Theo dõi trên

Phát triển công nghiệp hỗ trợ: Còn nhiều khó khăn

27/06/2018, 08:35

BT- Thực hiện chiến lược phát triển công nghiệp hỗ trợ đến năm 2020, thời gian qua, mặc dù Bình Thuận gặp nhiều khó khăn, nhưng bước đầu đã thu hút đầu tư một số nhà máy sản xuất sản phẩm công nghiệp phụ. Hiện đã quy hoạch và đầu tư một số khu, cụm công nghiệp tạo mặt bằng trong thu hút đầu tư các dự án sản xuất công nghiệp; trong đó có ngành công nghiệp hỗ trợ…

Đến nay, Bình Thuận hiện có 2 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực ngành nghề công nghiệp hỗ trợ đầu tư gồm: Dự án sản xuất cản, bửng nhựa xe ô tô của Công ty TNHH IST Việt Nam, quy mô công suất 25 tấn sản phẩm/năm (100% vốn của Bỉ) đi vào hoạt động từ năm 2001.  Dự án sản xuất dây khóa kéo của Công ty TNHH phụ liệu may Kao Shing, quy mô công suất 480 tấn sản phẩm/năm (100% vốn Đài Loan); hiện đang đầu tư xây dựng cơ bản, chuẩn bị đi vào hoạt động. Trong năm 2017, tỉnh đã tạo điều kiện cho 2 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ  tham dự Hội thảo chuyên đề 1 “Kết nối phát triển công nghiệp hỗ trợ” tại Hội nghị ngành Công Thương khu vực phía Nam lần thứ IV, năm 2017 tại TP. Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên về công tác này vẫn gặp phải nhiều khó khăn, vướng mắc như: Kết cấu hạ tầng của tỉnh còn thiếu, chưa đồng bộ và hoàn chỉnh (chưa có sân bay, đường cao tốc), ảnh hưởng rất lớn đến việc thu hút phát triển ngành công nghiệp nói chung, trong đó có công nghiệp phụ trợ. Quy mô của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là vừa và nhỏ, vốn đầu tư thấp, không có điều kiện cũng như chưa quan tâm, chú trọng đầu tư mới, thiết bị công nghệ cao, sản phẩm chủ yếu phục vụ thị trường nội địa; do đó khó có thể tham gia vào chuỗi sản xuất của các doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài.  Nguồn nhân lực cao đáp ứng yêu cầu của các ngành sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ hiện nay trên địa bàn tỉnh còn thiếu và yếu. Việc triển khai các chính sách cho phát triển công nghiệp hỗ trợ, nhưng tới doanh nghiệp còn hạn chế. Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ còn vướng mắc rất nhiều về vốn ngân hàng, điều kiện hỗ trợ xúc tiến - kết nối cung cầu… 

Để thu hút, phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, thời gian tới Bình Thuận cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Trung ương để tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ thi công cơ sở hạ tầng như đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, nâng cấp quốc lộ 55, quốc lộ 55B, quốc lộ 28, quốc lộ 28B, sân bay Phan Thiết... và đầu tư nâng cấp hoàn chỉnh cảng vận tải tại La Gi theo quy hoạch.  Tăng cường công tác xúc tiến đầu tư theo hướng chủ động; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá tiềm năng, lợi thế và chính sách của tỉnh, phát huy tích cực vai trò của các sở, ngành chức năng và các địa phương trong hoạt động xúc tiến đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ…        

Vũ Hà



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phát triển công nghiệp hỗ trợ: Còn nhiều khó khăn