Theo dõi trên

Nói rõ thêm việc nhận chìm vật, chất ở biển Vĩnh Tân

19/07/2017, 09:41

BT- Thời gian qua, sau khi Bộ Tài nguyên và Môi trường có Giấy phép số 1517/GP-BTNMT ngày 23/6/2017 cho phép Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 được nhận chìm vật, chất với khối lượng 918.533 m3 tại vùng biển Vĩnh Tân (Tuy Phong) đã có nhiều dư luận đồng tình và không đồng tình. Không chỉ trong dư luận xã hội mà vấn đề này cũng được đề cập, bàn thảo khá nhiều trong các hội nghị, hội thảo, mới đây nhất là tại Hội nghị Ban chấp hành Tỉnh ủy lần thứ 15 (khóa XIII) và Kỳ họp thứ 4 HĐND tỉnh (khóa X). Qua nghiên cứu các tài liệu, các vấn đề dư luận quan tâm và trao đổi với các nhà quản lý, các nhà khoa học chuyên ngành, Báo Bình Thuận xin nói rõ hơn một số vấn đề liên quan đến hoạt động nhận chìm để độc giả nắm thêm tình hình.

1.Việc nhận chìm vật, chất ở biển dựa trên cơ sở nào?

Hoạt động nhận chìm ở biển được đề cập ở nhiều văn bản của luật pháp quốc tế về môi trường, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 và các nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc về đại dương và Luật Biển. Công ước London 1972 và Nghị định thư về Công ước trong đó có quy định: Chất nạo vét là chất được đưa lên từ đáy biển và việc đưa nó trở lại biển là một việc làm tự nhiên, nếu nó không chứa những chất độc hại và có khả năng làm thay đổi môi trường biển theo chiều hướng xấu đi.

Theo số liệu của Tổ chức hàng hải quốc tế, năm 2016 vật liệu nạo vét chiếm khoảng 80-90% các vật, chất được phép nhận chìm, với tổng lượng khoảng 250 triệu đến 500 triệu tấn được cấp phép nhận chìm ở biển hàng năm.

Ở Việt Nam, việc nhận chìm ở biển đã được quy định chi tiết trong Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo năm 2015 và Nghị định số 40/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

 2. Vật, chất nhận chìm có là chất độc hại không?

Vật, chất được nhận chìm có khối lượng là 918.533 m3, bao gồm 20% là bùn, 80% là cát, vỏ sò, sạn sỏi, cát kết phong hóa, cát pha, sét, đá phong hóa thu được từ hoạt động nạo vét vũng quay tàu và khu nước trước bến chuyên dùng phục vụ Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1. Vật, chất được phép nhận chìm thuộc Danh mục vật, chất được nhận chìm ở biển theo Nghị định số 40/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ, không phải là chất thải từ hoạt động của nhà máy như một số người lầm tưởng. Thành phần vật, chất được phép nhận chìm không chứa chất phóng xạ, chất độc, chất thải nguy hại vượt quy chuẩn an toàn bức xạ, quy chuẩn kỹ thuật môi trường; nó chỉ là bùn, cát… đã nằm ở biển và nay được đưa đến vùng biển nơi khác. Vấn đề quan tâm khi đổ chất nạo vét là độ đục của nước chứ không phải là hàm lượng của chất độc hại.

 3. Tại sao không đổ vật chất nạo vét trên bờ? 

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Thuận, vật, chất nạo vét không thể lưu giữ, xử lý trên đất liền vì cần phải có diện tích lớn, trong khi địa hình huyện Tuy Phong phức tạp, không có mặt bằng để lưu giữ, xử lý. Đồng thời việc đưa vật chất nhiễm mặn lên bờ sẽ gây nhiễm mặn cho đất và nguồn nước xung quanh (trường hợp đồng muối Thông Thuận là một ví dụ). Mặt khác nếu vật, chất để lâu ngày trên đất liền khi gặp nắng, gió sẽ phát tán gây ô nhiễm môi trường.

4. Tại sao nhận chìm ở vị trí cách Hòn Cau 8 km?

Khu vực nhận chìm thuộc vùng biển xã Vĩnh Tân, có diện tích 30 ha, cách Hòn Cau 8 km, nằm trong diện tích 300 ha đã được xác định trong báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án đầu tư xây dựng bến chuyên dùng phục vụ Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt tại Quyết định số 1751 ngày 24/7/2014.

Kết quả khảo sát hiện trường nền đáy biển khu vực đổ chất nạo vét chủ yếu là nền cát với rất ít sinh vật sinh sống. Vì vậy hoạt động đổ chất thải sẽ ít ảnh hưởng tới đa dạng sinh học và nguồn lợi thủy sản ở vùng này.

Độ sâu lớn nhất của khu vực nhận chìm là -36,1m (sau khi nhận chìm còn -33m) trong khi đó, độ sâu của Khu bảo tồn biển Hòn Cau từ - 5m đến -10m nên khó có khả năng dịch chuyển vật, chất nhận chìm ở đáy biển đến Khu bảo tồn biển Hòn Cau…

 5. Nhận chìm khu vực này có bị ảnh hưởng bởi “nước trồi”?

Theo một số nghiên cứu, hệ thống nước trồi ở đây có tâm cách bờ khoảng 100 km, ở vùng biển có độ sâu rất lớn. Vì khu vực nhận chìm có độ sâu nhỏ (chỉ dưới 40 m) so với tâm “nước trồi”, dòng chảy từ khu vực nước trồi vào khu vực này gần như theo phương ngang và có vận tốc nhỏ hơn rất nhiều so với dòng gió và dòng triều, nên nó hầu như không ảnh hưởng đáng kể tới việc vận chuyển nước đục đi xa.

Mặt khác, thời gian cấp phép nhận chìm chỉ thực hiện từ tháng 6 đến hết tháng 10 năm 2017, là gió mùa Tây Nam hoạt động, quá trình vận chuyển nước đục chủ yếu xảy ra do dòng chảy gió và dòng chảy triều chủ yếu theo hướng đông bắc, nên hướng phát tán vật, chất không hướng về Khu bảo tồn biển Hòn Cau và các khu vực nuôi trồng hải sản ven bờ.

Phương tiện nhận chìm được sử dụng là các xà lan phễu chuyên dụng, nhận chìm theo hình thức mở đáy xà lan và sử dụng lưới chắn bùn nhằm giảm thiểu phát tán vật, chất do tác động của sóng, gió đến môi trường biển.

 6. Thực hiện chặt chẽ việc giám sát hoạt động nhận chìm

Vấn đề quan trọng nhất là phải thực hiện việc kiểm tra, giám sát đặc biệt.  Giấy phép nhận chìm đã quy định Chương trình quan trắc, giám sát độc lập tại 13 điểm do Viện Hải dương học thuộc Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam (đơn vị giám sát độc lập) thực hiện với sự tham gia của đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành liên quan và chính quyền địa phương (tỉnh, huyện, xã) để quan trắc, giám sát nguồn gây tác động đến môi trường và đối tượng có thể bị tác động do hoạt động nhận chìm; kịp thời phát hiện và xử lý các tác động tiêu cực đến môi trường nhằm bảo đảm an toàn môi trường biển, Khu bảo tồn Hòn Cau, khu sản xuất nuôi tôm giống, bảo đảm sản xuất và an toàn đời sống của người dân tại Vĩnh Hảo, Vĩnh Tân. Nếu vi phạm hoặc không thực hiện đầy đủ các điều kiện quy định thì phải kiến nghị ngưng ngay hoạt động nhận chìm và đơn vị thực hiện việc nhận chìm phải chịu hoàn toàn trách nhiệm theo quy định pháp luật.

Cùng với việc giám sát chặt chẽ hoạt động nhận chìm, UBND tỉnh đã có văn bản kiến nghị Bộ Tài nguyên & Môi trường sớm đưa Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân vào chương trình giám sát đặc biệt và thành lập Tổ giám sát Trung ương để giám sát tình hình môi trường tại khu vực này. Chỉ đạo rà soát, lập báo cáo chiến lược cho toàn bộ các dự án tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân (đặc biệt là tác động của các bãi thải xỉ, tác động của tổng lượng nước làm mát các nhà máy thải ra biển, tác động của quá tình nạo vét - nhận chìm, tác động cộng hưởng của các ống khói, hiện tượng thay đổi dòng chảy ven bờ, xói lở bờ biển…) để có đánh giá một cách hệ thống, toàn diện hơn, từ đó đưa ra các giải pháp phòng chống, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, sự cố môi trường cho phù hợp với thực tế tại khu vực này.                                                     

THẾ NAM



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nói rõ thêm việc nhận chìm vật, chất ở biển Vĩnh Tân