Theo dõi trên

“Phú” và “Quý” nơi đảo ngọc 

27/08/2020, 09:11 - Lượt đọc: 66

BT- Phú Quý là huyện đảo tiền tiêu của tỉnh, nằm trên khu vực biển Đông, bắt đầu chuyển mình khi được ưu tiên dành nhiều nguồn lực để xây dựng và phát triển…

                
      Nuôi trồng thủy sản tại Phú Quý. Ảnh: Đình Hòa

Thế mạnh khai thác hải sản 

Huyện đảo Phú Quý gồm 3 xã Long Hải, Ngũ Phụng và Tam Thanh, cách TP. Phan Thiết 56,7 hải lý. Đảo Phú Quý còn gọi là “Cù Lao Thu” với quần thể gồm 10 hòn đảo lớn nhỏ được thiên nhiên ban tặng cảnh đẹp hoang sơ và độc đáo. Nơi đây có khí hậu trong lành, biển bao quanh, nước trong xanh cùng một thảm thực vật và rạn san hô đa dạng, phong phú. Với đặc điểm ấy, người dân chủ yếu sinh sống bằng nghề đánh bắt hải sản và trồng trọt. Đặc biệt với lợi thế về kinh tế biển, sản lượng hải sản khai thác bình quân của huyện luôn đạt trên 29.000 tấn/năm đã giúp người dân cải thiện đời sống và làm giàu từ biển.

Nổi bật trong 5 năm trở lại đây, bộ mặt kinh tế - xã hội của huyện đảo có nhiều khởi sắc, đời sống người dân được nâng lên rõ rệt và kết nối với đất liền một cách dễ dàng, nhờ hệ thống kết cấu hạ tầng tiếp tục được quan tâm đầu tư, đặc biệt tuyến vận tải biển Phú Quý - Phan Thiết phát triển mạnh, thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển tốt hơn trước. Việc khai thác tốt về tiềm năng, lợi thế, nhất là trên các lĩnh vực du lịch, thương mại, dịch vụ và khai thác hải sản là những gì chúng ta nhận thấy qua những con số thống kê.

Theo Phòng Kinh tế - Tài chính huyện Phú Quý: Hiện nay huyện phát triển tàu thuyền công suất lớn, khai thác hải sản xa bờ và dịch vụ hậu cần trên biển. Địa phương cũng bổ sung quy hoạch vùng nuôi tôm bố mẹ và sắp xếp phù hợp khu nuôi trồng hải sản khu vực Lạch Dù (xã Tam Thanh). Bước đầu xây dựng nghiệp đoàn nghề cá, tổ đoàn kết giúp nhau khai thác hải sản.

 Kinh tế biển là mũi nhọn

Đối với huyện đảo Phú Quý, kinh tế biển vẫn luôn giữ vai trò chủ lực và là mũi nhọn phát triển kinh tế lâu dài gắn với chuyển đổi nông nghiệp sang ứng dụng công nghệ cao. Chính vì vậy, địa phương đang phấn đấu đạt sản lượng hải sản khai thác bình quân hàng năm đạt khoảng 28.000 - 30.000 tấn.

Mặt khác, với lợi thế là một trong những địa phương đi đầu trong việc phát triển tàu cá theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ, đến nay toàn huyện đã có 76 tàu cá được hạ thủy và đi vào hoạt động. Qua đó, phát triển toàn diện ngành hải sản theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả trong khai thác, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Để làm được điều đó, địa phương đang từng bước nâng cao năng lực các đội tàu khai thác khơi xa, dịch vụ hậu cần và chế biến sản phẩm ngay trên biển. Song song đó, khuyến khích đầu tư trang thiết bị hiện đại gắn với thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ ngư dân. Phát huy vai trò của ngư dân trong phối hợp với lực lượng chức năng bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Vận động nhân dân nâng cao nhận thức về bảo vệ nguồn lợi thủy sản, chấm dứt việc khai thác hải sản bằng chất nổ, chất độc hại, vi phạm vùng biển nước ngoài, đảm bảo sự phát triển ổn định nghề cá của huyện.

Để khai thác hải sản phát triển bền vững, huyện Phú Quý cũng lên kế hoạch sắp xếp, quy hoạch, mở rộng phát triển vùng nuôi trồng hải sản ven đảo, phát triển đa dạng chủng loại con nuôi, duy trì và tăng số lượng các cơ sở nuôi trồng hải sản để phát triển du lịch. Xây dựng và phát triển đồng bộ các cơ sở hậu cần nghề cá như: cảng cá, chợ hải sản đầu mối, cụm cơ khí đóng sửa tàu thuyền…

“Phú” và “Quý”, rõ ràng đã và đang hội tụ ở hòn đảo ngọc của Bình Thuận, với bốn bề biển cả, thuận lợi cho nuôi trồng, khai thác hải sản. Song song việc khai thác, chính quyền và người dân đang ra sức bảo tồn và phát huy hệ sinh thái biển, đảo vốn là đặc thù và lợi thế, để đưa kinh tế biển và du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện. 

Kiều Hằng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
“Phú” và “Quý” nơi đảo ngọc