Theo dõi trên

Phú Quý: 2 phương án khẩn cấp ứng phó bệnh dịch tả lợn châu Phi

14/03/2019, 08:27 - Lượt đọc: 0

BT - Trước diễn biến phức tạp của bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP), huyện Phú Quý đã xây dựng kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với bệnh DTLCP xâm nhiễm trên địa bàn huyện. Theo đó, kế hoạch hành động được xây dựng dựa trên 2 tình huống với mục tiêu chủ động ngăn chặn, giám sát phát hiện sớm, sẵn sàng ứng phó kịp thời và hiệu quả với bệnh DTLCP khi xâm nhiễm vào huyện Phú Quý. Chủ động xử lý kịp thời ổ dịch khi mới phát hiện, không để lây lan, hạn chế tối đa thiệt hại do bệnh DTLCP gây ra trên địa bàn.

Tình huống 1, khi chưa phát hiện bệnh DTLCP xâm nhiễm vào huyện, ngành chức năng huyện sẽ tăng cường các giải pháp về kiểm soát vận chuyển lợn từ đất liền về đảo, nghiêm cấm việc buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm của lợn không rõ nguồn gốc, nhập lậu, nghi nhập lậu nhằm ngăn chặn vi rút xâm nhập, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Cùng với đó, tổ chức kiểm soát, giám sát các đường thủy, khách du lịch từ các nước đã và đang có dịch bệnh mang thịt lợn, kể cả các sản phẩm thịt lợn đã qua chế biến chín vào huyện. Đồng thời, hướng dẫn người chăn nuôi, thú y cơ sở tăng cường theo dõi, giám sát đàn lợn, nếu phát hiện lợn bệnh, nghi mắc bệnh DTLCP; lợn chết không rõ nguyên nhân; hoặc lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu; nghi nhập lậu; không rõ nguồn gốc thì cần lấy mẫu để chẩn đoán, xét nghiệm bệnh.

Tình huống 2 là khi phát hiện bệnh DTLCP xâm nhiễm vào huyện. Giải pháp đầu tiên là tiêu hủy lợn, sản phẩm lợn bị bệnh, nghi bị bệnh DTLCP. Trường hợp 1 ổ dịch là cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ không có dãy chuồng riêng biệt, buộc phải tiêu hủy toàn đàn trong vòng 24 giờ kể từ khi có kết quả xét nghiệm khẳng định dương tính với bệnh DTLCP. Việc tiêu hủy cũng được áp dụng đối với các đàn lợn xung quanh, liền kề với đàn lợn dương tính nhưng chưa được lấy mẫu xét nghiệm. Trong vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp (trong phạm vi 3 km xung quanh ổ dịch), trong vòng 48 giờ việc tiêu hủy được áp dụng với đàn lợn bị bệnh có triệu chứng lâm sàng của DTLCP mà không nhất thiết phải chờ cho đến khi có kết quả xét nghiệm để nhằm ngăn chặn dịch bệnh phát tán, lây lan diện rộng. Người chăn nuôi có lợn buộc phải tiêu hủy được hỗ trợ tài chính theo quy định tại Nghị định số 02 của Chính phủ.

Mặt khác, khi phát hiện bệnh DTLCP xâm nhiễm vào huyện, Ban quản lý cảng Phú Quý chỉ đạo các chủ tàu vận tải tuyến Phú Quý  - Phan Thiết và ngược lại không vận chuyển gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm từ đất liền về đảo khi không rõ nguồn gốc. Đồn Biên phòng Phú Quý phối hợp với các ngành chức năng thực hiện công tác kiểm tra việc vận chuyển gia cầm và các sản phẩm gia cầm từ đất liền về đảo. Riêng Trung tâm Văn hóa – Thông tin – Thể thao huyện cần thông tin kịp thời, chính xác cho người dân về diễn biến tình hình bệnh DTLCP và các biện pháp phòng chống dịch, có chuyên mục riêng về phòng chống bệnh DTLCP. Các cơ quan, ban, ngành, Khối Dân vận và Mặt trận các đoàn thể huyện thực hiện các biện pháp quyết liệt để nhanh chóng khống chế, xử lý triệt để ổ dịch không để lây lan ra diện rộng… 

Kim Anh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phú Quý: 2 phương án khẩn cấp ứng phó bệnh dịch tả lợn châu Phi