Theo dõi trên

Nước và đất rừng sản xuất

25/04/2019, 10:22 - Lượt đọc: 80

BT- Đi dọc theo tuyến kênh Sông Móng - Đu Đủ - Tân Lập - Tà Mon, nhất là đoạn Sông Móng - Đu Đủ là thấy sự khác biệt rất lạ. Một đoạn là vườn thanh long xanh um, mát mắt, cỏ mọc ken dày trên đất khiến không gian chung cũng tươi mát theo. Một đoạn là rừng keo lai đứng chết khô, nền đất khằn lên những sỏi và đá cuội, cảm giác nắng nóng hầm hập, dù chỉ cách tuyến kênh đầy nước đang chảy về hồ Đu Đủ chỉ một con đường. Hai hình ảnh trên khiến những ai chứng kiến đều cảm nhận như đang có sự lãng phí gì đó về tài nguyên đất, nước. Và qua đó cũng khẳng định việc cải tạo đất của người dân đã thành công, đã thực sự biến “sỏi đá thành cơm” trên thực tế, chứ không phải lý thuyết nữa. Vì thế, lại đặt câu hỏi sao không chuyển đất rừng sản xuất này qua đất nông nghiệp để phát huy ưu thế, nhất là cây thanh long phát triển tốt trên vùng đất này. Nhưng đó lại là câu chuyện dài..

Có thể hình dung rất rõ, khi chưa có tuyến kênh, đất vùng này được loại vào đất không có dinh dưỡng, chẳng thể trồng trọt được gì nên người dân cũng không tìm đến khai hoang sản xuất. Và đó là lý do, Công ty Lâm nghiệp Bình Thuận bấy giờ đã được Nhà nước cấp đất khoảng 7.000 - 8.000 ha ở Hàm Thuận Nam để trồng rừng. Trong đó có nhiều vùng đất xấu nên trồng rừng cũng không hiệu quả, trồng nhiều nhưng sống ít, lay lắt. Mãi đến khi tuyến kênh chuyển nước Sông Móng - Đu Đủ - Tân Lập - Tà Mon đi qua, nhiều người dân có đất ven kênh đã nỗ lực biến “sỏi đá thành cơm” nên đã tạo ra sự khác biệt trên. Có nước là có thể trồng bất cứ cây gì, ngay cả cây rừng. Việc trồng rừng có nước ở một số nơi cũng có thể đem lại hiệu quả, nhất là rút ngắn được 50% thời gian sinh trưởng. Ví dụ như keo lai ở vùng không nước thường trồng 6 năm thu hoạch thì ở vùng có nước có thể chỉ còn 3 năm. Nhưng nếu đem điều đó áp dụng tại vùng đất mà bên cạnh là cây thanh long có nhiều ưu thế như thời gian thu hoạch ngắn hơn rất nhiều, có giá bán vào lúc thị trường cần cũng cao hơn rất nhiều… rồi cả điểm yếu là nguồn nước cũng không dồi dào thì việc canh tác cây rừng có nước trên có vẻ gì đó không biết làm ăn lắm.

Đấy cũng là lý do mà mới đây, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bình Thuận đã có tờ trình gửi tỉnh về việc đề nghị đưa khoảng 700-800 ha đất không thể trồng rừng chuyển qua sản xuất nông nghiệp. Ở góc độ quản lý địa bàn, Huyện ủy Hàm Thuận Nam đã có kiến nghị, đề xuất lên tỉnh cho rà soát, đánh giá lại hiệu quả sử dụng diện tích đất lâm nghiệp trên địa bàn huyện trong thời gian qua đã giao cho các tổ chức khoanh nuôi bảo vệ và trồng rừng quản lý, khai thác nhưng không hiệu quả. Đồng thời có kế hoạch, biện pháp quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp hiệu quả hơn, góp phần thúc đẩy kinh tế của huyện và của tỉnh phát triển. Có vẻ đến lúc cần xem lại những vùng đất để trồng rừng hay sản xuất nông nghiệp nhằm không làm lãng phí tài nguyên.

Bích Nghị



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nước và đất rừng sản xuất