Theo dõi trên

Nước mắm Phan Thiết làm mới mình sau sự kiện Arsen

20/09/2017, 16:59

 BTO- Mùa cá cơm năm 2017 tại Tp. Phan Thiết đang chuẩn bị bước vào cuối vụ. Thời gian qua, sản lượng khai thác loài cá này đạt khá cao, giúp cho các cơ sở sản xuất nước mắm của địa phương có được nguồn nguyên liệu dồi dào để muối chượp. Niềm vui nguồn cung phong phú, cộng với đó là những tín hiệu tích cực từ thị trường giúp người sản xuất nước mắm ở Phan Thiết yên tâm mở rộng sản xuất.

                
   Chuẩn bị muối để    muối chượp tại Công ty TNHH nước mắm Mai Hương

Những ngày qua, tranh thủ nguồn cá cơm cập bến dồi dào, ông Huỳnh Đức Ngọc – Chủ cơ sở sản xuất nước mắm Ngọc Định (phường Hàm Tiến) tất bật thu mua để phục vụ muối chượp. Hiện nay, cơ sở của ông có 350 mái muối cá, với tổng sản lượng 28 ngàn lít mỗi năm. Những ngày cuối vụ cá nam này, ông Ngọc đang mua thêm cá cơm để đổ đầy một số mái còn trống.

Không chỉ riêng cơ sở của ông Huỳnh Đức Ngọc mà vụ cá nam năm nay, nhiều cơ sở sản xuất nước mắm đóng chai ở Phan Thiết cũng có chung niềm vui nhờ nguồn cung nguyên liệu phong phú. Bên cạnh đó, thời điểm hiện nay cũng đánh dấu gần một năm sau sự kiện mập mờ thông tin về Arsen trong nước mắm truyền thống. Còn nhớ cùng thời điểm này năm 2016, Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) công bố thông tin chấn động: 69% mẫu nước mắm truyền thống được kiểm định đều có hàm lượng Arsen gây hại vượt ngưỡng cho phép. Thông tin này sau đó đã được các nhà khoa học vào cuộc xác minh, kết luận là chưa chính xác. Vậy là, từ việc tưởng chừng nước mắm truyền thống sẽ bị chết mòn thì vô hình trung, sự kiện Arsen lại là thời cơ để các cơ sở nước mắm truyền thống mở rộng sản xuất.

Tại Công ty TNHH nước mắm Mai Hương (phường Phú Hài, Tp. Phan Thiết) do ông Phạm Cao Khương làm Giám đốc, từ sau sự kiện Arsen đến nay, công ty đã và đang từng bước đẩy mạnh mảng đóng chai mang thương hiệu riêng. Trước đây, khi mới bước vào nghề, ông Khương chỉ đơn thuần sản xuất gia công cho các công ty nước mắm công nghiệp. Về sau, nhận thấy sự phụ thuộc quá lớn này, ông Khương đã âm thầm tìm hướng đi bằng việc phát triển thị trường nước mắm đóng chai mang thương hiệu riêng. Tất nhiên, để “lấy ngắn nuôi dài” trong bối cảnh tiềm lực kinh tế còn hạn chế, ông Khương áp dụng phương án vừa bán nước mắm xá, vừa giữ lại một phần sản xuất để đóng chai. Đến nay, sản phẩm nước mắm Mai Hương của ông đang dần có chỗ đứng trên thị trường khu vực các tỉnh phía Nam. Đồng thời, ông còn phát triển thị trường tại một số nước như Úc, Phillipines… “Các doanh nghiệp nước mắm truyền thống hiện nay đa phần nằm ở dạng nhỏ và siêu nhỏ. Cho nên về mặt đầu tư để sản xuất thì có thể thực hiện theo khả năng của mình, thế nhưng đầu tư để làm thị trường thì gặp rất nhiều khó khăn. Nước mắm truyền thống của mình mà muốn đi vào được thị trường thì trước hết mình phải đưa vào những sản phẩm mà nước mắm công nghiệp không thể có được, đó là những sản phẩm có độ đạm cao, ít nhất là cũng phải đạt 30 độ đạm trở lên” - ông Phạm Cao Khương cho biết thêm.

                
   Kiểm tra độ chín của    nước mắm

Có thể thấy, 1 năm sau sự kiện Arsen, các doanh nghiệp sản xuất nước mắm truyền thống trên cả nước nói chung và Tp. Phan Thiết nói riêng đang “sống” khỏe. Điều này không chỉ thể hiện qua việc các cơ sở nước mắm mở rộng việc sản xuất, mà còn qua cách tư duy, định hướng về phát triển nước mắm truyền thống của các doanh nghiệp. Ngay tại Hiệp hội nước mắm Phan Thiết, nơi có rất nhiều thành viên trước giờ vẫn chỉ đơn thuần bán sản phẩm thô thì nay đã có hướng phát triển mới. “Hoạt động sản xuất nước mắm truyền thống bây giờ thì cuộc họp nào chúng tôi cũng động viên hội viên là nên đóng chai. Một là mình xây dựng thương hiệu, chất lượng nước mắm của mình cũng tốt lên và cái uy tín của mình khi vào thị trường được nhiều người biết đến. Mình bán đóng chai thành phẩm thì giá nó cũng cao hơn. Thế thì mấy anh em trong Hiệp hội cũng bàn với nhau là muốn xây dựng một công ty cổ phần, để mình góp sản phẩm của mình vào đóng chai, xây dựng thương hiệu. Tuy nhiên, từ ý tưởng bàn bạc cho đến đi đến thực tế thì hiện vẫn còn nhiều khó khăn do chưa đạt được sự thống nhất cao. Thời gian tới chúng tôi sẽ cố gắng tiếp tục triển khai ý tưởng này trong hội viên” - ông Trương Quang Hiến, Chủ tịch Hiệp hội nước mắm Phan Thiết chia sẻ.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế, phát triển thị trường luôn là vấn đề cực kỳ quan trọng trong chuỗi sản xuất hàng hóa. Trong khi đó, những doanh nghiệp nước mắm truyền thống trước giờ vẫn chỉ mạnh trong khâu sản xuất; còn vấn đề tiêu thụ sản phẩm thì chưa thật sự chú trọng, hoặc đơn giản là chưa đủ lực để làm tốt hơn. Tuy nhiên, có thể thấy rằng từ sau sự kiện Arsen trong nước mắm, không ít doanh nghiệp nước mắm ở Phan Thiết đã và đang thay đổi tư duy trong cách tiếp cận thị trường. Bằng chữ tín, cộng với lợi thế chủ động trong khâu tạo ra chất lượng sản phẩm, nước mắm truyền thống đang từng bước khẳng định lại uy tín trong lòng người tiêu dùng.

 Châu Tỉnh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nước mắm Phan Thiết làm mới mình sau sự kiện Arsen