Theo dõi trên

Phân bón sẽ tăng giá cao?

11/08/2017, 11:23 - Lượt đọc: 10

BT- Với mức thuế tự vệ tạm thời là 1.855.790 đồng/tấn đối với phân DAP, MAP nhập khẩu được áp dụng bắt đầu từ ngày 19/8 tới, phân bón - mặt hàng vốn lâu nay chưa bao giờ hạ giá sẽ có dịp tăng giá rất cao.

Mặt hàng không thể thiếu

Hai loại phân bón MAP, DAP đều được dùng bón lót, bón thúc cho nhiều loại cây trồng hoặc sử dụng để sản xuất các sản phẩm khác như NPK. Chính vì vậy, khi điều kiện đất đai, thời tiết suôn sẻ, sản xuất thuận lợi cũng là khi lĩnh vực kinh doanh phân bón nhộn nhịp, nổi bật vẫn là 2 mặt hàng trên. Đó là lý do vì sao 6 tháng đầu của năm nay, sản xuất mở rộng, thúc đẩy phân bón nhập khẩu ồ ạt. Vấn đề đáng bàn phân bón nhập khẩu có giá rẻ hơn cùng mặt hàng sản xuất trong nước, do phần lớn hàng nhập từ Trung Quốc, mà nước này thay đổi chính sách thuế nhiều mặt hàng phân bón xuống 0%. Dù vậy, trong thời gian này, tại Bình Thuận, người trồng lúa, trồng thanh long và các loại hoa màu khác đều khẳng định giá phân bón không hạ.

Ông Nguyễn Văn Hùng ở Võ Xu - Đức Linh cho biết vụ đông xuân vừa qua, chi phí phân bón sản xuất lúa trên 1 ha nằm ở 15 triệu đồng, không thấp hơn vụ trước. Vụ đông xuân thường ít sâu bệnh nên năng suất cao 60-70 tạ/ha, có lợi nhuận. Còn vụ hè thu này, do bị ảnh hưởng áp thấp vừa rồi, lúa ngã đổ nên gia đình ông thất thu, bán lúa chỉ đủ trả tiền phân thuốc. Qua cách nói của ông Hùng có thể hình dung người dân mua chịu phân bón và đến cuối vụ thu hoạch sẽ trả nên cũng đương nhiên không thể mua được phân bón với giá thực tế trên thị trường. Còn theo ông Lâm Văn Dư, dân trồng thanh long ở Hàm Minh – Hàm Thuận Nam, bao năm quan sát thấy giá thanh long có thể rớt giá rất thấp nhưng giá phân bón thì không, dù sức mua có ít đi chăng nữa. Bởi nếu dân trồng thanh long không mua thì dân trồng các loại cây hoa màu khác như bắp, đậu, mè… cũng mua nên người bán phân không bao giờ hạ giá. Vả lại, cây trồng nào để phát triển cũng cần bón lót, bón thúc nên 2 mặt hàng trên không thể thiếu. 

Thuế tự vệ tạm thời

Phân bón Trung Quốc nhập vào có giá bán thấp so với giá phân bón sản xuất trong nước trong thời gian qua thực sự chưa tạo ra một điểm khác biệt nào đối với người nông dân. Thế nhưng, ở góc độ của các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh phân bón, đây là lý do để Bộ Công Thương căn cứ vào điều 2.1 của Hiệp định về tự vệ của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và khoản 1 điều 4 của Nghị định về tự vệ, nhập khẩu hàng hóa để ban hành Quyết định 3044/2017 về việc áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với các sản phẩm phân bón DAP, MAP nhập khẩu. Mục đích chính của quyết định này là làm cho lượng phân bón DAP, MAP nhập khẩu giảm và giá nhập khẩu các sản phẩm này sẽ tăng lên vì phải chịu thuế tự vệ tạm thời. Từ đó, tạo sự công bằng cũng như bảo vệ phân bón sản xuất trong nước.

Theo quyết định, mỗi tấn DAP, MAP phải chịu mức thuế tự vệ tạm thời là 1.855.790 đồng, bắt đầu áp dụng từ ngày quyết định có hiệu lực là 19/8 tới và chấm dứt sau ngày 6/3/2018, tức thời gian thực hiện kéo dài gần 7 tháng. Sau đó có thể Bộ Công Thương sẽ ban hành quyết định áp dụng biện pháp tự vệ chính thức. Nhưng đó là chuyện sau này, trước mắt, theo tính toán của các cơ sở kinh doanh phân bón vào khoảng nửa cuối tháng 9 giá các loại phân bón DAP, MAP và NPK tại thị trường nội địa sẽ thay đổi. Có nghĩa trong vụ mùa và gần hết vụ đông xuân 2017-2018, phân bón sẽ tăng giá. Với cách thức mua bán theo kiểu mua trước, đến thu hoạch trả sau của nông dân, giá gốc phân bón tăng sẽ đẩy chi phí sản xuất chung tăng lên. Vì thế, để đối phó với giá phân bón tăng, người nông dân trong tỉnh nên tính toán lại cách thức sản xuất, nhất là về nhân công. Có thể đầu tư thêm máy móc để hạn chế thuê mướn lao động, vì giá nhân công đang có xu hướng tăng, do cạnh tranh với làm thanh long, khi thời gian này thanh long chong điện vào vụ, nhà vườn dốc sức để gỡ gạc vụ mùa vừa qua, vì không cho trái hoặc có để trái nhưng bán giá thấp.

Bích Ngh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phân bón sẽ tăng giá cao?