Theo dõi trên

Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao: Còn nhiều rào cản

01/12/2017, 09:14 - Lượt đọc: 18

BT- Trong những năm gần đây, việc thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao là hướng đi đúng trong phát triển nông nghiệp tại Bình Thuận. Sản phẩm của nông nghiệp công nghệ cao đã và đang từng bước chiếm lĩnh thị trường, đem lại thu nhập cao cho doanh nghiệp, nông dân. Tuy nhiên nói thì dễ nhưng đặt mình vào vị trí của những doanh nghiệp, những chủ trang trại hay người nông dân mới thấy còn quá nhiều rào cản và khó khăn khi đi theo hướng này…

                
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm quan khu    chăn nuôi bò sữa.

Cơ sở hạ tầng, tranh chấp đất đai

Trong tháng 4 vừa qua, sự kiện khởi công Dự án Khu phức hợp nông nghiệp công nghệ cao chăn nuôi bò và chế biến các sản phẩm từ sữa tại xã Sông Bình, huyện Bắc Bình, do Công ty cổ phần sữa Thông Thuận làm chủ đầu tư được coi là dấu ấn lớn trong sự phát triển ngành nông nghiệp của tỉnh. Lễ động thổ dự án có sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khiến buổi lễ càng thêm trang trọng hơn. Thế nhưng cho đến nay dự án không tiến triển bao nhiêu do vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng, giải quyết các tranh chấp về đất đai mà mới đây UBND tỉnh đã phải có văn bản chỉ đạo.

Phải thừa nhận, những năm gần đây, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, kết cấu hạ tầng ở khu vực nông thôn của tỉnh ta đã có những chuyển biến tích cực. Song, so với yêu cầu của sản xuất nông nghiệp với quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao thì vẫn còn khoảng cách khá xa. Đáng nói là, hệ thống đường giao thông nông thôn và các cơ sở hạ tầng vẫn chưa theo kịp tốc độ phát triển và tiềm lực của các vùng kinh tế sản xuất nông, lâm nghiệp. Điều này đã và đang là một trở ngại lớn cho các doanh nghiệp khi muốn đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở các khu vực có hạ tầng nông thôn kém phát triển. Ai đã từng đến với trang trại Nông Viên Việt ở thôn 2, Hồng Sơn, Hàm Thuận Bắc thì mới cám cảnh chuyện cơ sở hạ tầng ở đây. Với diện tích 2,5 ha, cách ly với khu dân cư, Nông Viên Việt tập trung sản xuất các loại  rau theo quy trình VietGAP.  Đây là quy trình sản xuất ra các loại rau hoàn toàn sạch. Để thực hiện quy trình này trang trại phải tuân thủ các nguyên tắc, trình tự, thủ  tục hướng dẫn  sản xuất, thu hoạch, xử lý sau thu hoạch nhằm đảm bảo an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo  sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng; đồng thời bảo vệ môi trường và truy xuất được nguồn gốc sản xuất. Đây cũng là trang trại đầu tiên ra mắt được chuỗi cửa hàng rau sạch cho thành phố du lịch Phan Thiết. Thế nhưng chỉ một chuyện “nhỏ mà không nhỏ” khiến doanh nghiệp cũng đau đầu. Lẽ ra đường vào trang trại có một con đường chung, chỉ cần tốn tầm 50 triệu đồng cải tạo lại sẽ là một con đường khá thuận lợi cho việc chuyên chở hàng hóa, nhưng bỗng dưng lại nảy ra chuyện tranh chấp đất mà đợi đến khi giải quyết dứt điểm của chính quyền địa phương thì không biết đến bao giờ, dù doanh nghiệp cho rằng việc tranh chấp đó hết sức vô lý. Để sớm có lối đi, doanh nghiệp đã phải làm một con đường khác xa hơn, vòng vèo khó đi hơn với chi phí lên đến 370 triệu đồng. Rõ ràng trong việc này địa phương còn bị động, chưa phối hợp kịp thời giúp đỡ cho doanh nghiệp sớm giải quyết vướng mắc.

 Nguồn vốn và đầu ra

Nông nghiệp công nghệ cao ở Bình Thuận tuy chưa định hình rõ nét, nhưng một số doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình đã từng bước nghiên cứu áp dụng công nghệ mới vào sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế như trồng thanh long VietGAP, GlobalGAP; chăn nuôi an toàn sinh học ở Đức Linh, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân; mô hình sản xuất chế phẩm sinh học Ometar phòng trừ rầy nâu trên lúa tại huyện Hàm Thuận Bắc và Bắc Bình; sản xuất giống và nấm linh chi thương phẩm; sản xuất rượu, nước giải khát từ trái thanh long… Tuy nhiên, có thể thấy là các mô hình này chỉ ở mức độ hạn hẹp, hiệu quả đưa lại cũng chỉ trong một giới hạn nhất định.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường từng chia sẻ, Nhà nước phải có vai trò tư vấn số liệu, định hướng, cung cấp thông tin thị trường, “trải thảm đỏ” về vốn, đồng thời với việc xóa bỏ các rào cản về thủ tục hành chính cản chân doanh nghiệp, tạo điều kiện tốt nhất để triển khai đề án phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Nói gì thì nói, muốn làm ăn lớn trước hết phải có vốn lớn đầu tư cho việc xây dựng kết cấu hạ tầng, xử lý môi trường, đầu tư giống cây trồng, vật nuôi, đào tạo người lao động, giới thiệu sản phẩm. Mới đây chúng tôi ghé 1 trang trại của người bạn ở Hàm Phú, Hàm Thuận Bắc, cũng tự chế tạo ra các nhà kính, nhà lưới, hệ thống tưới phun sương… và với giá thành thấp nhất cũng tốn một chi phí không nhỏ. Vì thế những hộ làm được như vậy chưa nhiều, vì chi phí đầu tư lớn. Cái khó bó cái khôn, ai cũng biết nếu làm được hệ thống che chắn, bảo vệ thì cây sẽ sinh trưởng, phát triển tốt, giá bán sẽ cao, nhưng không có vốn thì đành chịu.

Vần đề đầu ra còn rất nhiều khó khăn, từng chứng kiến bạn tôi làm theo mô hình trồng nấm bào ngư phải tự tìm mối nhỏ lẻ bỏ ở các chợ nhưng không nhiều mà thấy xót xa. Chi phí sản xuất cao khiến giá thành sản phẩm cao hơn so với sản phẩm thông thường. Bên cạnh đó do nhận thức của không ít người dân vẫn chưa nắm bắt được sản phẩm sạch, an toàn cho sức khỏe nên chưa sử dụng nhiều…

Thiết nghĩ, để tạo động lực phát triển đúng hướng nông nghiệp công nghệ cao cần có sự hỗ trợ rất nhiều từ Nhà nước, từ các cấp, ngành chức năng tháo gỡ những rào cản.

Hà Thu Thủy



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao: Còn nhiều rào cản