Theo dõi trên

Quản chặt công nghệ đầu vào trong các dự án đầu tư

19/04/2017, 08:38

BT- Để ngăn chặn công nghệ lạc hậu nhập khẩu vào Việt Nam, đồng thời những công nghệ dù mới cũng vẫn phải thẩm định, đây là ý kiến của các sở, ngành, hiệp hội tỉnh ta góp ý cho dự án Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi), tại hội nghị do Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị Bình Thuận tổ chức mới đây.

                
Công ty Cao su Bình Thuận đổi mới công nghệ    chế biến mủ cao su.

Phó Giám đốc Sở Khoa học & Công nghệ Trương Khương Hải nêu thực trạng: Luật Chuyển giao công nghệ đã ban hành năm 2006 nhưng qua hơn 10 năm, luật chưa đi vào cuộc sống nhiều, nhất là việc quản lý, kiểm soát của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc chuyển giao công nghệ trong cả nước và của tỉnh. Đặc biệt, chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào trong nước, chuyển giao trong nước chưa có quy định kiểm soát chặt chẽ, nên việc này khá tùy tiện, khó quản lý, không tránh khỏi công nghệ lạc hậu dễ dẫn đến Việt Nam là bãi thải của công nghệ nước ngoài. Ở tỉnh ta, chủ đầu tư đã  mất khá nhiều kinh phí, thời gian khắc phục ô nhiễm môi trường ở đồng muối Thông Thuận (Tuy Phong), Nhà máy tôn tráng kẽm Trung Nguyên (KCN Phan Thiết), đã phần nào nói lên điều đó… Lần này, dự thảo Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi) cũng nêu rõ, thời gian vừa qua công tác quản lý công nghệ nhập khẩu vào nước ta chưa chặt chẽ, thiếu sự phối hợp đã dẫn đến tình trạng nhiều công nghệ, thiết bị lạc hậu, tác động xấu đến sức cạnh tranh của nền kinh tế, gây ô nhiễm môi trường.

Ông Trương Khương Hải phân tích thêm, trong chuyển giao công nghệ (Điều 13), dự thảo luật quy định: “Đối với dự án đầu tư công bắt buộc thẩm định công nghệ trong giai đoạn quyết định chủ trương đầu tư và giai đoạn quyết định đầu tư. Còn dự án khác không sử dụng vốn ngân sách nhà nước (doanh nghiệp tư nhân, công ty TNHH…) cần bắt buộc phải thẩm định công nghệ đối với sử dụng công nghệ thuộc danh mục hạn chế chuyển giao hoặc có nguy cơ xấu đến môi trường (khoản a, b), Điều 13”. Như vậy, luật cần bổ sung quy định rõ các trường hợp sau: các công nghệ thuộc danh mục khuyến khích chuyển giao có thẩm định không? Bởi không tránh khỏi trường hợp doanh nghiệp sẽ đưa công nghệ, thiết bị lạc hậu hoặc đã hết hạn sử dụng. Nếu không kiểm soát, Việt Nam sẽ tiếp tục trở thành bãi thải, sử dụng thiết bị cũ. Nếu dự án đã đầu tư, doanh nghiệp tư nhân, công ty TNHH muốn thay đổi công nghệ mới như chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam, cần đề nghị ai thẩm định, xử lý thế nào, bổ sung vào luật cho rõ. Còn ở Điều 3 dự thảo luật này cần giải thích từ ngữ rõ hơn về công nghệ cao, công nghệ ô nhiễm, công nghệ tái sinh… để dễ áp dụng vào thực tế.

Nhiều đại biểu khác tại hội nghị cho rằng, để kiểm soát có hiệu quả công nghệ của các dự án đầu tư, cần thiết phải phân luồng công nghệ, quy định trách nhiệm, trình tự thủ tục, thẩm định công nghệ ngay trong luật này; đồng thời phải phù hợp với Luật Đầu tư, Luật Xây dựng và các luật khác có liên quan để giảm thiểu tối đa thủ tục đầu tư đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, thuận lợi trong đầu tư của doanh nghiệp. Bà Nguyễn Thị Phúc, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã ghi nhận những ý kiến để báo cáo tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV sắp tới.

T. Khoa



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Quản chặt công nghệ đầu vào trong các dự án đầu tư