Theo dõi trên

Phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn Bình Thuận: Nhiều nhưng chưa “chất”...

02/07/2018, 09:35

BT - Với thêm 3 cụm công nghiệp được thành lập trong nửa đầu năm 2018, đến nay trên địa bàn Bình Thuận đã hình thành tổng cộng 25/34 cụm công nghiệp theo quy hoạch. So điều kiện thực tế của địa phương, số lượng cụm công nghiệp được thành lập trong thời gian gần đây là khá nhiều, nhưng còn về “chất” thì nhìn chung vẫn chưa như mong đợi!.

         
   

      

      Sản phẩm gạch không nung tại một cụm    công  nghiệp trên địa bàn Bình Thuận.

Thực trạng buồn

Theo Sở Công Thương Bình Thuận, qua rà soát cho thấy trong số các cụm công nghiệp đã thành lập, hiện tồn tại không ít trường hợp “chưa triển khai đầu tư hạ tầng”. Có thể kể đến hàng loạt cụm công nghiệp với tên gọi: Tân Bình 3 (La Gi), Ma Lâm và Hàm Đức (Hàm Thuận Bắc), Thắng Hải 3 và Sông Phan (Hàm Tân), Bắc Bình 1 (Bắc Bình), Tân Lập (Hàm Thuận Nam), Bắc Tuy Phong (Tuy Phong), Sùng Nhơn (Đức Linh), Phú Quý (huyện đảo Phú Quý)…

Trong khi đó, một số trường hợp được UBND tỉnh có chủ trương giao doanh nghiệp làm chủ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp lại thiếu tích cực đẩy nhanh tiến độ nên buộc tính đến “giải pháp cuối cùng”. Như đã thu hồi chủ trương đầu tư hạ tầng Cụm công nghiệp La Gi và Cụm công nghiệp Hải Ninh đối với Công ty CP Đầu tư Tân An Thành, bãi bỏ chủ trương lập hồ sơ đầu tư Cụm công nghiệp Mũi Né của Công ty TNHH Xây lắp Trường An. Tiếp nữa là đang xem xét năng lực và tâm huyết của chủ đầu tư hạ tầng Cụm công nghiệp Tân Bình 1, nếu không cải thiện tình hình thì sở chức năng sẽ tham mưu UBND tỉnh thu hồi dự án như quy định.

Thực trạng hiện nay cũng ghi nhận có không ít các cụm công nghiệp trên địa bàn Bình Thuận đang gặp khó trong công tác đền bù giải tỏa như Cụm công nghiệp chế biến mủ cao su Gia Huynh, Cụm công nghiệp Phú Long, Cụm công nghiệp Nam Tuy Phong… Ngoài ra còn có trường hợp được thành lập với diện tích quá nhỏ như Cụm công nghiệp hải sản Hòa Phú (Tuy Phong) chỉ với 5,72 ha nên không thể mời gọi các dự án thứ cấp quy mô.

Còn bất cập

Hiện toàn tỉnh Bình Thuận có 21 cụm công nghiệp ở các địa bàn đã thu hút, bố trí hơn 150 dự án đầu tư với tổng diện tích gần 210 ha, chiếm khoảng 41% đất công nghiệp. Tuy nhiên đây không phải “thành tích” đáng kể trong phát triển cụm công nghiệp, bởi phần lớn các cụm công nghiệp chưa được đầu tư hạ tầng, khi quy hoạch hiện trạng đã… có sẵn cơ sở, doanh nghiệp sản xuất. Chẳng hạn như Cụm công nghiệp Tân Lập (diện tích 30 ha) với mục đích hình thành nhằm tập trung các cơ sở sản xuất công nghiệp có quy mô vào cụm công nghiệp, góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường và thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước. Song, do các cơ sở sản xuất gạch nung thủ công trên địa bàn chuyển đổi sang công nghệ Hoffman đều tiến hành chuyển đổi tại chỗ, do vậy việc thu hút các nhà đầu tư vào cụm công nghiệp hiện gặp nhiều khó khăn, đến nay chưa triển khai đầu tư hạ tầng. Còn tại thị xã La Gi, Cụm công nghiệp Thắng Hải 2 (diện tích 40 ha) được UBND tỉnh có chủ trương giao cho Công ty CP Đầu tư và Phát triển công nghiệp Bảo Thư làm chủ đầu tư. Từ đầu năm 2014, nơi đây được khởi công xây dựng hoàn thành nền hạ trục đường chính, nhưng do quy hoạch cụm công nghiệp có ngành nghề đặc thù là chế biến sâu titan vì thế đã không tiếp tục triển khai thực hiện…

Thực tế bước đầu Bình Thuận đã hình thành một số cụm công nghiệp, tạo mặt bằng và bố trí dự án giải quyết việc làm cho lao động, góp phần tăng giá trị sản xuất ngành công nghiệp cũng tăng ngân sách địa phương… Dẫu vậy chính sách hỗ trợ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp dường như chưa đủ mạnh để thu hút, tạo điều kiện cho nhà đầu tư và doanh nghiệp tích cực “đổ vốn” thi công kết cấu hạ tầng, đầu tư sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp. Thêm nữa, việc bố trí vốn đầu tư hạ tầng ngoài hàng rào phụ thuộc vào tiến độ đầu tư hạ tầng kỹ thuật bên trong và khả năng lấp đầy cụm công nghiệp, nên khả năng đồng bộ về hạ tầng cụm công nghiệp là rất chậm.

Tại cuộc họp với nhà đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp và đại diện lãnh đạo địa phương liên quan vào cuối tháng 6/2018, ông Đỗ Minh Kính - Giám đốc Sở Công Thương cho biết ngành sẽ tổng hợp ý kiến về vấn đề khó khăn, bất cập thời gian qua. Đồng thời tiến hành rà soát để tìm giải pháp khắc phục vướng mắc, cần thiết tham mưu cấp thẩm quyền xem xét đưa ra quy hoạch một số trường hợp nhằm tạo điều kiện triển khai các cụm công nghiệp mới đem lại hiệu quả cao hơn…

Quốc Tín



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn Bình Thuận: Nhiều nhưng chưa “chất”...