Theo dõi trên

Quy hoạch để phát triển du lịch bền vững

22/05/2018, 09:24

BT- Bình Thuận là tỉnh có mối liên hệ chặt chẽ và chịu tác động mạnh mẽ của địa bàn kinh tế trọng điểm phía Nam. Chính vì vậy đã tạo điều kiện thuận lợi để địa phương phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phát triển về kinh tế biển, du lịch và dịch vụ.

                
Du khách nước ngoài nghỉ dưỡng tại Mũi Né -    TP. Phan Thiết. Ảnh: Đình Hòa

Tuy nhiên, muốn phát triển về các loại hình kinh tế này, mà “trọng điểm” là du lịch, dịch vụ, địa phương phải có tầm nhìn để có những giải pháp phù hợp nhằm quản lý tốt quy hoạch, tích cực kêu gọi mọi nguồn lực tham gia khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của tỉnh đang “sở hữu” gần 200 km bờ biển, với nhiều cảnh quan thiên nhiên phong phú và hoang sơ mà ít địa phương nào có được. Cùng với hệ thống giao thông gồm quốc lộ 1A, quốc lộ 55, tỉnh lộ 719 xuyên suốt bờ biển, đã kết nối các điểm du lịch ven biển với các đô thị, tạo sự thuận lợi cho việc phát triển ngành du lịch. Đây còn là nền tảng cho việc phát triển du lịch bền vững của tỉnh, chính vì thế tỉnh đã lập và điều chỉnh quy hoạch các khu vực ven biển. Định hướng phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật gắn với phát triển du lịch toàn tỉnh, tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư du lịch.

Theo đó, trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII (nhiệm kỳ 2015 – 2020) nêu rõ: “Phát huy các tiềm năng, lợi thế và đẩy mạnh các biện pháp để phát triển ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Đồng thời thực hiện tốt đề án Trung tâm du lịch thể thao mang tầm quốc gia, xây dựng và giữ vững thương hiệu quốc gia khu du lịch Hàm Tiến – Mũi Né, TP. Phan Thiết”. Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó có đề ra mục tiêu tập trung xây dựng 3 trung tâm mang tầm quốc gia tại địa phương gồm: trung tâm năng lượng, trung tâm du lịch  - thể thao biển và trung tâm chế biến quặng sa khoáng titan. Như vậy có thể thấy, định hướng quy hoạch và phát triển đô thị ở Bình Thuận luôn gắn với tiềm năng du lịch biển. Qua đó góp phần đẩy mạnh tốc độ cũng như chất lượng tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Hiện nay, các dự án du lịch ven biển của tỉnh được rất nhiều các nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm. Bình Thuận đang chuyển mình trong phát triển về kinh tế biển và khẳng định vị trí của ngành công nghiệp không khói trên bản đồ Việt Nam. Bình Thuận còn đang hướng đến xây dựng một Trung tâm thể thao biển mang tầm quốc gia và quốc tế, gắn với mô hình phức hợp tận dụng địa hình gắn với bờ biển.  Hội nghị xúc tiến đầu tư của tỉnh vào năm 2017 cũng  đã đem lại cho địa phương 40 dự án trên nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực du lịch và dịch vụ với tổng vốn đăng ký khoảng 126.000 tỷ đồng. Ngoài ra, dự án Trung tâm dịch vụ du lịch Hàm Tiến – Mũi Né quy mô 198 ha với tổng vốn tạm tính gần 500 triệu USD và nhiều khu du lịch khác sẽ hình thành trong tương lai. Chính vì vậy, công tác quy hoạch đô thị gắn với phát triển du lịch là rất cần thiết phải làm để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, để Bình Thuận xứng đáng là “thủ đô resort của Việt Nam”.

THANH QUANG



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư về chống khai thác IUU
BTO- Ban Bí thư Trung ương Đảng vừa tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW, ngày 10/4/2024 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) và phát triển thủy sản bền vững. Đồng chí Trương Thị Mai - Thường trực Ban Bí thư khóa XIII, Trưởng ban Tổ chức Trung ương chủ trì hội nghị.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Quy hoạch để phát triển du lịch bền vững