Theo dõi trên

Phát triển xuất khẩu những mặt hàng chủ lực

17/05/2017, 08:20

BT- Hoạt động xuất khẩu hàng hóa Bình Thuận tiếp tục thể hiện bước chuyển biến tích cực, cụ thể 4 tháng đầu năm 2017 đã đạt kim ngạch gần 110 triệu USD (tăng gần 13% so cùng kỳ năm ngoái).

Đáng chú ý trong 4 tháng đầu năm nay, tất cả 3 nhóm hàng xuất khẩu của tỉnh đều có mức tăng trưởng khá. Nhóm hải sản đóng góp 37,25 triệu USD (tăng gần 16%), nhóm nông sản thực hiện 6,99 triệu USD (tăng xấp xỉ 40%) và nhóm hàng hóa khác đạt 65,29 triệu USD (tăng 8,88%). Tính riêng nhóm hàng nông sản, mặt hàng chủ lực là thanh long và mủ cao su đã có bước khởi sắc đáng kể khi tham gia xuất khẩu đem lại kim ngạch tăng lần lượt hơn 23% và gấp 3,5 lần so cùng kỳ năm 2016. Đặc biệt với thanh long - sản phẩm lợi thế của Bình Thuận, vừa qua Sở Công Thương tiếp tục xây dựng kế hoạch triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại mở rộng thị trường tiêu thụ nội địa lẫn ngoài nước. Với kế hoạch này, địa phương chú trọng xuất khẩu chính ngạch vào những thị trường truyền thống như Trung Quốc, khu vực Đông Nam Á, Đông Bắc Á, đồng thời mở rộng thị trường mới ở khu vực Trung Đông, Ấn Độ, Úc... và các quốc gia đã ký kết Hiệp định thương mại tự do với Việt Nam. Theo Sở Công Thương, tổng kinh phí thực hiện hoạt động xúc tiến tiêu thụ thanh long Bình Thuận năm 2017 cần khoảng 3 - 4 tỷ đồng, trong đó kinh phí hỗ trợ từ ngân sách tỉnh 1 tỷ đồng, còn lại đóng góp của Hiệp hội Thanh long, doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất và hỗ trợ từ các bộ ngành Trung ương.

Với thị trường xuất khẩu được củng cố và mở rộng, hiện nay hàng hóa của Bình Thuận đã tiêu thụ tại 65 quốc gia, vùng lãnh thổ, bao gồm: 23 thị trường ở châu Á, 20 thị trường khu vực châu Âu, 14 thị trường khu vực châu Mỹ, còn lại là thị trường khu vực châu Đại Dương và châu Phi. Dù vậy xuất khẩu những mặt hàng chủ lực vẫn đặt kỳ vọng vào Nhật Bản - thị trường tiêu thụ hàng hóa lớn nhất của tỉnh (năm 2016 là 123,4 triệu USD) với sản phẩm giấy, may mặc, giày dép, đồ gỗ nội thất, hải sản tươi và đông lạnh. Tại khu vực châu Á, thời gian qua Đài Loan và Hàn Quốc cũng là thị trường tiêu thụ mạnh các mặt hàng hải sản, may mặc, cao su… với tổng kim ngạch đạt hơn 70 triệu USD trong năm ngoái. Với thị trường Hoa Kỳ thì chủ yếu tiêu thụ đồ gỗ nội thất, giày dép, hải sản của địa phương với kim ngạch đạt được trong năm qua là 45,3 triệu USD.

Bên cạnh tăng cường quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm, thời gian tới Bình Thuận sẽ tập trung phát triển mạnh công nghệ chế biến nông - lâm - thủy sản đa dạng gắn với vùng nguyên liệu. Để thực hiện có hiệu quả, việc thu hút dự án đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến sản phẩm chủ lực, có tác động tăng trưởng xuất khẩu trực tiếp của địa phương cũng được tính đến. Đồng thời tiếp tục khuyến khích, mời gọi nhà đầu tư lớn trong lẫn ngoài nước khởi động dự án phát triển sản xuất, chế biến những mặt hàng đem lại kim ngạch xuất khẩu đáng kể cho tỉnh như: thủy hải sản, dệt may, đồ gỗ nội thất, sản phẩm từ trái thanh long… Qua đó góp phần đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu hàng hóa Bình Thuận ra bên ngoài, trước mắt phấn đấu hoàn thành vượt chỉ tiêu kim ngạch 360 triệu USD trong năm 2017 (nhóm hàng hải sản được giao 135 triệu USD, nhóm hàng nông sản 13,9 triệu USD và nhóm hàng hóa khác là 211,1 triệu USD).

    
  

  Đẩy mạnh   xuất khẩu chính ngạch thanh long sang Trung Quốc

  
                                
          
Thanh long - một trong những mặt      hàng chủ lực của Bình Thuận sẽ được tăng cường xúc tiến tiêu      thụ ra bên ngoài.
  
    Xác định   Trung Quốc vẫn là thị trường trọng điểm tiêu thụ thanh long Bình Thuận   trong năm 2017 và những năm tiếp theo. Do vậy bên cạnh tiếp tục duy trì   hình thức buôn bán biên mậu thì địa phương còn tập trung hỗ trợ doanh   nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu thanh long chính ngạch sang Trung Quốc bằng   đường biển, để cung cấp cho thị trường các tỉnh sâu bên trong nội địa   nước này. Khuyến khích doanh nghiệp Bình Thuận tăng cường xuất khẩu vào   thị trường Tây Nam Trung Quốc thông qua các cặp cửa khẩu Kim Thành (Lào   Cai) - Hà Khẩu (Vân Nam), Thanh Thủy (Hà Giang) - Thiên Bảo (Vân Nam).   Điều này cũng nhằm giảm bớt áp lực trong khâu tiêu thụ tại cặp cửa khẩu   Tân Thanh (Lạng Sơn) - Pò Chài (Quảng Tây), từ đó hạn chế tình trạng   khủng hoảng thừa cục bộ…

Đ.QUỐC 



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phát triển xuất khẩu những mặt hàng chủ lực