Theo dõi trên

Những điểm dân cư “dã chiến”

27/08/2019, 09:33

Bài 1:Phủ… đỏ đất lúa

BT- Sự đổi màu, từ phủ xanh của lúa, thanh long trước đây, giờ đã chuyển sang phủ đỏ của đất nền, tạo sự đối lập quá rõ cũng đồng nghĩa rằng sự hình thành chóng vánh các điểm dân cư ấy đang ẩn chứa nhiều câu hỏi cần giải đáp. 

                
   Quang cảnh một nơi sẽ trở thành điểm dân    cư ở Hàm Liêm.

Sôi sục thôn 3

Ghé Hàm Liêm (Hàm Thuận Bắc) vào thời điểm này đã không thấy nhiều màu xanh của thanh long, ruộng lúa nằm ven đường như trước. Thay vào đó là những vùng đất đã được đổ nền cát đỏ rực, phản ánh rất rõ sự sôi sục đất nền vùng ven đô TP. Phan Thiết này. Theo thông tin chưa chính thức, tại đây đang hình thành 8 điểm dân cư mới, tất cả đều đã san nền, một số đã làm đường giao thông xi măng, đã bắt điện, nước, đã phân lô rao bán đất qua những tấm biển nhỏ cắm đầy. Nhưng điều đáng nói, hầu hết các điểm dân cư này đều hình thành trên đất lúa nước, tập trung ở thôn 3. Theo báo cáo của UBND xã Hàm Liêm, điểm dân cư thôn 3 (An Phú Nam) có tổng diện tích đất lúa 5.154,8m2, trong đó đã chuyển lên đất ở là 4.217,7m2, hộ dân tự nguyện trả lại đất trồng lúa để làm đường giao thông là 1.018,4m2. Còn điểm dân cư thôn Thuận Điền (An Phú Nam) được xây dựng trên tổng diện tích 8.440,4m2, trong đó đã có 6.950,5m2 đã chuyển mục đích lên đất ở, 1.489,9m2 đất lúa được các hộ dân hiến đất làm đường giao thông, đã thiết kế 63 lô. Tiếp đến là điểm dân cư thôn 3 (Đồng Bé) có tổng diện tích 12.045,1m2, trong đó đã chuyển từ đất lúa lên đất ở là 900m2, từ đất trồng cây lên đất ở là 9.575m2, từ đất BHK lên đất ở 78,5m2; còn đất lúa mà hộ dân tự nguyện trả để làm đường giao thông là 1.570,1m2. Trong khi đó, điểm dân cư Nguyễn Hữu Trí cũng nằm trên địa bàn thôn 3 có tổng diện tích 5.526,8 m2, trong đó đất lúa đã chuyển lên đất ở là 3.062m2, đất lúa mà hộ dân xin hiến để làm giao thông là 612,9m2

Chưa hết, không chỉ hình thành trên đất lúa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ các hộ dân, có điểm dân cư còn hình thành trên đất công nhưng lại của cá nhân thực hiện. Từ năm 2017 đến nay, nhiều người dân ở thôn 3 rất ngạc nhiên khi thấy hộ ông V.T được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với 6 sào đất công mà ông sản xuất lúa lâu nay. Sau đó, ông chuyển nhượng diện tích trên cho một người khác với giá 70 triệu đồng/sào, tức được hơn 400 triệu đồng. Một thời gian ngắn sau, người mua đổ đất san nền, phân lô có giá 180 triệu đồng/lô 100m2. Đó là giá lúc ban đầu, hiện tại giá này đã lên gần nửa tỷ đồng. Tương tự, giá đất tại các điểm dân cư trên cũng tăng và hiện đứng ở giá trên dưới nửa tỷ đồng/lô 100m2, có lô 150 m2 giá đẩy lên gần 1,5 tỷ đồng. Giá đất tăng chóng mặt song song với quá trình đô thị hóa trên đất lúa ở đây khiến ngay cả người dân Hàm Liêm còn chưa hết ngỡ ngàng.  

Rối rắm đất 5%

Góp phần vào quá trình đô thị hóa trên đất lúa ấy là đất 5%, một dạng đất công do xã quản lý sau khi chia đều đất dựa trên nhân khẩu của từng hộ gia đình. Theo đó, những hộ dân nào muốn sản xuất trên đất này phải ký hợp đồng thuê đất với HTX trước đó và sau này là UBND xã. Và dù được sản xuất từ năm này qua năm nọ nhưng đây vẫn là đất công nên chuyện được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình là rất khó. Tuy nhiên, điều mang tính nguyên tắc ấy không diễn ra tại Hàm Liêm. Thực tế, có một số hộ dân trong xã có ký hợp đồng với UBND xã thuê đất 5% để sản xuất hay không có ký hợp đồng đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên rất dễ dàng. Một số hộ ở thôn 3, thôn 5 được cấp giấy chứng nhận trên đất 5% mà chính họ còn chưa ký hợp đồng với xã. Báo cáo giám sát của HĐND xã Hàm Liêm chỉ ra, vì UBND xã chưa có danh sách quản lý đất 5% cụ thể từng năm ở từng thôn trong xã nên khi xác nhận nguồn gốc đất trên thực tế không đúng. Cụ thể như hộ ông V.T ở thôn 3, UBND xã xác nhận nguồn gốc đất do HTX 3 quản lý, hộ lấn chiếm sử dụng năm 2000 nhưng thực tế, đó là đất 5% nằm trong danh sách xã quản lý và hộ này chưa ký hợp đồng. Tương tự, hộ ông T.V.T ở thôn 5 được UBND xã xác nhận HTX 5 quản lý, hộ lấy ruộng gốc sử dụng ổn định từ năm 1995 nhưng lại để mâu thuẫn chi tiết là hộ lấn chiếm sử dụng năm 1980. Còn nhiều trường hợp khác nữa được UBND xã Hàm Liêm xác nhận bị mâu thuẫn về thời gian, nhấn mạnh hộ dân lấn chiếm đất trước ngày 1/7/2014, cái chính để “lách” theo Điều 22, Nghị định 43/2014 của Chính phủ để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình. Nhưng thực tế, đây là đất 5%, chuyên sản xuất lúa. Vì là đất công nên việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nếu có cũng phải trải qua một quy trình hết sức chặt chẽ. Trước hết, cần xác định phải đất 5% không, rồi xin ý kiến cấp ủy xã, xin ý kiến huyện có cho phép cấp giấy chứng nhận hay không…

Vì vậy, tại báo cáo giám sát, HĐND xã Hàm Liêm có nhấn mạnh, UBND xã phải rà soát tất cả các trường hợp hộ dân trong diện không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (thuộc quỹ đất công ích của xã) đã và chưa ký hợp đồng với UBND xã. Song song đó, lập thủ tục đề nghị cấp có thẩm quyền thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định tại Điều 19 Nghị định 43/2014 của Chính phủ. Nhưng đó là chuyện sau này. Còn bây giờ, chính những diện tích đất 5% đã được cấp giấy chứng nhận cho các hộ dân mà nằm ở vùng chịu ảnh hưởng đất ven đô thì hầu như đều đã lên đất thổ cư. Một số diện tích góp phần hình thành điểm dân cư của các cá nhân đầu tư. Một số tự bán cho những người ở TP.Phan Thiết đang có nhu cầu đất ở với giá vừa phải. Chưa hết, các điểm dân cư khác, tập trung tại thôn 3 và Thuận Điền đang chờ hướng dẫn làm dự án có diện tích không nhỏ như điểm 5 có diện tích chuyển lên đất ở 2.483,1m2; điểm 6 có diện tích đất lúa chuyển lên đất ở 4.951,7m2; điểm 7 có diện tích chuyển 1.931,8m2. Sự ồ ạt trên khiến quang cảnh chung hiện tại ở đây nổi lên hình ảnh đất đổ nền đỏ quạch từng khu vực, làm nổi bật hơn màu xanh của vùng nông nghiệp. Chính sự đổi màu, từ phủ xanh của lúa, thanh long trước đây, giờ đã chuyển sang phủ đỏ của đất nền, tạo sự đối lập quá rõ cũng đồng nghĩa rằng sự hình thành chóng vánh các điểm dân cư ấy đang ẩn chứa nhiều câu hỏi cần giải đáp.

Bích NghỊ



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những điểm dân cư “dã chiến”