Theo dõi trên

Phát triển kinh tế biển theo hướng chiều sâu và bền vững

29/09/2016, 08:01

BT- Trong những năm qua, kinh tế biển của Bình Thuận có bước phát triển đáng kể, tiềm năng kinh tế biển được khai thác ngày càng tốt hơn. Cơ cấu kinh tế biển chuyển dịch theo hướng tích cực, một số ngành, lĩnh vực phát triển khá nhanh, nhất là du lịch, dầu khí. Các mô hình khai thác hải sản xa bờ gắn với chế biến, dịch vụ hậu cần trên biển và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc ngày càng được phát huy, nhân rộng.

                
      
   Đóng tàu công suất lớn đánh bắt    ở vùng biển Trường Sa là góp phần phát triển kinh tế biển bền vững,    đồng thời bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Thực trạng

Giá trị sản xuất toàn ngành thủy sản trong năm 2015 đạt 6.654 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu đạt 115,05 triệu USD, chiếm khoảng 35% giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng hóa toàn tỉnh. Tổng sản lượng khai thác thủy sản đạt 211.500 tấn. Mô hình tổ khai thác hải sản trên biển gắn với dịch vụ hậu cần nghề cá, đánh bắt xa bờ phát triển khá nhanh, tàu trên 90CV hiện có 2.550 chiếc với tổng công suất 773.661 CV  và 120 tàu dịch vụ hậu cần xa bờ, sản lượng khai thác chiếm trên 52% sản lượng khai thác hải sản của tỉnh. Nuôi trồng thủy sản phát triển theo hướng thâm canh, diện tích nuôi nước lợ vùng ven biển khoảng 1.000 ha, chủ yếu nuôi tôm thẻ chân trắng. Sản xuất tiêu thụ tôm giống năm 2015 đạt 22 tỷ post. Công nghiệp chế biến thủy sản tiếp tục được đầu tư đổi mới công nghệ, cải tiến mẫu mã, chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường. Nhiều doanh nghiệp đã và đang đầu tư xây dựng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn HACCP, ISO. Toàn tỉnh hiện có 26 doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu và 289 cơ sở thu gom, sơ chế, chế biến thủy sản tiêu thụ nội địa. Năm 2015 sản lượng thủy sản chế biến đạt 47.618 tấn, sản xuất nước mắm đạt 36,73 triệu lít. Sản xuất muối hiện có 975 ha với sản lượng đạt khoảng 130.000 tấn nuối/năm, chủ yếu là muối công nghiệp. Hệ thống hạ tầng, dịch vụ, hậu cần nghề cá được đầu tư xây dựng, nâng cấp mở rộng, đưa vào sử dụng, như các hạng mục cảng cá Phan Thiết, Phan Rí Cửa, La Gi, Phú Quý. Khu neo đậu tránh trú bão Phú Hài, Liên Hương. Đóng, sửa tàu thuyền hiện có 32 cơ sở, trong đó có một số cơ sở có khả năng đóng mới tàu từ 90 đến 400 CV... Quốc phòng, an ninh vùng ven biển, hải đảo được tăng cường…

Tuy nhiên, so yêu cầu, kinh tế biển của tỉnh phát triển còn chậm, thiếu bền vững. Tỷ trọng đóng góp của kinh tế biển vào GRDP của tỉnh còn thấp. Đáng chú ý là công nghiệp chế biến thủy sản còn yếu. Kết cấu hạ tầng phục vụ kinh tế biển còn thiếu, nhất là khu neo đậu tránh trú bão, tình trạng sạt lở bờ biển diễn ra ngày càng nghiêm trọng nhưng thiếu nguồn lực đầu tư khắc phục. Công tác quản lý nhà nước, nhất là công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, bảo vệ môi trường và nguồn lợi thủy sản còn nhiều bất cập. Chất lượng nguồn lao động biển còn thấp. Một số mâu thuẫn giữa phát triển kinh tế du lịch và khai thác tài nguyên khoáng sản titan ven biển hoặc giữa phát triển kinh tế du lịch và phát triển kinh tế hải sản chưa được giải quyết triệt để. Đời sống của một bộ phận cư dân vùng biển còn nhiều khó khăn, nhất là vùng bãi ngang. An ninh trật tự có lúc, có mặt còn phức tạp.

 Mục tiêu và giải pháp

Tỉnh đã đặt ra mục tiêu và giải pháp căn cơ là bằng nhiều nguồn lực và biện pháp tích cực, tiếp tục phát huy tiềm năng và lợi thế, đẩy mạnh phát triển toàn diện và bền vững kinh tế biển, gắn với tái cơ cấu kinh tế của tỉnh để kinh tế biển trở thành ngành kinh tế động lực quan trọng, thúc đẩy quá trình tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Chăm lo ngày càng tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh vùng biển, đảo của Tổ quốc, góp phần thực hiện thành công Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020. Giai đoạn 2016 - 2020 phấn đấu đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế biển cao gấp 1,25 - 1,3 lần so với tốc độ tăng trưởng chung nền kinh tế của tỉnh. Trong đó, tốc độ tăng trưởng của ngành thủy sản đạt bình quân 10%/năm, giá trị sản xuất công nghiệp chế biến hải sản tăng 7,5%/năm, du lịch đạt 19,3%/năm. Đến năm 2020, sản lượng nước mắm đạt 42 triệu lít; kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 170 triệu USD, chiếm tỷ trọng 43,58% giá trị kim ngạch xuất khẩu.

Huy động tối đa các nguồn vốn để đầu tư hoàn chỉnh hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế biển, đảo; trước hết, tập trung đầu tư hoàn chỉnh các công trình: Kè chống xâm thực biển, các khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá, đường giao thông ven biển, các cảng cá, cảng tổng hợp Vĩnh Tân, cảng giao thông tuyến Phan Thiết - Phú Quý, sân bay Phan Thiết, các công trình hạ tầng thiết yếu trên đảo Phú Quý… gắn với việc trồng rừng phòng hộ ven biển. Đầu tư phát triển mạnh các ngành kinh tế biển trước hết là tiếp tục tái cơ cấu lại khai thác hải sản, đẩy mạnh hơn nữa thực hiện Nghị định số 67/2014/NĐ-CP, ngày 7/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, hỗ trợ ngư dân tiếp tục đầu tư phát triển tàu thuyền công suất lớn, khai thác hải sản xa bờ và dịch vụ hậu cần trên biển, trang bị kỹ thuật - công nghệ hiện đại, giảm dần tàu thuyền công suất nhỏ, đánh bắt ven bờ, các loại nghề có ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản.

Đẩy mạnh khai thác các tiềm năng, lợi thế về biển, đảo để phát triển mạnh các loại hình du lịch biển. Khuyến khích đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu; khuyến khích đầu tư chế biến các sản phẩm muối và các hóa chất sau muối; giảm tỷ trọng và tiến tới chấm dứt xuất khẩu các sản phẩm thô, không qua chế biến, tăng sản phẩm có hàm lượng khoa học - công nghệ cao; giữ vững thương hiệu nước mắm Phan Thiết. Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển công nghiệp đóng, sửa tàu thuyền; ưu tiên thu hút các dự án đầu tư các cơ sở dịch vụ phục vụ đánh bắt xa bờ.

Tập trung đầu tư phát triển hạ tầng giao thông và nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải khu vực ven biển, hải đảo. Trước mắt tranh thủ các nguồn vốn để đầu tư nâng cấp các tuyến giao thông ven biển quan trọng, kết nối với quốc lộ 1A, đường cao tốc qua địa bàn tỉnh; đầu tư xây dựng cảng tổng hợp Vĩnh Tân, sân bay Phan Thiết, nâng cấp sân bay Phú Quý. Đầu tư phát triển và từng bước nâng cao chất lượng phương tiện và dịch vụ phục vụ, nhất là các phương tiện vận tải giữa đất liền với huyện đảo Phú Quý và ngược lại.             

Trần Thi



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư về chống khai thác IUU
BTO- Ban Bí thư Trung ương Đảng vừa tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW, ngày 10/4/2024 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) và phát triển thủy sản bền vững. Đồng chí Trương Thị Mai - Thường trực Ban Bí thư khóa XIII, Trưởng ban Tổ chức Trung ương chủ trì hội nghị.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phát triển kinh tế biển theo hướng chiều sâu và bền vững