Theo dõi trên

Phát triển thủy sản thành kinh tế mũi nhọn

20/10/2020, 08:54

BT- Được xác định là 1 trong 3 ngư trường lớn của cả nước, những năm qua ngành thủy sản Bình Thuận đã có những bước phát triển mạnh, để vươn lên thành nền kinh tế mũi nhọn, góp phần vào sự phát triển kinh tế của tỉnh. 

Tăng đội tàu đánh bắt xa bờ

Được đánh giá là ngư trường dồi dào hải sản, rất thuận lợi cho ngư dân đánh bắt, do đó những năm qua việc khai thác, đánh bắt hải sản luôn giữ vị trí quan trọng trong đời sống, kinh tế của tỉnh. Ngoài đội tàu với gần 7.000 chiếc có tổng công suất hơn 1 triệu CV, ngư dân Bình Thuận được đánh giá rất “chịu chơi” khi liên tục cập nhật và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ trong đánh bắt, khai thác và bảo quản sản phẩm. Nhờ đó, sản lượng khai thác hải sản năm 2020 đạt 210.000 tấn, tăng 8,4% so năm 2015. Tính đến thời điểm này, số lượng tàu có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên gần 2.000 chiếc, tăng 443 chiếc so cuối năm 2015, góp phần tăng tỷ trọng nhóm tàu khai thác xa bờ (tính theo chiều dài) từ 30% năm 2015 tăng lên 37% năm 2020 trong đội tàu khai thác toàn tỉnh.

Qua từng năm, đội tàu đánh bắt xa bờ của tỉnh ngày càng tăng. Ảnh: N.Lân

Qua từng năm, đội tàu công suất lớn của tỉnh tiếp tục gia tăng về số lượng, công suất, trở thành đội tàu chủ lực của tỉnh trên vùng biển khơi, có đóng góp quan trọng về sản lượng và giá trị sản phẩm, giải quyết việc làm và tạo thu nhập cho hàng chục ngàn lao động biển. Không chỉ vậy, hơn 100 tổ đoàn kết với hàng ngàn lao động và 5 nghiệp đoàn nghề cá đã liên kết, tích cực hỗ trợ nhau trong sản xuất, thông tin ngư trường, cứu hộ, cứu nạn trên biển, góp phần đảm bảo an toàn, nâng cao hiệu quả sản xuất.

Ngoài ra, UBND tỉnh đã phê duyệt tổng cộng 1.375 chiếc tàu cá đủ điều kiện hoạt động trên các vùng biển xa và thực hiện tốt các chính sách đối với ngư dân theo Quyết định số 48 của Thủ tướng Chính phủ. Giai đoạn 2016 - 2020, UBND tỉnh đã thực hiện hỗ trợ chi phí nhiên liệu đi và về của 9.413 chuyến biển với số tiền hơn 654 tỷ đồng; hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm thân tàu với số tiền hơn 13 tỷ đồng; hỗ trợ mua bảo hiểm tai nạn thuyền viên với tổng số tiền 3,39 tỷ đồng. Đồng thời, cũng đã rà soát chặt chẽ, đưa ra khỏi danh sách 75 tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài và 96 tàu không đủ điều kiện hoạt động tại vùng khơi theo Luật Thủy sản năm 2017.

Nức tiếng tôm giống

Bên cạnh khai thác hải sản xa bờ, những năm qua, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh đang chuyển dần theo hướng công nghiệp, đối tượng nuôi ngày càng đa dạng, phong phú. Nghề nuôi tôm thịt và sản xuất tôm giống đã trở thành ngành sản xuất hàng hóa có giá trị kinh tế cao. Diện tích nuôi tôm toàn tỉnh khoảng 900 ha, năng suất tôm nuôi bình quân đạt từ 9 - 10 tấn/ha. Bên cạnh đó nuôi thủy sản nước ngọt cũng chú trọng phát triển đa dạng các giống nuôi kinh tế: chình, bống tượng, thát lát, rô phi... với diện tích khoảng trên 1.800 ha, sản lượng năm 2020 ước đạt 5.500 tấn, tăng 39,4% so năm 2015.

Nhắc đến Bình Thuận, ngoài thanh long, nhiều người còn ấn tượng bởi nghề sản xuất tôm giống khi giống tôm ở vùng đất Tuy Phong nổi tiếng cả nước về chất lượng. Sản xuất tôm giống (tôm sú, tôm thẻ chân trắng) được xem là lợi thế của tỉnh do các yếu tố thuận lợi về tự nhiên (khí hậu, chất lượng nguồn nước). Nghề sản xuất tôm giống của tỉnh đang phát triển theo hướng tập trung quy mô lớn, đầu tư trang thiết bị hiện đại. Toàn tỉnh hiện có 148 doanh nghiệp/cơ sở, gồm 785 trại ương dưỡng tôm giống với tổng công suất bể ương 85.000 m3. Tất cả được sản xuất theo quy trình công nghiệp, được đầu tư trang thiết bị, máy móc hiện đại.

Để ngày càng nâng cao chất lượng tôm giống và trở thành vùng cung cấp giống lớn của cả nước, dự án Khu sản xuất giống thủy sản tập trung Chí Công (giai đoạn 1) đang từng bước hoàn thành. Đây là dự án lớn với tổng vốn đầu tư hơn 127 tỷ đồng nhằm bố trí, sắp xếp các doanh nghiệp sản xuất tôm giống trong vùng ảnh hưởng của Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, gắn với đầu tư hiện đại nâng cao chất lượng tôm giống, cung cấp cho vùng nuôi tôm thương phẩm trọng điểm các tỉnh Nam bộ.

Ngoài ra, chế biến thủy sản cũng là ngành chủ lực, góp phần không nhỏ vào kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh. Toàn tỉnh hiện có 235 cơ sở thu mua, sơ chế, chế biến thủy sản. Tổng năng lực sản xuất hàng đông hàng năm khoảng 36.500 tấn, hàng khô khoảng 5.000 tấn, nước mắm khoảng 40 triệu lít.  Hầu hết các cơ sở, doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản đều được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm và áp dụng chương trình quản lý chất lượng tiên tiến (HACCP, Halal, ISO 22000:2005...).

Để thủy sản Bình Thuận tiếp tục là ngành kinh tế mũi nhọn, các ngành chức năng cần có những giải pháp đồng bộ, tranh thủ sự hỗ trợ nguồn vốn từ trung ương để đầu tư kết cấu hạ tầng thủy sản, ứng dụng các mô hình, công nghệ mới trong khai thác, chế biến hải sản. Đặc biệt, tuyên truyền sâu rộng trong ngư dân, để từng bước chuyển đổi nghề cá nhân dân sang nghề cá có trách nhiệm.

Minh Vân

    
  

  Xây dựng 25 chuỗi cung   ứng thủy sản an toàn

  

    Trong 5 năm, toàn tỉnh có 5 cơ sở được chứng nhận HACCP (là hệ thống   quản lý có tính phòng ngừa; thông qua nhận biết các mối hiểm nguy để đảm   bảo an toàn thực phẩm. Từ đó doanh nghiệp sẽ thực hiện những biện pháp   phòng ngừa, thực hiện kiểm soát tại những điểm tới hạn). Lũy kế đến nay,   có khoảng 280 cơ sở thủy sản được làm quen, áp dụng Chương trình quản lý   chất lượng theo HACCP (chưa được chứng nhận) đạt 76% số cơ sở quản lý.   100% cơ sở chế biến thủy sản quy mô công nghiệp được chứng nhận hệ thống   quản lý chất lượng tiên tiến. Đến nay, đã xây dựng 25 chuỗi cung ứng   thủy sản an toàn với hơn 41.000 tấn sản phẩm thủy sản các loại (11 chuỗi   nước mắm/13 triệu lít/năm; 5 chuỗi thủy sản đông lạnh/hơn 26.000   tấn/năm; 8 chuỗi thủy sản khô/hơn 1.400 tấn/năm và 1 chuỗi đồ hộp/630   tấn/năm). Các sản phẩm được sản xuất theo chuỗi cung ứng an toàn thực   phẩm, tiêu thụ thị trường trong nước đều được gắn tem điện tử truy xuất   nguồn gốc.

       S.N



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phát triển thủy sản thành kinh tế mũi nhọn