Theo dõi trên

Những điểm dân cư “dã chiến”

28/08/2019, 14:12

Bài 2:  Đêm trước “đổi màu”

BT- Chi tiết khiến ai cũng giật mình là các hộ dân sau khi chuyển diện tích lớn lên đất ở, số nhỏ diện tích đất lúa còn lại, họ đã tự nguyện trả lại cho nhà nước. Sau đó, cá nhân đầu tư lại tự tiện lấy đất của nhà nước đó làm… đường đi trong điểm dân cư!?

“Khắc nhập, khắc xuất”

Nếu soi quá trình hình thành các điểm dân cư này sẽ thấy, đó là một quá trình khắc nhập, khắc xuất thần kỳ như câu chuyện cây tre trăm đốt. Ban đầu cá nhân đầu tư mua một vùng đất lúa nào đó đã tính toán vị trí, hoặc ít nhất có nắm thông tin nào đó có liên quan đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của huyện. Vì không phải là hộ trực tiếp sản xuất nông nghiệp nên cá nhân đầu tư này phải thỏa thuận với nhiều hộ dân sản xuất nông nghiệp đứng tên và từng hộ đó sẽ thực hiện việc chuyển đổi từ đất lúa lên đất ở, đồng thời cũng tính luôn chuyện tự trả đất lại để làm đường đi. Sau khi tất cả đã lên thổ cư, cá nhân đầu tư sẽ hợp thửa tất cả các sổ đất ở trên, dưới danh nghĩa đã nhận chuyển nhượng từ các hộ dân, hình thành một vùng đất thổ cư rộng lớn từ vài sào đến trên 1 - 2 ha, một kiểu lách luật tinh vi. Rồi sau đó san nền, làm đường, bắt điện nước, tách thửa, phân lô rao bán. Những cuộc khắc nhập, khắc xuất có hệ thống trên, chỉ có các cá nhân đầu tư có lắm tiền mới thực hiện nhịp nhàng với chất keo kết dính là tiền.

Theo phân tích từ báo cáo giám sát của HĐND xã Hàm Liêm, cho thấy điểm dân cư thôn 3 có 11 hộ dân chuyển từ đất lúa lên đất ở nhưng trong đó có 4 hộ chuyển lên đất ở đến 2 lần trong năm 2017. Đó là hộ bà N.T.T.H có diện tích đất chuyển đến 660m2, tương tự hộ ông N.M.H chuyển 435,7m2, hộ bà N.T.B chuyển 550,9m2, hộ ông N. X. M chuyển 436,5m2. Còn tại điểm dân cư thôn 3 (Đồng Bé) có một số hộ dân đã chuyển từ đất cây trồng lên thổ cư với diện tích lớn như bà B.T.M chuyển 7.045,1 m2, bà L.T.T.V chuyển 856,2 m2, ông L.B.V chuyển 1.595,2m2… Hay tại điểm dân cư thôn Thuận Điền có 15 hộ chuyển lên đất lúa với tổng diện tích 6.950,5m2, trong đó có 4 hộ thực hiện chuyển lên đất ở đến 2 lần. Và nghe nói các hộ dân này lại có hộ khẩu ở Hàm Thắng… Trong khi đó các hộ dân ở Hàm Liêm, có đất ruộng tại chỗ có nhu cầu chuyển đất lúa lên đất ở lại không được, với lý do đưa ra như không phù hợp quy hoạch, hết chỉ tiêu đưa lên đất ở... Tuy nhiên, khi so sánh vị trí, địa hình từ những vùng được lên đất ở và vùng bị từ chối lên đất ở thì phát hiện có nhiều vùng đất lúa lên thổ cư lại nằm gần bờ suối ở phía sâu cuối cánh đồng, không có đường giao thông nội đồng. Còn nơi bị từ chối lên đất ở lại nằm trong vùng mà một số người xung quanh đã chuyển được lên thổ cư, một số đã lục đục đổ nền xây nhà. Vì sao lại diễn ra cảnh không công bằng khi người được chuyển lên đất ở đến 2 lần, người ở nơi khác tới lại được chuyển với diện tích lớn tới 5 - 7 sào, trong khi có người ở tại xã lại không chuyển được, dẫu chỉ vài mét vuông. Tại sao lại có sự ngược ngạo chọn quy hoạch xây dựng điểm dân cư ở trong hẻm hóc, còn nơi gần nhà dân lại để trồng lúa? 

Không lấy ý kiến từ xã?

Theo quy định, việc chuyển từ đất lúa lên đất ở trên đều phải căn cứ vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hàng năm trên địa bàn huyện được UBND tỉnh phê duyệt. Và quy hoạch 5 năm, 10 năm, kế hoạch sử dụng đất hàng năm này phải được điều chỉnh, xây dựng căn cứ vào ý kiến đề xuất từ dưới xã chuyển lên. Để làm được điều đó, UBND xã phải tổ chức hội nghị tập hợp đầy đủ các thành phần từ HĐND xã cho đến các tổ trưởng, trưởng thôn để lấy ý kiến cũng như phân bổ chỉ tiêu quy hoạch kế hoạch sử dụng đất, đăng ký nhu cầu sử dụng đất ở từng thôn nhằm tạo sự công bằng giữa các thôn, sự hợp lý trong xây dựng phát triển trên thực tế. Sau khi thống nhất, văn bản trên phải thông qua HĐND xã rồi gửi lên huyện tổng hợp. Tuy nhiên, tại xã Hàm Liêm đã không làm công đoạn trên, vì vậy trong 3 năm qua, nơi này không nắm chắc chỉ tiêu chuyển đổi mục đích sử dụng đất các loại, nhất là từ đất lúa lên đất ở. Và đó là lý do các điểm dân cư trên bỗng mọc lên trên đất lúa trước sự ngỡ ngàng của bao nhiêu người dân tại chỗ. Ngay cả những cán bộ có liên quan đến quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của xã chặng 2010 - 2020 và cả chặng 2015 - 2020 cũng ngạc nhiên, vì những nơi mà các điểm dân cư ấy hình thành theo quy hoạch dù đã điều chỉnh vẫn là đất lúa, chứ không phải đất ở. Một diễn biến khác, trong kế hoạch sử dụng đất năm 2018 của huyện Hàm Thuận Bắc được phê duyệt tại Quyết định số 768/2018/QĐ-UBND của UBND tỉnh, chỉ tiêu đất phi nông nghiệp của Hàm Liêm được ghi hơn 1.077,64 ha, gần gấp đôi chỉ tiêu đất phi nông nghiệp của các xã ven TP.Phan Thiết như Hàm Hiệp, Hàm Thắng. Chính từ đây, nhiều người đặt dấu hỏi vậy UBND xã Hàm Liêm căn cứ vào đâu để làm văn bản gửi lên huyện hay ngành chức năng huyện Hàm Thuận Bắc tự nghĩ ra con số điền vào chỗ trống tại xã Hàm Liêm trước khi trình?

Chính vì không có căn cứ từ cơ sở nên việc hình thành các điểm dân cư trên địa bàn xã Hàm Liêm có nhiều chi tiết mâu thuẫn. Chi tiết khiến ai cũng giật mình là các hộ dân sau khi chuyển diện tích lớn lên đất ở, số nhỏ diện tích đất lúa còn lại, họ đã tự nguyện trả lại cho nhà nước. Sau đó, chính cá nhân đầu tư lại tự tiện dùng đấtnhà nước ấy làm đường đi trong điểm dân cư? Trong khi tại nhiều quyết định về việc thu hồi đất do tự nguyện trả lại đất của các hộ dân mà Phó Chủ tịch UBND huyện Hàm Thuận Bắc Nguyễn Ngọc Thạch ký thì nhấn mạnh: “Giao số diện tích đất này cho UBND xã Hàm Liêm quản lý, bổ sung vào diện tích đất giao thông của xã Hàm Liêm”. Nếu vậy, xã Hàm Liêm phải tiếp nhận diện tích đất trên và theo quy định, để xây dựng giao thông nông thôn phục vụ đi lại cho người dân trên địa bàn xã, xã phải thực hiện đúng quy định từ đưa quỹ đất trên vào quy hoạch đất giao thông cho đến các thủ tục liên quan trong đầu tư xây dựng cơ bản. Thế nhưng, ở đây, sau khi có quyết định trên, các cá nhân đầu tư đã mau mắn tự xây dựng đường trong khuôn viên, phục vụ cho chính quyền lợi của cá nhân mà thể hiện rõ nhất là nâng giá trị từng lô đất với giá bán rất cao. Nghe nói có 4 điểm dân cư đã hoàn thành hạ tầng, đã tách thửa bán; 4 điểm dân cư khác đang chờ hướng dẫn thực hiện dự án theo Quyết định 52/2019 của UBND tỉnh.

Điều đáng lo, số diện tích đất lúa nước liên quan đến 4 điểm dân cư được xem đã hoàn thành mà UBND huyện đã thu hồi giao cho xã Hàm Liêm đã lên hơn 4.690m2, tức 4,6 sào đất. Trên nền đất lúa nước ấy, bê tông xi măng phủ nền, theo đó đường điện, đường nước cũng xuất hiện theo. Hạ tầng cơ sở như vậy là đã cơ bản nhưng cách thức hình thành các điểm dân cư này cứ mang tính dã chiến. Vội vã lách luật làm thất thu ngân sách nhà nước, chóng vánh hình thành sớm, để thu hồi vốn sớm nhưng thực tế tiên đoán rằng khó tiến triển tốt. Vì liên quan đến đất lúa đã có quy định rất rõ từ Điều 58 của Luật đất đai, mà trong trường hợp này, áp dụng khoản b, là chuyển mục đích sử dụng đất lúa dưới 10 ha thì phải được thông qua nghị quyết của HĐND cấp tỉnh. Đây cũng là vấn đề lo ngại không chỉ ở Hàm Liêm và số ít đại biểu đã có ý kiến trong cuộc họp HĐND huyện Hàm Thuận Bắc 6 tháng đầu năm 2019 vừa rồi.

Bích NghỊ



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư về chống khai thác IUU
BTO- Ban Bí thư Trung ương Đảng vừa tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW, ngày 10/4/2024 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) và phát triển thủy sản bền vững. Đồng chí Trương Thị Mai - Thường trực Ban Bí thư khóa XIII, Trưởng ban Tổ chức Trung ương chủ trì hội nghị.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những điểm dân cư “dã chiến”