Theo dõi trên

Quảng Tây (Trung Quốc) tăng cường quản lý truy xuất hoa quả nhập khẩu: Bình Thuận chuẩn bị gì?

02/05/2018, 09:34

Bài 2: Siết chặt VietGAP

BT- Người sản xuất luôn so sánh về giá cả thu mua, cách thu mua giữa sản xuất theo VietGAP và không theo VietGAP. Ở những thời điểm giá thanh long thấp, kết hợp bệnh đốm nâu gây hại mạnh là những thời điểm Ban chỉ đạo các cấp gặp khó khăn trong việc triển khai chương trình…

                
   Sản xuất thanh long VietGAP tại huyện Hàm    Thuận Nam.

Không xem nhẹ VietGAP

Thời gian qua, một số địa phương và nông dân trồng thanh long VietGAP đã hiểu rõ mục đích và ý nghĩa của chương trình sản xuất theo VietGAP. Tuy nhiên thực tế hiện nay một số xã không sâu sát, thiếu kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo không quyết liệt. Mặt khác, hầu hết doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa có hoặc không quan tâm nhiều đến việc người sản xuất có áp dụng hay không áp dụng quy trình sản xuất VietGAP vào sản xuất để thu mua, nên chưa động viên người dân “chuyên tâm” vào VietGAP. Nguyên nhân khách quan của hạn chế này phải nhắc đến việc hầu hết các doanh nghiệp và HTX thanh long tiêu thụ theo hình thức tiểu ngạch với Trung Quốc và phía Trung Quốc có kiểm tra chất lượng sản phẩm nhưng chưa nghiêm ngặt, nên các doanh nghiệp chưa quan tâm nhiều đến việc thu mua sản phẩm thanh long an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Từ đó, người dân còn chủ quan, xem nhẹ. Nhưng nếu theo quy định mới của Quảng Tây thì kể từ 1/5/2018, doanh nghiệp và nông dân cần phải siết lại VietGAP.

Hiện nay Sở Nông nghiệp & PTNT đang “tốc lực” để thực hiện nâng cao chất lượng thanh long Bình Thuận, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và phục vụ cho yêu cầu xuất khẩu. Đặc biệt thực hiện tốt kế hoạch sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP trong năm 2018 đạt chỉ tiêu 9.800 ha thanh long. Trong đó, diện tích thanh long được cấp chứng nhận VietGAP của các huyện, thị xã, thành phố có hiệu lực đến cuối năm 2018 gồm Hàm Thuận Bắc 3.460 ha, Hàm Thuận Nam 5.740 ha, Hàm Tân 361 ha, Bắc Bình 100 ha… Ông Mai Kiều - Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT đề nghị các địa phương phải xác định chương trình sản xuất thanh long theo hướng an toàn là nhiệm vụ chính trị quan trọng của chính quyền địa phương, cần kiên trì để chỉ đạo với quyết tâm cao. Đồng thời, không ngừng nâng cao uy tín, chất lượng thanh long Bình Thuận, góp phần tăng thu nhập cho người sản xuất thanh long. 

Mở rộng thị trường

Theo Sở Công Thương, lâu nay do thủ tục giao hàng, thanh toán thuận lợi, phù hợp vi các cơ sở, hộ kinh doanh nhỏ, nên hoạt động buôn bán thanh long theo hình thức biên mậu tiếp tục được duy trì. Những năm trước đây (từ 2010-2015), thanh long Bình Thuận xuất khẩu sang Trung Quốc chủ yếu thông qua cặp cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) và Pò Chài (Quảng Tây - Trung Quốc) và một số ít xuất khẩu qua cặp cửa khẩu Kim Thành (Lào Cai) và Hà Khẩu (Vân Nam - Trung Quốc). Từ năm 2016 đã mở thêm cặp cửa khẩu Thanh Thủy (Hà Giang) - Thiên Bảo (Vân Nam - Trung Quốc).

Bên cạnh đó, thực tế hiện nay trong khâu tiêu thụ còn có những tồn tại, đó là việc mở rộng thị trường xuất khẩu chính ngạch vẫn còn hạn chế, thị trường tiêu thụ chủ yếu là thị trường Trung Quốc, nên nguy cơ ảnh hưởng đến sản xuất thanh long khi thị trường này bị ách tắc. Hiện sản lượng thanh long xuất khẩu sang Trung Quốc theo hình thức biên mậu chiếm tỷ trọng rất lớn, nhưng vì mạnh ai nấy làm, thiếu sự đoàn kết, hợp tác trong kinh doanh nên giá cả thu mua không ổn định và do không điều tiết được lượng hàng vận chuyển ra biên giới nên đã gây ra hiện tượng ứ đọng hàng hóa tại cửa khẩu, tạo điều kiện để người mua ép giá.

Để đảm bảo quá trình sản xuất- tiêu thụ thanh long ổn định, thời gian qua, Sở Công Thương và Sở Nông nghiệp & PTNT đã phối hợp với các sở, ngành địa phương có liên quan tập trung triển khai quyết liệt các nhóm giải pháp đối với khâu sản xuất và cả khâu tiêu thụ. Theo đó, tập trung khắc phục các điểm hạn chế trong khâu sản xuất, nhằm nâng cao chất lượng, hình thành các chuỗi giá trị gắn kết giữa sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ để nâng cao giá trị sản phẩm, đảm bảo an toàn thực phẩm để đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Siết chặt VietGAP, mở rộng thị trường và nâng cao nhận thức đối với các hộ sản xuất thanh long nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm - đó là tâm thế của ngành chức năng và nông dân trồng thanh long Bình Thuận khi đứng trước rào cản kỹ thuật mới đến từ phía nước nhập khẩu hiện nay. 

    
      Trong năm 2018, các địa phương, tổ chức và nông dân đang tích cực triển   khai xây dựng VietGAP, củng cố lại Ban chỉ đạo. Tiếp tục đẩy mạnh phối   hợp các địa phương triển khai kế hoạch sản xuất và kiểm tra, chứng nhận   thanh long đạt tiêu chuẩn VietGAP. Kết quả từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh   đã thực hiện cấp chứng nhận mới 34 ha, tái cấp chứng nhận 337 ha, qua   tái cấp và sau khi gia hạn đã giảm 257 ha. Toàn tỉnh hiện có 9.287 ha   thanh long được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP.

KiỀu HẰng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Quảng Tây (Trung Quốc) tăng cường quản lý truy xuất hoa quả nhập khẩu: Bình Thuận chuẩn bị gì?