Theo dõi trên

Phát triển trồng cỏ và chăn nuôi bò thịt cao sản tại Bình Thuận: Gỡ khó cho ngành chăn nuôi -  Bài 2: Hướng cho phát triển nông nghiệp bền vững

10/04/2018, 09:11

BT - Tổ chức chăn nuôi bò thịt cao sản theo chuỗi liên kết từ chăn nuôi đến chế biến, tiêu thụ; tiến đến kêu gọi đầu tư các nhà máy giết mổ để phát triển ngành chăn nuôi bò của Bình Thuận trở thành ngành sản xuất hàng hóa quan trọng và phát triển bền vững… Đó là một trong những mục tiêu mà đề án Phát triển đồng cỏ, nuôi bò thịt cao sản, giai đoạn 2018 -2025 đã  đề ra và quyết tâm thực hiện.

Nhiều hộ dân tại Bắc Bình đã phát triển diện tích trồng cỏ.

 Liên kết trong chăn nuôi

Theo Sở Nông nghiệp & PTNT, đề án này áp dụng trên địa bàn toàn tỉnh để phát triển trồng cỏ, chăn nuôi bò thịt cao sản trong giai đoạn 2018-2025. Đối tượng áp dụng là các hộ gia đình, cá nhân, tổ hợp tác, HTX trực tiếp trồng cỏ, chăn nuôi bò thịt trên địa bàn. Nội dung đề án nêu rõ, để đạt được mục tiêu phát triển thêm hơn 2.000 ha trồng cỏ, ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí mua giống cỏ để giúp người dân phát triển diện tích. Đồng thời, khuyến khích, vận động người dân trồng mới hoặc chuyển đổi đất trồng kém hiệu quả sang trồng cỏ chăn nuôi bò. Tập trung phát triển trồng cỏ ở những vùng chủ động nguồn nước nhằm chủ động giải quyết thức ăn thô xanh cho đàn bò cao sản quanh năm. Đối với những trang trại chăn nuôi bò thịt cao sản, khuyến khích phát triển chăn nuôi bò với quy mô lớn hơn từ 50 - 100 con để đầu tư thâm canh, nâng cao năng suất thịt. Hình thành nhóm hộ, tổ hợp tác và từng bước thành lập HTX chăn nuôi liên kết với doanh nghiệp theo phương thức doanh nghiệp cung cấp con giống bán cho người dân, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi. Riêng người chăn nuôi đầu tư chuồng trại, trồng cỏ và tổ chức chăn  nuôi và bán sản phẩm cho doanh nghiệp theo hợp đồng ký kết.

Có sự hỗ trợ của Nhà nước

 Tại hội thảo chuyên đề “Thực trạng, bàn các giải pháp, chính sách phát triển trồng cỏ và chăn nuôi bò thịt cao sản tỉnh Bình Thuận” vừa được Sở Nông nghiệp & PTNT tổ chức mới đây, đã đề xuất nội dung, chính sách và các giải pháp để phát triển trồng cỏ, chăn nuôi bò thịt trên địa bàn tỉnh một cách bền vững. Cụ thể, theo kế hoạch trồng mới trên 2.000 ha cỏ, cần tổng kinh phí 20,840 tỷ đồng, trong đó ngân sách hỗ trợ 10,425 tỷ đồng và dân đóng góp 10,415 tỷ đồng. Nhà nước sẽ hỗ trợ 100% kinh phí mua vắc xin lở mồm long móng với tổng kinh phí 967,2 triệu đồng. Riêng kinh phí hỗ trợ mua bò giống cho các hộ chăn nuôi, Nhà nước hỗ trợ 30% giá giống mua bò cho các hộ chăn nuôi của tổ hợp tác, HTX trong 8 mô hình, nhưng không quá 450 triệu đồng/mô hình liên kết…

Ông Mai Kiều - Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT cho biết: Theo dự kiến về hiệu quả của đề án, ngoài hiệu quả kinh tế, đề án còn góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp của tỉnh; giải quyết công ăn việc làm cho người dân và nâng cao mức sống, tạo ra sản phẩm có sức cạnh tranh cao hơn và làm thay đổi dần tập quán chăn nuôi quảng canh, lạc hậu của người dân. Ngoài ra, do có đầu tư áp dụng tiến bộ kỹ thuật, xây dựng chuồng trại và áp dụng quy trình nuôi bền vững, sẽ tận dụng nguồn phân bón cho sản xuất nông nghiệp và làm hầm biogas cung cấp nguồn chất đốt để giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp & PTNT kiến nghị UBND tỉnh bố trí nguồn vốn cho Sở Nông nghiệp & PTNT để tăng cường nhiệm vụ chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về trồng cỏ, hướng dẫn tập huấn quy trình kỹ thuật chăn nuôi bò cao sản. Đồng thời, hỗ trợ người dân thủ tục vay vốn theo nghị định của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn để đầu tư phát triển trồng cỏ, nuôi bò thịt cao sản.

Rõ ràng, đề án này là chương trình trọng điểm của ngành nông nghiệp, đem lại hiệu quả thiết thực, tạo ra sản phẩm có sức cạnh tranh cao, đáp ứng được nguyện vọng của nhiều bà con chăn nuôi bò trên địa bàn tỉnh. Tin rằng, đây sẽ là lối gỡ khó của ngành chăn nuôi bò về những tồn tại trong suốt nhiều năm qua.

Theo mục tiêu cụ thể đến năm 2025, toàn tỉnh phát triển đàn bò thịt cao sản đạt 24.180 con. Sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng trên 10.000 tấn/năm; phát triển thêm diện tích trồng cỏ trên 2.000 ha, với sản lượng cỏ 400.000 tấn/năm. Xây dựng 8 HTX, tổ hợp tác liên kết chăn nuôi bò thịt cao sản với doanh nghiệp chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Góp phần nâng cao giá trị sản xuất ngành chăn nuôi trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp đạt từ 22-25%.

Tổng kinh phí của đề án là 187,011 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách hỗ trợ 17,746 tỷ đồng, vốn của dân 169,265 tỷ đồng.

Kiều Hằng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phát triển trồng cỏ và chăn nuôi bò thịt cao sản tại Bình Thuận: Gỡ khó cho ngành chăn nuôi -  Bài 2: Hướng cho phát triển nông nghiệp bền vững