Theo dõi trên

Những điểm sáng trong bức tranh kinh tế Bình Thuận 2016

24/01/2017, 08:39 - Lượt đọc: 18

BT- Bước vào năm 2016, năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, tưởng như mọi chuyện đều thuận lợi, nhưng không ngờ biến cố thiên tai lại xảy ra nặng nề với tình trạng hạn hán khốc liệt trên khắp các địa bàn của tỉnh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống của người dân. Trong tình hình đó, với sự nỗ lực không mệt mỏi của các tầng lớp nhân dân cùng với sự chủ động, sáng tạo trong lãnh đạo, điều hành quản lý của cấp ủy, chính quyền các cấp đã tạo dựng nên những điểm sáng rất đáng trân trọng trong bức tranh kinh tế của tỉnh.

                
Khách du lịch quốc tế đạt 503,8 ngàn lượt.    Ảnh: Đ.Hòa

1. Công nghiệp điện năng là một trong những điểm sáng nổi bật nhất của tỉnh trong năm 2016. Giá trị sản xuất và phân phối điện đạt 9.426 tỷ đồng, là lĩnh vực có mức tăng trưởng cao nhất trong các ngành sản xuất của tỉnh nói chung và công nghiệp nói riêng (tăng 18,1% so với năm 2015). Công nghiệp điện năng cũng là lĩnh vực  chiếm tỷ trọng lớn nhất của toàn ngành công nghiệp Bình Thuận với khoảng 40%.

                
      
Trạm biến áp 22110 kv Nhà máy điện gió Phú    Lạc giai đoạn 1 (12 trụ tua bin, công suất 24 MW). Ảnh: Đ.Hòa

Các công trình, dự án điện tiếp tục được triển khai, đẩy nhanh tiến độ  như Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 (1.200 MW) tổng tiến độ đạt 80,7%, Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 (1.200 MW) đang lắp đặt kết cấu thép và các hạng mục chính (lò hơi, nhà xưởng), Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 mở rộng (600 MW) đang san gạt mặt bằng. Đã hoàn thành và đưa vào vận hành Nhà máy điện gió Phú Lạc giai đoạn 1 (12 trụ tua bin, công suất 24 MW), thủy điện Đan Sách 2 và 3 (công suất 5,5 MW)… Cùng với phát triển thủy điện, nhiệt điện, điện gió, tỉnh cũng đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nhà máy nhiệt điện mặt trời cho Công ty TNHH Doo Sung Vina, với công suất thiết kế 30 MW, có tổng vốn đầu tư 66 triệu USD tại Vĩnh  Hảo (Tuy Phong). Đây là những bước đi cần thiết hướng tới mục tiêu hình thành “Trung tâm năng lượng quốc gia” tại Bình Thuận.

 2. Với quyết tâm đưa Bình Thuận mạnh về kinh tế biển, làm giàu từ biển, nhiều chính sách phát triển kinh tế biển được thực thi với kết quả khá. Thể hiện rõ nhất là năng lực tàu thuyền khai thác hải sản tăng nhanh, nhất là tàu có công suất lớn. Đến nay toàn tỉnh có 2.859 tàu có công suất từ 90 CV trở lên, tăng 255 chiếc so với năm 2015, thuyền có công suất nhỏ dưới 30 CV giảm 189 chiếc. Bình Thuận là một trong những tỉnh đi đầu trong thực hiện chính sách phát triển thủy sản: Toàn tỉnh đã phê duyệt danh sách đóng mới, nâng cấp 180 tàu cá theo Nghị định 67; Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT Bình Thuận đã ký hợp đồng tín dụng với 42 trường hợp cam kết cho vay và đã giải ngân 283 tỷ đồng; lũy kế đến nay có 67 hồ sơ được  ngân hàng ký hợp đồng tín dụng cam kết cho vay là 447 tỷ đồng, đã giải ngân 404 tỷ đồng; đã có 56 tàu đóng mới (theo Nghị định 67) hoàn thành đi vào hoạt động sản xuất. Với việc phát triển đội tàu có công suất lớn (tàu khai thác lẫn tàu dịch vụ) đã tăng năng lực khai thác hải sản xa bờ (sản lượng đạt 203,6 ngàn tấn, tăng 3,1% so năm trước) và là năm có sản lượng khai thác hải sản cao nhất từ trước đến nay; đồng thời góp phần bảo vệ vùng biển đảo thân yêu của Tổ quốc.

                
Nhóm hàng hóa giày dép tiếp tục có sự tăng    trưởng mạnh. Ảnh: Đ.Hòa

 3. Hoạt động du lịch tiếp tục là điểm sáng đáng ghi nhận trong năm 2016. Đã có trên 4,522 triệu lượt khách đến tỉnh, tăng gần 8,8% so năm trước; trong đó khách du lịch quốc tế đạt 503,8 ngàn lượt. Doanh thu từ du lịch đạt trên 9.046 tỷ đồng, tăng 18,4% so năm trước. Hệ thống cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát triển, chất lượng ngày càng cao. Đến nay toàn tỉnh có 417 cơ sở lưu trú du lịch đang hoạt động kinh doanh với tổng số 13.124 phòng và 315 biệt thự, 557 căn hộ du lịch. Đã xếp hạng 209 cơ sở lưu trú với 8.773 phòng; trong đó đạt tiêu chuẩn 5 sao là 3 cơ sở với 348 phòng, đạt tiêu chuẩn 4 sao 28 cơ sở với 3.142 phòng, 3 sao có 16 cơ sở với 1.209 phòng…

 4. Tuy có khó khăn về xuất khẩu nông sản, nhưng tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả năm vẫn đạt 522,8 triệu USD, vượt 10,1% kế hoạch, tăng 8,2% so với năm 2015. Đáng chú ý là nhóm hàng hóa khác (may mặc, giày dép) tiếp tục có sự tăng trưởng mạnh, đạt trên 205 triệu USD, riêng hàng may mặc đạt 145 triệu USD, vượt 20,8% kế hoạch  và tăng 3,5% so cùng kỳ. Xuất khẩu dịch vụ cả năm đạt khoảng 175,3 triệu USD, vượt 8,2% kế hoạch, tăng 14,7% so năm 2015, đã góp phần tác động đến tổng kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng khá.

                
Tàu thuyền khai thác hải sản tăng nhanh, nhất    là tàu có công suất lớn. Ảnh: Đ.Hòa

 5. Thu ngân sách cũng là điểm sáng đáng ghi nhận của năm 2016. Trong tình hình sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn và giá dầu thô giảm sâu, nhưng tổng thu vẫn đạt 8.610 tỷ đồng, vượt 14% dự toán và tăng 13,1% so với năm 2015. Góp phần vào sự tăng trưởng ngân sách phải kể đến khoản thu từ xuất nhập khẩu với 1.800 tỷ đồng, tăng hơn 5 lần so dự toán và gấp 3 lần năm 2015. Thu nội địa cũng có sự tăng trưởng khá với 5.410 tỷ đồng, tăng 24,2% so năm trước. Thu nội địa tăng, chứng tỏ nền kinh tế tỉnh nhà tiếp tục phát triển, hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định và được mở rộng.

6. Thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước tiếp tục được đẩy mạnh với 70  dự án được cấp quyết định chủ trương đầu tư, tổng số vốn đăng ký trên 28 ngàn tỷ đồng, tăng 3,9 lần so với năm 2015 và 29 dự án cấp quyết định chủ trương điều chỉnh, vốn đăng ký tăng thêm 394 tỷ đồng. Đẩy mạnh việc rà soát tháo gỡ khó khăn vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án, điển hình là Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết; đã có thêm 12 dự án khởi công xây dựng và 10 dự án đi vào hoạt động.

 7. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã đem lại những thay đổi rõ nét về bộ mặt nông thôn, hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu được nâng cấp, đời sống của đa số nông dân được cải thiện. Đến cuối năm 2016 số xã đạt chuẩn nông thôn mới là 38 xã, tăng thêm 12 xã so với cuối năm 2015. Huyện đảo Phú Quý được Chính phủ công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới và là một trong hai huyện đảo đầu tiên của cả nước đạt chuẩn.

Tuy đạt được những kết quả rất đáng khích lệ, nhưng kinh tế Bình Thuận trong năm 2016 vẫn còn gặp không ít khó khăn, đó là tình trạng hạn hán nặng nề nhất trong 40 năm trở lại đây đã tác động rất lớn đến sản xuất nông nghiệp, làm cho sản lượng lương thực giảm trên 62 ngàn tấn so với năm 2015, làm cho giá trị tăng thêm của ngành nông, lâm, thủy sản chỉ đạt 0,1%/kế hoạch đề ra là 3,3%. Bước vào năm 2017, dự báo sản xuất nông nghiệp sẽ thuận lợi hơn do lượng nước tích các hồ đều ở mức cao, đủ nước cho sản xuất, sinh hoạt. Tuy nhiên những khó khăn nội tại, nhất là giao thông (thiếu sân bay, cảng biển, đường cao tốc) sẽ tiếp tục tác động đến phát triển kinh tế, trước hết là thu hút đầu tư, du lịch, xuất nhập khẩu… Do đó việc tạo điều kiện để đẩy nhanh tiến độ các công trình sân bay Phan Thiết, cảng Vĩnh Tân, đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết là hết sức quan trọng, cấp bách.

    
  

    Một số chỉ tiêu kinh tế năm 2017

  

    - Tốc độ tăng trưởng GRDP  7%.

  

    Trong đó:

  

    + Công nghiệp - xây dựng: 9%.

  

    + Dịch vụ: 8,1%.

  

    + Nông lâm, thủy sản: 4,5%. 

  

    - Sản lượng lương thực: 782.000 tấn.

  

    - Sản lượng hải sản khai thác: 204.000 tấn.

  

    - Kim ngạch xuất khẩu: 560 triệu USD.

  

    - Tổng thu ngân sách nhà nước: 8.025 tỷ đồng.

      - GRDP bình quân đầu người 43,9 triệu đồng (1.933 USD).

Thế Nam



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những điểm sáng trong bức tranh kinh tế Bình Thuận 2016