Theo dõi trên

Những dự án hình thành nhờ… nắng và gió

20/04/2017, 08:56 - Lượt đọc: 18

BT- Vị trí địa lý và khí hậu đặc trưng đã ban cho Bình Thuận tiềm năng, lợi thế mà ít có tỉnh, thành nào trên mảnh đất hình “chữ S” sánh được: Đó là tài nguyên gió dồi dào và ít mưa nhiều nắng. Đây cũng là điều kiện vô cùng thuận lợi để Bình Thuận thu hút nhiều dự án đầu tư nhà máy phong điện, điện mặt trời có quy mô lớn và trở thành địa phương tiên phong khai thác nguồn năng lượng “sạch” trong cả nước.

                
      
Tiềm năng nắng - gió của Bình Thuận đang    thu hút nhiều dự án phong điện và điện mặt trời (Ảnh minh họa)   

Với nguồn tài nguyên gió đã được kiểm chứng, Bình Thuận nhanh chóng thu hút 19 dự án điện gió có tổng công suất đăng ký thiết kế gần 1.200 MW của nhiều nhà đầu tư trong lẫn ngoài nước. Hiện UBND tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 5 dự án (tổng công suất 236 MW), còn lại 11 dự án (đăng ký tổng công suất 706,5 MW) đang hoàn chỉnh hồ sơ xin cấp quyết định chủ trương đầu tư và 3 dự án (công suất dự kiến 150 MW) trong giai đoạn khảo sát lập hồ sơ… Đến nay trên địa bàn tỉnh đã có 3 dự án hoàn thành, đi vào hoạt động gồm: Dự án Phong điện 1 - Bình Thuận, dự án Điện gió Phú Lạc và dự án Điện gió Phú Quý. Theo Quy hoạch phát triển điện gió tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2011 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Bộ Công Thương phê duyệt, dự kiến công suất lắp đặt tích lũy có thể đạt khoảng 2.500 MW. Do vậy ngoài một số dự án đã đi vào vận hành hoặc được cấp giấy chứng nhận đầu tư, địa phương sẽ xem xét ra quyết định chủ trương đầu tư cho những dự án quy mô, sử dụng công nghệ hiện đại, hiệu quả và thân thiện với môi trường…   

Đối với quy hoạch phát triển điện mặt trời, quan điểm của tỉnh là tạo điều kiện thuận lợi để huy động vốn từ các thành phần kinh tế nhằm khai thác lợi thế so sánh về tài nguyên năng lượng lẫn đất đai một cách tối ưu. Quy hoạch này cũng gắn với chiến lược phát triển năng lượng chung và hài hòa với phát triển của các ngành kinh tế khác, đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội thiết thực cho địa phương… Mới đây, ông Đỗ Minh Kính - Giám đốc Sở Công Thương, thông tin: Tiềm năng điện mặt trời của Bình Thuận đang được rất nhiều nhà đầu tư quan tâm và mong muốn triển khai dự án. Trên lĩnh vực này, hiện đã có 3 dự án được cấp quyết định chủ trương đầu tư hoặc giấy chứng nhận đầu tư tại xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong với tổng vốn đăng ký 3.816 tỷ đồng. Bao gồm các dự án: Nhà máy Điện mặt trời Tuy Phong (được Công ty TNHH Doosung Vina đầu tư), Nhà máy Điện mặt trời Vĩnh Hảo (của Công ty CP Điện mặt trời Vĩnh Hảo), Nhà máy Điện mặt trời VSP Bình Thuận II (do công ty cùng tên dự án làm chủ đầu tư)… Bên cạnh đó, đến nay UBND tỉnh cũng có văn bản chấp thuận chủ trương khảo sát, nghiên cứu đầu tư cho gần 30 dự án điện mặt trời xin đăng ký triển khai trên địa bàn Bình Thuận. Trong đó có 2 dự án đã lập bổ sung quy hoạch phát triển điện lực tỉnh và được Bộ Công Thương phê duyệt là: Nhà máy Điện mặt trời Eco Seido (công suất 40 MW) của Công ty CP Năng lượng xanh Eco Seido đầu tư, Nhà máy Điện mặt trời Đa Mi (công suất 47,5 MW) do Công ty CP Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi làm chủ đầu tư. Thêm dự án quy mô lớn (công suất 200 MW) có tên Nhà máy Điện mặt trời Sông Bình 2 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng đã lập bổ sung quy hoạch, hiện đang trình Bộ Công Thương phê duyệt…

Như vậy theo quy hoạch phát triển trong hơn 10 năm tới (năm 2030), Bình Thuận vẫn sẽ là địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút dự án sản xuất năng lượng “sạch” từ tiềm năng nắng và gió. Qua đó góp phần cho Bình Thuận sớm hình thành trung tâm năng lượng mang tầm quốc gia với tổng công suất đạt hơn 12.000 MW, riêng công suất tích lũy của điện gió là 2.500 MW và công suất điện mặt trời có thể đạt gần 3.820 MW.    

QUỐC TÍN



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những dự án hình thành nhờ… nắng và gió