những hình ảnh chúng tôi ghi nhận được và những ý kiến của cơ quan chức năng cho thấy, Công ty Tuấn Cát Lợi “lập lờ” địa bàn được cấp phép, cũng như với hành vi “đi nhờ” qua xã Đa Mi, để tiến hành khai thác cát lậu trong thời gian qua là hoàn toàn sai phạm. Việc khai thác cát lậu không chỉ làm sạt lở và gây bức xúc cho người dân ở địa phương, đe dọa đến an toàn của đập thủy điện HT-ĐM. Điều đáng nói hơn, việc hút cát của công ty này diễn ra tại địa điểm chỉ cách UBND xã Đa Mi khoảng 500m, nếu đứng trên trụ sở UBND xã nhìn xuống lòng hồ, thì có thể tận mắt thấy việc hút cát lậu. Điều này đã làm dư luận không khỏi hồ nghi về việc chính quyền địa phương tiếp tay, làm ngơ và bảo kê.    

    
    Liên quan   đến việc này, sáng qua 29/5, Ông Lê Hùng Việt, Phó Giám đốc Sở Tài   nguyên Môi trường, cùng đoàn liên ngành cũng đã đi kiểm tra việc hút cát   của Công ty Tuấn Cát Lợi. Tuy nhiên, đến nơi đoàn không gặp được lãnh   đạo công ty, cũng như đại diện quản lý đập thủy điện HT-ĐM. Trong ngày   hôm nay (30/5), Sở Tài nguyên Môi trường sẽ phát văn bản mời giám đốc   công ty và các bên liên quan đến làm việc để làm rõ giấy phép. Ông Việt   cũng cho biết Bình Thuận không cấp phép khai thác cát cho công ty trên   hồ thủy điện thuộc địa bàn Bình Thuận. 

Phúc Sinh - Trần Huỳnh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những chuyện bất thường của Công ty Tuấn Cát Lợi ở Đa Mi