Theo dõi trên

Nông nghiệp công nghệ cao: Xu hướng tất yếu năm 2017

02/01/2017, 10:33

BT- Trước thềm năm mới 2017, dư luận cả nước rất phấn khởi với cam kết của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị xây dựng nền  nông nghiệp công nghệ cao vừa diễn ra ở TP. HCM. Đó là: “Chính phủ sẽ ưu tiên hỗ trợ, tạo điều kiện về đất đai, vốn… cho bất cứ hộ nông dân, địa phương, doanh nghiệp nào làm nông nghiệp công nghệ cao để xây dựng nền công nghiệp nông nghiệp cho Việt Nam trong tương lai”… Rõ ràng trước cơ hội lẫn thách thức toàn cầu hóa như hiện nay, việc quan tâm đầu tư nông nghiệp công nghệ cao là xu hướng tất yếu để tạo ra sản phẩm nông nghiệp có giá trị vượt trội, đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của người tiêu dùng.

                
      
Mô hình sản xuất nông nghiệp trong nhà kính    được thanh niên địa phương quan tâm học hỏi.

1. Ngay tại Bình Thuận, dù là địa phương chưa có thế mạnh về nông nghiệp công nghệ cao nhưng gần đây cũng cho thấy một số doanh nghiệp thể hiện sự quan tâm vấn đề này. Trong năm 2016, Công ty TNHH Cửu Long (thuộc Công ty TNHH Thông Thuận) quyết tâm khởi động dự án đầu tư trồng cây ngắn ngày và chăn nuôi bò sữa, bò thịt công nghệ cao. Hiện doanh nghiệp đã tiến hành nhập 3 giống bò chất lượng từ Úc đưa về nhân giống tại xã Sông Bình, huyện Bắc Bình. Bao gồm bò Angus, bò Brahman, bò Drought Master mà theo lý giải của lãnh đạo công ty thì các giống bò này thích nghi khá tốt khí hậu nhiệt đới và cho năng suất cao. Đồng thời cả 3 giống bò đều có hình thể chắc chắn, khỏe mạnh với con đực trưởng thành có thể nặng đến 1 tấn, còn con cái có trọng lượng trung bình từ 500 - 600 kg, tỷ lệ xẻ thịt đạt trên 60%. 

Chưa dừng ở đó, Công ty TNHH Thông Thuận còn thành lập Công ty CP Sữa Thông Thuận (Thong Thuan Milk) nhằm hướng tới đầu tư xây dựng khu nuôi bò sữa công nghệ cao với dự định ban đầu sẽ nhập từ Mỹ hàng ngàn con bò phục vụ cho nhà máy chế biến ngay tại huyện Bắc Bình. Được biết toàn bộ dự án từ khâu thiết kế đến khâu lắp đặt thiết bị, lựa chọn bò giống, quản lý nuôi đàn bò, thu hoạch sữa được doanh nghiệp ký hợp đồng trọn gói tư vấn với một tập đoàn có uy tín của Thụy Điển. Theo dự án ngoài đầu tư trồng cây ngắn ngày và chăn nuôi bò sữa, bò thịt công nghệ cao, Công ty TNHH Thông Thuận tiếp tục hình thành nhà máy giết mổ gia súc với công suất dự kiến khoảng 2.000 tấn thịt/năm để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ thịt bò trong và ngoài nước…

2. Khép lại năm 2016, kim ngạch xuất khẩu tôm Việt Nam đạt mức kỷ lục với hơn 3,1 tỷ USD, mở ra tiềm năng sản xuất, chế biến sản phẩm lợi thế mà trong đó Bình Thuận chính là nơi cung cấp con giống hàng đầu của cả nước. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 130 cơ sở sản xuất giống thủy sản với hàng trăm trại giống được các thị trường tiêu thụ đánh giá con giống đạt chất lượng tốt, tỷ lệ nuôi thành công cao. Về vấn đề này, đại diện Hiệp hội Tôm Bình Thuận cho biết: Thực tế, con giống quyết định đến 60 - 70% sự thành công của người nuôi tôm thịt, vì vậy chất lượng con giống rất quan trọng với sự phát triển nghề nuôi tôm ở Việt Nam… Để nâng cao hơn nữa chất lượng tôm giống, nhiều doanh nghiệp ở địa phương luôn dành sự quan tâm tương xứng theo hướng áp dụng công nghệ cao bằng việc đầu tư trang thiết bị hiện đại, quy mô sản xuất lớn, đào tạo đội ngũ kỹ thuật lành nghề. Đối với nguồn tôm bố mẹ thẻ chân trắng, các cơ sở chủ yếu nhập khẩu tôm CP - Thái Lan, SIS - Singapore, SIS - Mỹ hoặc Konabay - Mỹ và ngày càng có nhiều doanh nghiệp sản xuất tôm giống theo “đơn đặt hàng” nhằm nâng cao chất lượng con giống.

3. Có thể khẳng định, nông nghiệp công nghệ cao là xu hướng tất yếu đối với bất cứ đối tượng nào có dự định đầu tư vào lĩnh vực này. Thế nên cách đây vài tháng, lần đầu tiên Tỉnh đoàn Bình Thuận đã tổ chức chuyến tham quan, học tập kinh nghiệm từ mô hình sản xuất hiệu quả tại Lâm Đồng dành cho thanh niên địa phương. Từ đây không ít bạn trẻ ấp ủ hoài bão xây dựng trang trại rau sạch áp dụng theo mô hình nhà kính, có hệ thống phun tưới nhỏ giọt nhằm đảm bảo cây trồng cho năng suất cao, chất lượng sản phẩm tốt, ít bị tác động điều kiện khí hậu bên ngoài.

Với Chính phủ, không những khẳng định tạo ra cơ chế khuyến khích nông nghiệp công nghệ cao mà còn chỉ đạo ngân hàng dành một gói tín dụng hỗ trợ rất lớn (khoảng 50.000 - 60.000 tỷ đồng) cho doanh nghiệp tham gia trên lĩnh vực này. Như vậy, doanh nghiệp hay hộ nông dân cả nước nói chung cũng như Bình Thuận nói riêng cần mạnh dạn định hướng chiến lược phát triển, quan tâm đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao để góp phần từng bước đưa Việt Nam trở thành quốc gia có nền nông nghiệp hiện đại trong tương lai gần.       

QUỐC TÍN



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nông nghiệp công nghệ cao: Xu hướng tất yếu năm 2017